| Hotline: 0983.970.780

TS Đào Thế Anh: Đừng bỏ mặc nông dân như thế!

Thứ Tư 02/04/2014 , 10:44 (GMT+7)

Không có quốc gia nông nghiệp phát triển nào lại trống tổ chức đại diện cho người SX như ở nước ta.

Không có các tổ chức tập hợp người SX như hội, hiệp hội, HTX nên nông dân mạnh ai nấy trồng, thương lái khỏe ai người ấy buôn. TS Đào Thế Anh (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp đã chỉ ra nguyên nhân cốt lõi về câu chuyện SX, tiêu thụ nông sản, mà tiêu biểu là tình trạng ùn ứ dưa hấu hiện nay.

001172431916

Thành lập ngay tổ chức của người trồng dưa

Không có quốc gia nông nghiệp phát triển nào lại trống tổ chức đại diện cho người SX như ở nước ta. Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc..., người trồng cây gì, nuôi con gì cũng đều có hội, hiệp hội hay HTX đại diện cho mỗi ngành hàng ấy. Không chỉ có dưa hấu năm nào cũng tắc ở cửa khẩu, chuyện buồn về đầu ra cho nhiều sản phẩm nông sản nước ta tôi cho rằng mấu chốt đang nằm ở việc nông dân mạnh ai nấy trồng, ai nhanh người ấy bán, thương lái mạnh ai nấy buôn.

Một vụ dưa hấu có lợi thế, ổn định, có sản lượng lớn và số hộ nông dân tham gia trồng dưa rải khắp mấy tỉnh Nam Trung bộ như thế, tại sao ta không nghĩ tới việc thành lập hội, hiệp hội hay HTX của người SX dưa hấu? HTX có thể sẽ phức tạp, nhưng thành lập hội trồng dưa hấu ở tỉnh Bình Định, Phú Yên, hay hiệp hội trồng dưa hấu vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên chẳng hạn thì có gì lá khó đâu?

Tôi đọc báo thấy lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh trồng dưa nói rất nhiều người nơi khác đến thuê đất trồng dưa nên khó thống kê diện tích, dẫn tới khó dự báo. Khó là phải, bởi cơ quan quản lí nhà nước chỉ có thể thống kê diện tích sau khi trồng, chứ làm sao có thể đi từng hộ dân hỏi xem họ dự định vụ dưa năm nay sẽ trồng bao nhiêu đâu mà có thể dự báo?

Cơ quan quản lí nhà nước về nông nghiệp hay công thương hiện nay cũng không thể có quyền đứng ra bắt nông dân phải trồng bao nhiêu diện tích, mà chỉ có tổ chức hội của chính người SX mới có thể quyết định cho chính họ. Muốn có con số chính xác để dự báo thị trường, cũng chỉ có thể hội và hiệp hội làm được. Tại sao xúc tiến thành lập hội trồng dưa từng tỉnh, lấy hạt nhân hội viên chính là các hộ chuyên đi thuê đất trồng dưa (bởi họ là người SX chuyên nghiệp nhất).

Không chỉ người trồng dưa không có tổ chức, thương lái đi buôn cũng loạn xị. Tôi đọc báo, thấy nhiều độc giả phản hồi dưa trên Lào Cai, Lai Châu, ngay cả Hà Nội, TP.HCM hiện vẫn có giá tới 15 – 20 nghìn đồng/kg, trong khi thương lái đưa lên cửa khẩu cũng chỉ bán được 5.000 – 7.000 đ/kg. Vậy nhưng kể cả khi cửa khẩu đã tắc hàng dài, dưa từ các tỉnh phía Nam vẫn cứ ùn ùn kéo lên Lạng Sơn, chứ chẳng ai chịu chở đi bán các tỉnh nội địa.

Oái oăm là thông tin ách tắc cửa khẩu, hay thông tin dưa ở các tỉnh nội địa vẫn rất đắt ấy người ta cũng chỉ biết qua báo chí, chứ chẳng có cơ quan chức năng nào có trách nhiệm thông tin chính thống tình hình Lạng Sơn về các vùng trồng dưa phía Nam để các thương lái tìm đường tiêu thụ nơi khác, hay nông dân tìm cách hoãn thu hoạch muộn nhất có thể. Mà có thông báo đi nữa thì đơn vị nào ở vùng trồng dưa phía Nam sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin ấy để truyền tải đến người dân và thương lái, khi mà cả nông dân và thương lái đều không có tổ chức đại diện?

dua17243222
Dưa hấu bán trong nước vẫn đắt tới 15 – 20 nghìn/kg, nhưng dưa từ miền Nam vẫn ùn ùn lên Lạng Sơn qua Trung Quốc với giá rẻ mạt

Rất nhiều sản phẩm nông sản của chúng ta hiện nay đều không có hội, hiệp hội của người SX nên xử lí việc gì cũng vô cùng lúng túng. Đơn cử như chuyện thương lái Trung Quốc sang mua lá khoai, tôi nghĩ mấy chuyện này chẳng có gì nghiêm trọng nếu có hội, hiệp hội trồng khoai lang. Chẳng hạn trường hợp này, họ chỉ cần phối hợp với nhà khoa học, cơ quan quản lí nhà nước họp bàn xem có nên bán lá khoai lang hay không, bán thì quy trình trồng, thu hoạch lá ra sao cho an toàn, bán cho ai thì đảm bảo..., vậy là xong. Đằng này khi thương lái vào mua, nông dân này khoái thì bán, người kia sợ không bán, cơ quan quản lí nhà nước cứ nháo nhào, chẳng biết đường nào xử lí...

Theo tôi, trước khi nghĩ tới mô hình liên kết tiêu thụ bài bản xa xôi, trước mắt, cơ quan quản lí cửa khẩu phía Bắc có thể lên danh sách cụ thể xem có bao nhiêu thương lái đi buôn dưa. Sau đó, cần thành lập ngay một hội hay hiệp hội trồng dưa hấu, gồm có thành viên là các thương lái, nông dân trồng dưa chuyên nghiệp. Đầu mỗi vụ trồng dưa, căn cứ vào tình hình dự báo thị trường, hội hay hiệp hội ấy mới có thể thống kê xem vụ này nên trồng bao nhiêu, trồng ở đâu, vùng nào trồng trước, vùng nào trồng sau, rải vụ ra sao...

Trước mỗi vụ thu hoạch, có thể mời thêm cơ quan quản lí nhà nước như ngành công thương, nông nghiệp cùng họp bàn xem giải pháp tiêu thụ ra sao, sản lượng thế nào, bán ở đâu tốt nhất...? Dưa không phải là cây trồng chủ lực nên cũng chẳng cần hiệp hội quy mô lớn, chỉ cần hiệp hội hay hội cấp tỉnh hay cấp vùng là được. Đứng về phía lợi ích mà nói, chỉ có thành lập tổ chức của người SX như HTX, hội, hiệp hội thì nông dân mới có thể có vị thế mặc cả khi bán, nhà nước có muốn giúp nông dân cái gì cũng rất dễ. Hiện nay, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chẳng có tổ chức nào đứng ra tiếp nhận hỗ trợ ấy trực tiếp và hiệu quả cho người SX cả. Vậy nên cần phải có tổ chức đại diện cho người SX đứng ra tiếp nhận hỗ trợ ấy, đồng thời chỉ có họ mới có thể đứng ra bàn thảo với cơ quan quản lí nhà nước xem họ cần hỗ trợ gì, chứ giao việc đó cho ủy ban, cho chính quyền đều không hiệu quả.

Trống cơ quan nghiên cứu dự báo thị trường

Hệ thống tổ chức quản lí nhà nước về thị trường nông sản của ta hiện nay đang rất lúng túng. Bộ NN-PTNT chủ yếu chỉ quản lí SX, Bộ Công thương quản lí khâu thương mại, nhưng giữa hai Bộ dường như đứt đoạn, không có sự liên kết. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chủ yếu chỉ quản lí đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp là nhiều, chứ rà soát xem đã làm gì cho đầu ra nông sản thì rất ít. Ngành công thương có các thương vụ ở nước ngoài, nhưng gần như chẳng cung cấp được gì về thị trường nông sản, đa số chỉ là thông tin từ các mặt hàng đã có lâu đời và chưa có thông tin mang tính chi tiết.

Trong khi đó, Bộ NN-PTNT mặc dù hiện vẫn có một vài đơn vị như Trung tâm XTTTM, Cục Chế biến, nhưng thực ra chưa làm được gì nhiều, bởi rất ít năng lực và cũng không có kinh phí. Các Viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT, hiện cũng không có thẩm quyền nghiên cứu về thị trường nông sản, mà chủ yếu nghiên cứu về kỹ thuật. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đáng ra phải có vai trò lớn về thị trường nông sản nhưng hiện nay vẫn không có cơ quan nào được phân định thẩm quyền rõ ràng về mảng này.

Do không có cơ quan nghiên cứu thị trường, nên quy hoạch SX hiện chỉ căn cứ chủ yếu vào diện tích, năng lực SX là chính. Theo tôi, mỗi Cục kỹ thuật của Bộ NN-PTNT hiện nay (đặc biệt là Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản...) cần phải có ít nhất một đơn vị chuyên phụ trách về thị trường.

001172431916.jpg

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất