| Hotline: 0983.970.780

TS Đinh Thế Phong, chuyên gia kinh tế: Đầu vào, đầu ra của nông sản đều bị “chém”

Thứ Sáu 14/10/2011 , 10:45 (GMT+7)

TS Phong khẳng định: Nông dân mua “đầu vào” cao, bán “đầu ra” thấp, lợi nhuận rơi cả vào khâu trung gian.

TS Đinh Thế Phong
Nông dân mua “đầu vào” cao, bán “đầu ra” thấp, lợi nhuận rơi cả vào khâu trung gian. Đó là khẳng định của TS Đinh Thế Phong, Viện Chính sách và chiến lược KHCN (Bộ KH- CN), khi trao đổi với NNVN về chuyện tiêu thụ nông sản của nông dân.

Nông dân đang “cõng” thêm nhiều đối tượng

Thưa ông, câu chuyện nông sản, nhất là thực phẩm trong thời gian gần đây rớt giá, là vấn đề cũ, nhưng nó ẩn chứa quá nhiều mâu thuẫn. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Không chỉ thực phẩm, mà nông sản nói chung đều cấu thành từ nhiều nguồn chi phí khác nhau, trong đó nguyên liệu đầu vào, mà cụ thể đối với thực phẩm là thức ăn chăn nuôi (TĂCN), đối với sản phẩm cây trồng là phân bón, vật tư nông nghiệp, là những chi phí chính. Chi phí này có thể chiếm đến 50- 60% tổng giá thành nông sản.

Ta bắt đầu phân tích từ đầu vào của sản phẩm, nhất là thực phẩm. Hiện nay, nông dân đều mua thức ăn chăn nuôi - “đầu vào” qua các kênh phân phối trung gian mà không trực tiếp mua được sản phẩm từ nhà sản xuất. Hơn nữa, DN cũng đều bán hàng thông qua các đại lý.

Theo đó, đại lý cấp 1 bán đến 90% sản lượng cho đại lý cấp 2, 3. Nông dân có quy mô chuồng trại nhỏ thường mua thức ăn chăn nuôi của đại lý cấp 3. Giữa các đại lý, chênh lệch giá mua - giá bán từ 3.000 - 15.000 đồng/bao cám, trong khi giá nông dân mua chênh lệch từ 20.000 - 40.000 đồng/bao cám. Với hệ thống phân phối như trên, giá TĂCN tăng cao, có thể đội lên vài chục phần trăm khi tới tay nông dân.

Như vậy, rõ ràng nông dân đang phải chịu tình trạng “một cổ nhiều tròng”, khi giá vật tư đầu vào “đội” lên nhiều lần.

Vậy còn đầu ra của nông sản thế nào, thưa ông?

Hiện tại, giá nông sản cũng cao nhưng nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít của phần tăng lên đó. Từ nhiều năm qua, nông dân không thu lợi được bao nhiêu từ chuồng trại, thửa ruộng của mình. Bởi họ không thể định giá được hạt gạo, mớ rau, cân thịt làm ra mà chính hệ thống trung gian dày đặc mới là những người quyết định giá. Có quá nhiều trung gian trước khi hạt gạo, mớ rau, cân thịt được bán ra thị trường.

Đời sống nông dân, ngoài việc phụ thuộc vào những yếu tố mang nhiều tính rủi ro như thời tiết, sâu bệnh, vật tư nông nghiệp đầu vào, lãi suất vay vốn... còn lệ thuộc vào thị trường. Thực tế, nông dân sản xuất phân tán, với khối lượng sản phẩm nhỏ lẻ, thường không tự mang sản phẩm của mình đi bán ở chợ, hay ở các trung tâm tiêu thụ, mà thường phải qua trung gian.

Nông dân phải mua vật tư nông nghiệp với giá quá cao nhưng bán nông sản chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/5 giá thực khi tới tay người tiêu dùng. Tất cả chi phí đội lên đều do các khâu trung gian. Lợi nhuận rơi vào túi thương lái. Và không chỉ nông dân, đối tượng cuối cùng trong khâu phân phối nông sản là người tiêu dùng cũng “cùng chung chiến hào” chịu thiệt thòi.

Nhà nước “buông” khâu phân phối?

Từ quan điểm cá nhân, ông đánh giá như thế nào về đặc trưng của hệ thống phân phối nông sản ở nước ta thời điểm hiện tại?

Dựa vào các đặc điểm, hệ thống phân phối bán lẻ tại Việt Nam hiện nay chia thành hai kiểu: hệ thống phân phối theo kiểu truyền thống và hệ thống phân phối liên kết dọc. Trong đó, hệ thống phân phối truyền thống thường mang một số đặc điểm như hình thành tự phát, có nhiều cấp trung gian, quan hệ mua bán phần lớn theo thỏa thuận trực tiếp, cùng một mặt hàng nhưng có thể có nhiều nhà bán buôn, bán lẻ ở cùng một địa điểm, nhất là chợ, làm tăng chi phí cho hoạt động phân phối, liên kết trong nội bộ hệ thống yếu.

Rõ ràng khâu phân phối ở nước ta đang có quá nhiều vấn đề. Vậy vấn đề chính ở đây là gì, thưa ông?

Theo tôi, mặc dù chưa đến thời điểm Việt Nam phải thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường bán lẻ nhưng các DN trong nước vẫn chưa tích tụ được năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong kinh doanh, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của các DN phân phối trong nước nói chung và hệ thống phân phối thực phẩm nói riêng còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, trong thời điểm này rất cần một nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhu cầu, năng lực tiêu thụ nông sản của các nhà phân phối bán lẻ trong hệ thống phân phối và thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các loại hình phân phối bán lẻ; đánh giá của người tiêu dùng về hệ thống phân phối bán lẻ nông, sản thực hiện nay. Từ đó làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam trong thời gian tới.

Như vậy thì có vẻ như hệ thống phân phối, nói đúng hơn là khâu trung gian, đang bị Nhà nước buông lỏng, thưa ông?

Thực ra, nói buông lỏng cũng không đúng, vì hệ thống quản lý Nhà nước có hẳn cơ quan quản lý giá, các hiệp hội bán lẻ… Tuy nhiên, vai trò của họ chưa thực sự “bật” lên được trong quá trình quản lý. Mặt khác, đầu vào, đầu ra của nông sản nói chung, thực phẩm nói riêng phần lớn đều không thuộc những mặt hàng trong diện đặc biệt, nên cũng khó có thể áp đặt ý định chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước lên giá cả được.

Có chăng, theo tôi, cần tổ chức lại hệ thống này cho phù hợp với thực tiễn thị trường của Việt Nam.

Theo ông thì nên tổ chức lại thế nào cho hợp lý? Bởi theo quy luật vận hành của thị trường, giá cả sẽ do cung và cầu quyết định?

Thực ra, việc tổ chức lại các hệ thống phân phối hàng lương thực và thực phẩm được thừa nhận như là loại hình thích hợp nhất để thay thế các chợ nông sản truyền thống trong quá trình hiện đại hoá thị trường nội địa, do các hệ thống này đạt tiêu chuẩn cao về vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là trong các ngành hàng: cá, thịt, rau quả...

Hơn nữa, các hệ thống này có cơ cấu bán buôn và bán lẻ hiệu quả nhờ giảm bớt được các khâu trung gian. Hoạt động của hệ thống phân phối đảm bảo tính minh bạch bởi hàng hóa bán ra đều có thể thực hiện hóa đơn. Giá bán được niêm yết rõ ràng tạo sự minh bạch trong việc hình thành giá cả trên thị trường….Ngoài ra còn nhiều lợi ích khác nữa, nói chung đó là một phần tất yếu của việc phát triển kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

English Champion 2024 - Be Global, Tìm kiếm Nhà Vô Địch toàn quốc

Ngày 28/03/2024, English Champion - cuộc thi tiếng Anh học thuật do iSMART Education tổ chức với chủ đề 'Be Global' hứa hẹn mang đến những trải nghiệm bùng nổ.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất