Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và PTNT TS. Hà Công Tuấn nêu ý kiến tại Hội nghị Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp” vừa tổ chức tại Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai, Hà Nội) ngày 28/2.
Phân loại đất nông nghiệp
Theo TS. Hà Công Tuấn, quy định về bố trí không gian các loại đất liền vùng, liền khoảnh, đảm bảo phù hợp với mục đích sử dụng, phân nhóm đất nông nghiệp thành 7 loại đất của Dự thảo Luật là hoàn toàn hợp lý.
Thực tiễn quy hoạch và quản lý đất lâm nghiệp bao gồm cả đất có rừng và chưa có rừng sau khai thác trắng hoặc đất trống, đồi núi trọc, núi đá, diện tích đất có mặt nước nội địa xen kẹp nằm trong hệ sinh thái tự nhiên bền vững không thể tách rời, được quy hoạch cho phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng mới, trồng tái canh hoặc khoanh nuôi tái sinh.
Tuy vậy, quy định tại Khoản 3 của Điều 10 (dự thảo Luật) về nhóm đất chưa sử dụng chưa rõ ràng dẫn tới sự hiểu và áp dụng Luật khác nhau; không khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất thiếu nhất quán hiện nay, nhất là sự khác biệt về cơ sở dữ liệu giữa ngành Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường gây khó khăn cho quản lý và tổ chức sản xuất.
Hội đề nghị điều chỉnh theo hướng loại trừ loại đất đã quy định (thuộc Khoản 1, 2) và viết lại là “3. Nhóm đất chưa sử dụng là đất không thuộc quy định tại Khoản 1, 2 của Điều này và chưa giao, chưa cho thuê gồm: đất bằng chưa sử dụng, đất đồi, núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây; đất có mặt nước nội địa; đất có mặt nước ven biển; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối chưa sử dụng và các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng”.
Về nhóm đất phi nông nghiệp, Dự thảo Luật cần nghiên cứu điều chỉnh loại đất hoặc bổ sung quy định phân loại đất trong đô thị để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý giữa lĩnh vực đất đai và lĩnh vực quy hoạch xây dựng.
Dự thảo Luật Đất đai phân loại đất gồm Nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng. Hiện nay, Luật Xây dựng 2014 phân loại đất gồm: đất dân dụng, đất ngoài dân dụng, đất khác.
Như vậy, việc quy định các loại đất trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị thiếu thống nhất sẽ gây khó khăn trong quá trình quản lý đất đai trong đô thị cũng như cấp phép xây dựng.
Quy hoạch sử dụng đất
Theo ông Hà Công Tuấn, Luật đã thể chế hóa đòi hỏi thực tiễn phải đổi mới để nâng cao chất lượng của quy hoạch sử dụng đất bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ; nội dung quy định quy hoạch sử dụng đất đã khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo 3 khu vực (gồm khu vực quản lý nghiêm ngặt, khu vực hạn chế và khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đối với đất rừng và đất lúa); quy định kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng từng loại đất…
Tuy vậy, thực tiễn tồn tại là quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, quy hoạch thiếu ổn định.
Tình trạng thiếu thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất khá phổ biến ở tất cả các cấp quy hoạch; khó có thể tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất để tổng hợp, cân đối, phân bổ nhu cầu sử dụng đất, chồng lấn về quy hoạch không gian.
Về phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, đã thể chế hóa mạnh mẽ tư tưởng phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho địa phương. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trước khi UBND cấp có thẩm quyền quyết định bằng văn bản. Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định về điều kiện, tiêu chí, chế tài để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất này.
Thực tế, pháp luật hiện hành quy định, đối với đất lúa nước quy mô trên 10ha, đất rừng phòng hộ quy mô trên 20 ha, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên phải được Thủ tướng Chính phủ hoặc Chính phủ chấp thuận bằng văn bản. Việc tập trung quản lý quá mức vào Trung ương như hiện nay đang phát sinh biểu hiện không phát huy được sự sáng tạo của địa phương, giảm hiệu quả tính cơ hội, tăng chi phí xã hội và chưa quán triệt tư tưởng cải cách nền hành chính nhà nước.
Tuy vậy, quy định quản lý chuyển mục đích sử dụng các loại đất này trong thời gian qua cũng xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn quản lý, giảm thiểu tác động có tính cục bộ lợi ích địa phương mà thiếu cân nhắc cân đối tổng thể bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, khu vực, và phát triển bền vững quốc gia.
Ông kiến nghị, việc tăng cường phân cấp về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên là phù hợp với xu thế quản lý mới.
"Tuy vậy cũng không nên chuyển “thái cực” một cách “quá tả” theo kiểu suy nghĩ Trung ương sẽ “buông” việc này cho địa phương, chắc chắn những hệ lụy đã xảy ra những năm trước đây sẽ khó trách khỏi, ngay cả khi chúng ta đã tăng cường thể chế pháp lý.
Nên cân nhắc để phân cấp theo quy mô diện tích chuyển mục đích sử dụng, những dự án yêu cầu lớn về đất đai vẫn cần sự chấp thuận của Chính phủ", ông Tuấn nêu.
Dự thảo Luật sửa đổi cũng cần quy định đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp hiện hành, theo đó vẫn nên quy định, Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng với dự án sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha, đất rừng đặc dụng trên 20 ha, đất rừng phòng hộ trên 50 ha, đất rừng sản xuất trên 200 ha.
"Đối với các dự án có quy mô chuyển mục đích sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định tại Điều 122 của Dự thảo Luật. Đồng thời cũng cần bổ sung quy định nghiêm cấm việc chia nhỏ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất để “lách luật”, giữ lại thẩm quyền quyết định của địa phương", TS. Hà Công Tuấn góp ý.