| Hotline: 0983.970.780

TS Lê Đức Thịnh: Nhận thức về giảm nghèo đã thay đổi

Thứ Sáu 29/11/2019 , 08:56 (GMT+7)

Hiện nay, Chương trình “Không còn nạn đói” đã và đang được triển khai thí điểm.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác - PTNT (Bộ NN-PTNT) liên quan tới việc triển khai, thực hiện chương trình.

20-40-24_ts_le_duc_thinh
TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác - PTNT (Bộ NN-PTNT).

Tại hội nghị triển khai Chương trình “Không còn nạn đói”, ông từng cho rằng, đây là một chương trình ý nghĩa, nhân văn. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Khái niệm “đói” trong chương trình này là “đói dinh dưỡng”, một vấn đề ảnh hưởng sau rộng lâu dài đến thể trạng, tiềm năng phát triển con người ở mỗi quốc gia. Đói dinh dưỡng luôn đồng hành với đói nghèo nói chung nhưng đôi khi tồn tại cả ở những đối tượng thiếu hiểu biết về dinh dưỡng cho con trẻ và các bà mẹ mang thai.

Trong khu vực châu Á cũng như thế giới, Việt Nam được đánh giá là quốc gia giảm nghèo thành công. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong Đông Nam Á tham gia vào chương trình “Không còn nạn đói”. Đây thực chất là quyết tâm mới của Đảng và Nhà nước đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Mặc dù chúng ta đã và đang theo đuổi mục tiêu giảm nghèo đa chiều, nhưng khi Việt Nam triển khai “Không còn nạn đói”, rất nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ, bởi sự cam kết này có vai trò quan trọng đối với sáng kiến phát triển bền vững, mục tiêu thiên nhiên kỷ do Liên Hiệp quốc phát động. Chúng ta đẩy cao hơn là đẩy lùi cái đói nghèo suy dinh dưỡng. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, nhân văn và toàn diện.

Chương trình còn mang ý nghĩa chiến lược khi chúng ta lo cho nền tảng thể lực của con người Việt Nam. Mặc dù kinh tế của chúng ta có tốc độ tăng trưởng cao, đời sống người dân cải thiện mạnh mẽ. Nhưng ngay việc cải thiện chỉ số chiều cao người Việt cũng rất hạn chế. Trong vòng 20 năm qau, người Việt trung bình mới chỉ cao thêm khoảng 4cm, một kết quả khá khiêm tốn.

Thông qua chương trình, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ với mục tiêu giảm nghèo, nhất là đối với những vùng, địa phương còn khó khăn. Đồng thời, thể hiện một chiến lược tầm xa phát triển nền tảng, tiềm lực, trí tuệ con người Việt Nam.

Được biết, chương trình đã và đang được thực hiện thí điểm tại 3 tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh… Vì sao, chương trình lại lại chọn 3 địa phương này để thực hiện? Việc triển khai đang được tiến hành như thế nào?

Ở mỗi địa phương, chúng tôi cũng chỉ chọn 1 xã để thực hiện thí điểm. Ba tỉnh này đều là 3 tỉnh khó khăn và rất đặc thù vùng cho 3 vùng khó khăn nhất, có tỷ lệ nghèo và tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất nước. 3 tỉnh này cũng có đặc thù rõ nét về thành phần dân tộc, tập quán sản xuất và sử dụng sản phẩm nông nghiệp, văn hóa vùng, miền...

Thông qua ba mô hình thí điểm này, chúng ta sẽ tổng kết được các kinh nghiệm, biên tập thành tài liệu tập huấn, sổ tay hướng dẫn cách triển khai một mô hình nông nghiệp dinh dưỡng.

Kinh nghiệm vừa qua đối mỗi mô hình thí điểm, chúng tôi xây dựng thành 5 bước riêng biệt. Từ xác định đối tượng thụ hưởng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào trẻ em, phụ nữ trẻ, phụ nữ mang thai.

Bước thứ hai, là khảo sát, đánh giá lại tiềm năng sản xuất của hệ thống nông nghiệp bản địa. Đồng thời, xác định rõ thực trạng dinh dưỡng để đưa ra các phương thức cải thiện dinh dưỡng. Như đối với trẻ nhỏ, ngoài việc hướng dẫn cha mẹ, chúng tôi phải phối hợp với nhà trường, trạm y tế bổ sung vi chất vào bữa ăn cho các cháu.

Từ đó, hướng tới thiết lập các tổ chức cộng đồng như câu lạc bộ bà mẹ nuôi dạy trẻ, các HTX, tổ hợp tác phát triển mô hình nông nghiệp dinh dưỡng. Cũng như tạo môi trường sinh hoạt, truyền bá kinh nghiệm.

Cuối cùng là tổng kết, phổ biến, nhân rộng ra nhiều hộ khác. Chúng tôi đang cho hoàn thiện, sau đó thẩm định, góp ý trước khi ban hành sổ tay hướng dẫn cho giai đoạn tới.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, tại một số vùng thực hiện dự án, nhận thức của người dân với xóa đói, giảm nghèo đã được nâng lên. Xin ông cho biết thêm một số hiệu quả bước đầu của dự án?

Tôi phải khẳng định, thành công đầu tiên của chương trình là làm thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền về giảm nghèo. Trước nay, khi chúng ta nói về “Không còn nạn đói”, dường khi các địa phương chưa quan tâm, tỏ vẻ lạ lẫm.

Tại 3 hội nghị triển khai tại 3 địa phương kể trên, khi bước chân tới hội nghị, người dân vẫn nghĩ, đói là không còn cái gì để ăn. Nhiều người thậm chí tỏ ra buồn cười khi Trung ương triển khai chương trình này. Người dân đã đành, ngay cả cán bộ, nhiều người cũng không hiểu.

Sau khi chúng tôi truyền thông bằng hình ảnh, lời nói, họ đã hiểu thế nào là “Không còn nạn đói”. Từ chuyện hiểu, cho tới nay, đã có hàng chục tỉnh tự xây dựng Kế hoạch triển khai chương trình tại địa phương theo chỉ đạo tại Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025. Mặc dù bước đầu triển khai còn lúng túng, nhưng thể hiện việc các tỉnh đã quan tâm hơn.

Ngay trong các mô hình, sự chuyển biến về nhận thức của các bà mẹ trong việc nuôi dạy con cũng được ghi nhận. Đặc biệt là về dinh dưỡng trong nuôi con đã có sự thay đổi đáng kể. Sắp tới, tại các vùng dự án, chúng tôi sẽ tổng hợp, đánh giá để có những con số cụ thể về những thay đổi này.

Tới nay, từ chỗ không hiểu, người dân vùng dự án bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với chương trình. Đặc biệt, những người trẻ ban đầu tỏ ra thờ ơ nhưng nay đã tình nguyện tham gia giúp sức thực hiện chương trình.

Tại các vùng dự án, luôn có những cây, con bản địa rất quý hiếm với hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng trước nay người dân không quan tâm. Nhưng nhờ có các chuyên gia hướng dẫn, tuyên truyền, người dân đã hiểu ra và trở lại ưu tiên sử dụng các sản phẩm bản địa.

Chúng tôi đã bàn bạc với ngành y tế, là phải tập hợp lại các sản phẩm thành danh mục, với hàm lượng dinh dưỡng cụ thể để người dân lựa chọn sử dụng.

Từ những hiệu quả bước đầu, theo ông, giai đoạn tới, chúng ta phải làm gì để thực hiện hiệu quả hơn và nhân rộng mô hình? Là một cơ quan thực hiện, tham mưu trực tiếp cho Ban chỉ đạo chương trình, Cục có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

Từ việc triển khai thí điểm, phải nói rằng, thực hiện chương trình không hề dễ dàng. Đây là một chương trình liên ngành, đòi hỏi cần một sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện. Đặc biệt, nếu không có sự phối hợp của các địa phương, không thể nào làm được.

Chúng tôi cho rằng, cần tăng cường vai trò của Ban chỉ đạo Quốc gia chương trình “Không còn nạn đói”. Ban chỉ đạo cần phải chỉ đạo sát sao, thúc đẩy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, địa phương để chung tay thực hiện.

Hiện nay, chúng ta mới đang ở giai đoạn 1 - thí điểm, nhưng vấn đề chính sách thực hiện rất quan trọng. Các Bộ, ngành đều còn rất nhiều nhiệm vụ thực hiện mới đang khuyết cần phải bổ sung.

Khi ở giai đoạn mới (2020 - 2025), theo tôi chính sách phải được chính sách hóa, nếu không rất khó thực hiện. Bởi thực tế, chương trình vẫn lồng ghép nguồn lực từ dự án giảm nghèo. Trong khi, đối tượng, cách tiếp cận, cách hỗ trợ của dự án giảm nghèo rất khác “Không còn nạn đói”.

20-40-24_khong_con_nn_doi
Hội nghị triển khai chương trình “Không còn nạn đói”.

Ví dụ, có thể nhiều bà mẹ, trẻ em tham gia mô hình dinh dưỡng nông nghiệp nhưng lại không thuộc hộ nghèo. Đối chiếu với chính sách của giảm nghèo lại không đúng đối tượng.

Chúng tôi đề xuất, Chính phủ nên có một quyết sách, chính sách đặc thù cho chương trình này, nhất là trong giai đoạn sắp tới. Đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm hơn tới công tác truyền thông. Chúng ta phải có một bộ máy truyền thông, không chỉ truyền thông về mục tiêu, ý nghĩa mà còn về cách làm, cách tiếp cận, cách theo dõi, đánh giá hiệu quả chương trình.

Muốn như vậy, các địa phương nên giao Sở NN-PTNT chủ trì chương trình. Đồng thời, thành lập một tổ, nhóm giúp việc đa ngành để tham mưu thực hiện chương trình.

Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận sự hỗ trợ, hướng dẫn của các tổ chức quốc tế về nhiều mặt như kỹ thuật, truyền thông, nguồn lực… Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng thể giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả chương trình “Không còn nạn đói”.

Cảm ơn ông!

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỳ bí rừng Nam Xuân Lạc: [Bài 2] Chuyến đi xuyên 18km đường rừng

Bắc Kạn Nam Xuân Lạc trù phú với những cây gỗ quý mấy người ôm không xuể, hệ động thực vật phong phú như vừa thúc giục vừa níu giữ bước chân lữ khách phương xa.