| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 08/05/2016 , 19:11 (GMT+7)

19:11 - 08/05/2016

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tìm ở đâu xa!

Cá chết, mức tiêu thụ cá biển sụt giảm mạnh, hàng vạn ngư dân bỏ biển, hàng chục triệu người Việt hoang mang. Đó là kịch bản gần như được viết sẵn cho thảm họa sinh thái đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung.

Điều đáng nói là từ khi cá bắt đầu chết ở ven biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào đầu tháng 4 đến nay đã gần một tháng trôi qua, thế nhưng nguyên nhân vì sao cá chết thì vẫn còn là một câu hỏi treo lơ lửng. Và chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế: cá đã bắt đầu hết chết dưới biển, nhưng câu hỏi hệ trọng nói trên vẫn còn treo ở trên trời.

Có vẻ như các cơ quan chức năng và các nhà khoa học đang đi tìm câu trả lời theo phương pháp loại trừ. Sau nhiều ngày lấy mẫu và nghiên cứu, các cơ quan này đã xác định được một cách chắc chắn rằng cá không chết vì dịch bệnh và không chết vì biến đổi khí hậu. Mới đây các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ lại loại trừ thêm được hai nguyên nhân khác nữa là: cá không chết vì sự tràn dầu và không chết vì động đất. Tất cả các nguyên nhân được loại trừ nói trên đều có căn cứ khoa học và đều rất thuyết phục. Tuy nhiên, tất cả chúng đều chẳng an ủi được chúng ta. Bởi vì rằng, cái chúng ta cần biết không phải là những nguyên nhân mà cá đã không chết. Còn câu hỏi do đâu cá chết thì lại không được trả lời. Có vẻ như cách tiến hành điều tra theo phương pháp loại trừ đang lặp lại câu chuyện “con tằm nó nhả ra tơ”. Chờ đến khi nó nhả hết tơ, thì chiếc áo quý đã bị cháy sạch chẳng còn.


Ảnh minh họa Nguồn: ITN


Công bằng mà nói phương pháp loại trừ cũng đưa ra được một kết luận gần với mặt đất hơn là: cá chết vì độc tố cực mạnh có trong nước biển. Thế nhưng vấn đề là độc tố gì? Vì sao độc tố đó lại có trong nước biển của mấy tỉnh miền Trung?

Đến đây chúng ta thấy có vẻ như điều tra của các phóng viên báo chí đang tỏ ra thiết thực hơn. Họ tập trung sự chú ý vào nghi phạm số 1 hiện nay là Nhà máy thép Formosa tại Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Trước hết, cá chết bắt đầu từ Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh rồi mới lây sang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Tính chất của dòng hải lưu vào thời điểm tháng 4 hàng năm là chảy từ Bắc vào Nam. Điều này cho thấy độc tố làm cá chết bắt nguồn từ Vũng Áng nơi có Nhà máy thép Formosa và phát tán theo dòng hải lưu sang các tỉnh nằm kế tiếp ở phía Nam theo thứ tự như đếm là Quảng Bình, Quảng Trị rồi đến Thừa Thiên Huế.

Hai là, Nhà máy thép Formosa có ống xả chất thải trực tiếp xuống biển. Ống xả này nằm sâu dưới đáy biển cách bờ 1,5km. Nhân chứng cho thấy vào thời điểm cá bắt đầu chết hàng loạt ống xả này đang hoạt động rất mạnh, tuôn ra biển một loại nước thải màu vàng. Mặc dù việc xây dựng ống thải này được sự cho phép của chính quyền, nhưng chất lượng nước thải lại không được giám sát bởi chính quyền hay bất cứ một cơ quan độc lập nào cả. Có chuyện nước thải đã không được xử lý hoặc không được xử lý đạt tiêu chuẩn hay không?

Ba là, đầu năm 2016, Nhà máy thép Formosa đã nhập về 297 tấn hóa chất độc hại để phục vụ thi công và súc rửa đường ống chuẩn bị cho gian đoạn vận hành. Số lượng hóa chất độc hại này đã được sử dụng như thế nào? Hiện nay còn lại bao nhiêu? Số đã được sử dụng thì đã được xả thải ra môi trường như thế nào?

Bốn là, một thợ lặn ở đã chết, bốn thợ lặn đã phải cấp cứu sau khi lặn ở cảng Sơn Dương - Formosa. Các thợ lặn này đã chết và phải cấp cứu vì nguyên nhân gì? Có phải nguyên nhân cũng là độc tố đã làm cá chết?

Tất cả các suy luận logic về nguyên nhân cá chết có vẻ như đều dẫn chúng ta đến với Nhà máy thép Formosa. Tuy nhiên, đó có thể vẫn chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên. Không có các chứng cứ trực tiếp không thể đổ lỗi cho Nhà máy thép Formosa. Thực tế, cho đến nay, chưa có một chứng cứ trực tiếp nào được tìm thấy. Tuy nhiên, việc tìm ra chứng cứ (nếu có) là hoàn toàn có thể thực hiện được. Chứng cứ nằm ngay trong bụng của các chú cá bị chết. Đừng quá mất công đi tìm ở đâu xa.

Theo daibieunhandan.vn

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm