| Hotline: 0983.970.780

TS.BS Huỳnh Nam Phương: Cái đói tiềm ẩn mang tên dinh dưỡng

Thứ Năm 28/11/2019 , 09:11 (GMT+7)

Xung quanh câu chuyện “Không còn nạn đói ở Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với TS.BS Huỳnh Nam Phương.

17-20-05_ts_huynh_nm_phuong
TS.BS Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế), phát biểu tại hội nghị triển khai chương trình “Không còn nạn đói”.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025. Nhiều người thắc mắc, vì sao, năm 2019 Việt Nam vẫn còn nạn đói? Vậy đói ở đây ý nghĩa thực chất là gì, thưa bà?

Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990 - 1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010 - 2012 và đã đạt được mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2), hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015 và cơ bản giải quyết được tình trạng đói vào năm 2020 (theo đánh giá của tổ chức FAO).

Tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với Liên hợp quốc tham gia và triển khai có hiệu quả Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, thực hiện sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc đưa ra nhằm đảm bảo 100% dân cư có đủ lương thực quanh năm; không còn trẻ em dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng; toàn bộ các hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, 100% nông hộ nhỏ tăng năng suất và thu nhập đặc biệt là phụ nữ và không còn tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm.

Đây là Chương trình phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững (SDG2) xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững đã được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện phù hợp với Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang thực hiện tại Việt Nam.

Vậy “đói” ở đây bao hàm “đói ăn” với các hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm, đặc biệt ở các xã nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), thì hộ “thiếu đói” là hộ có nguồn dự trữ lương thực và dự trữ bằng tiền, trị giá hàng hóa, tài sản có thể bán được để mua lương thực tính bình quân đầu người đạt dưới 13kg thóc (lúa) hay 9kg gạo một tháng.

Trong 5 năm qua, bình quân cả nước có 283,2 nghìn số lượt hộ thiếu đói và hơn 1 triệu lượt người thiếu đói. Trung du miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên là các khu vực chủ yếu xảy ra tình trạng thiếu đói. Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Bình, Đăk Lăk, Gia Lai là các tỉnh có số lượng lượt hộ thiếu đói nhiều nhất cả nước.

Nhưng “đói” còn hiểu ở nghĩa rộng hơn, không chỉ là đói lương thực, mà còn là một chế độ ăn còn thiếu hoặc mất cân đối về mặt chất lượng, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, sắt, kẽm và i ốt mà thế giới gọi là “nạn đói tiềm ẩn” và nạn đói này vẫn đang ảnh hưởng chung đến toàn bộ người dân Việt Nam.

Vì vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục công cuộc chống nạn đói, cả “đói ăn” và “đói tiềm ẩn”, để cải thiện dinh dưỡng và nâng cao thể lực cho người dân.

Theo nghiên cứu của bản thân bà cũng như của ngành dinh dưỡng, hiện trạng thiếu hụt dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi ở các vùng biên giới, hải đảo hiện nay như thế nào?

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trong những năm qua nhưng những con số mang tính chất quốc gia lại dường như làm mờ đi sự khác biệt giữa các vùng miền và gánh nặng không thuyên giảm về dinh dưỡng ở các nhóm dân tộc thiểu số và một số vùng miền núi đầy khó khăn.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, thấp còi ở trẻ em vẫn còn ở mức cao (23.8% năm 2017), nghiêm trọng nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc là (29,5%) và Tây Nguyên (33,4%).

Vẫn có 10 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% được xếp loại là mức độ rất nặng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, bao gồm: Kon Tum, Lai Châu, Gia Lai, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Đắc Nông, và Quảng Bình.

Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu máu là 27,8% và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69,4%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và thiếu kẽm tới 80,3%. Đấy là tỷ lệ bình quân chung trên cả nước, tất nhiên tỷ lệ này ở miền núi cao hơn rất nhiều.

Vì vậy, các chương trình phát triển cần tập trung nguồn lực và toàn diện đến các giải pháp trước mắt cũng như bền vững để có thể giải quyết các vấn đề dinh dưỡng ở những vùng khó khăn và ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Các giải pháp đó mang tính liên ngành nên cần sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, doanh nghiệp và cả người dân.

Tại 3 tỉnh là Lào Cai, Quảng Ngãi và Trà Vinh…, chương trình “Không còn nạn đói” đã và đang được thực hiện thí điểm với sự tham gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Cụ thể vai trò của Viện là gì tại các vùng dự án này, thưa bà?

Trong 5 cột trụ của Khung hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, cột trụ thứ 2 liên quan đến “Không còn suy dinh dưỡng”. Một trong những mục tiêu và đầu ra của chương trình là giảm suy dinh dưỡng các thể, tập trung cho đối tượng bà mẹ và trẻ em.

Từ năm 2018, chương trình “Không còn nạn đói” đã tiến hành các bước khảo sát ban đầu để xây dựng mô hình thí điểm can thiệp nông nghiệp dinh dưỡng để từ đó có thể tài liệu hóa áp dụng triển khai toàn quốc tại các xã nghèo trong chương trình 135 Giảm nghèo quốc gia.

"Viện Dinh dưỡng sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật và giải pháp cũng như đưa ra kiến nghị với Bộ Y tế và các địa phương để làm sao có được sự phối hợp đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, Viện Dinh dưỡng cũng kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác phát triển để có thêm kinh phí và giúp đỡ kỹ thuật trong những bước ban đầu xây dựng mô hình và tiến tới nhân rộng trên toàn quốc theo lộ trình đã định", TS.BS Huỳnh Nam Phương.

Cách tiếp cận của mô hình là từ đánh giá thực trạng về thiếu hụt dinh dưỡng và nông nghiệp tại địa phương để xây dựng các can thiệp phù hợp mà đầu vào là nông nghiệp, đầu ra là cải thiện dinh dưỡng, tập trung cho các hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại các xã nghèo trên toàn quốc, ưu tiên các gia đình có phụ nữ mang thai và có con nhỏ dưới 2 tuổi.

Viện Dinh dưỡng được sự phân công của Bộ Y tế (cùng tham gia trong Ban chỉ đạo của chương trình) đóng vai trò cố vấn về chuyên môn trong đánh giá và xây dựng các can thiệp dinh dưỡng, xây dựng tài liệu và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ liên ngành thực hiện chương trình và truyền thông cho người dân vùng dự án.

Viện cũng là đầu mối kết nối chương trình với các tổ chức và các chuyên gia quốc tế làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng và nông nghiệp để có các hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho xây dựng mô hình thí điểm tại 3 tỉnh đại diện cho 3 vùng sinh thái là Lào Cai, Quảng Ngãi và Trà Vinh.

Hiện nay, 3 mô hình đang được triển khai và theo dõi, sẽ đánh giá vào cuối 2019 và theo lộ trình sẽ được tài liệu hóa để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc cho các xã nghèo theo danh mục của Chính phủ vào 2020.

Thực tế triển khai tại các địa phương, dự án vấp phải những khó khăn như thế nào? Thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục công tác phối hợp như thế nào với các ban, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả chương trình, mang lại đổi thay cuộc sống thực sự của người dân?

Khi triển khai mô hình điểm tại 3 tỉnh, bản thân tôi đã đi khảo sát để tìm hiểu vấn đề dinh dưỡng và nông nghiệp tại cả 3 xã. Các xã đều thuộc xã nghèo quốc gia, giao thông khó khăn, địa bàn vùng núi, dân tộc thiểu số nên ngôn ngữ và văn hóa là rào cản lớn để tiếp cận với phát triển và y tế.

Tại Lào Cai, do xuất khẩu lao động tự do sang Trung Quốc nên dẫn đến không có người chăm sóc trẻ tại gia đình. Đó là những khó khăn chung trong xóa đói giảm nghèo và phòng chống suy dinh dưỡng. Còn cụ thể để triển khai các hoạt động của chương trình thì thiếu sự phối hợp và đầu tư đồng bộ giữa các ngành liên quan.

Vì chương trình được triển khai thông qua ngành nông nghiệp nên các khoản đầu tư chỉ tập trung vào cây con giống mà không có các can thiệp về mặt y tế, dinh dưỡng, giáo dục, nước sạch vệ sinh môi trường. Để cải thiện dinh dưỡng thì cần có các giải pháp tổng thể và toàn diện.

Cảm ơn bà trả lời phỏng vấn Báo NNVN!

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm