| Hotline: 0983.970.780

Từ 2013, công chức sẽ sống được bằng lương?

Thứ Ba 27/12/2011 , 10:34 (GMT+7)

Nhiều đại biểu cho rằng, phải trên 3 triệu đồng/tháng thì công chức mới sống được bằng lương.

Sống bằng lương là mong muốn chính đáng của tất cả lao động

Hôm qua 26/12, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án “Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020”. Nhiều đại biểu cho rằng, phải trên 3 triệu đồng/tháng thì công chức mới sống được bằng lương. 

Lương công chức trên 12 triệu đồng/tháng?

Theo Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Đoàn Cường, tiền lương luôn là vấn đề nhạy cảm nhất trong nền kinh tế. Thế nhưng, dù mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng/người (từ ngày 1/5/2012) và nâng phụ cấp công vụ từ 10% lên 25% mức lương hiện hưởng + phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có) thì vẫn chỉ bằng 75% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất và bằng 52% mức lương tối thiểu vùng cao nhất của doanh nghiệp.

 Vì vậy, đề án Cải cách về tiền lương đang cân nhắc hai nhóm tăng lương. Theo Tổng cục Thống kê có 3 phương án lương: 2 triệu đồng/tháng/người – 1.680.000 đồng/tháng/người – 3.150.000 đồng/tháng/người. Theo Bộ LĐTB-XH có 2 phương án: Tiếp cận tương quan khu vực thị trường 1 - 3,2 - 15 (tương đương 830.000 đồng - 2.656.000 đồng - 12.450.000 đồng). Và tiếp cận mức độ phức tạp lao động 1 - 3,5 - 15 (tương đương 830.000 đồng - 2.905.000 đồng - 12.450.000 đồng).

Về các chế độ phụ cấp, đề án đề xuất nên bãi bỏ hoặc giảm từ 70% xuống còn 30% chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với một số đối tượng để bảo đảm tương quan chung sau khi đã mở rộng quan hệ tiền lương. Với CBCC giữ chức danh lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, xã thì bổ sung chế độ thêm 3 mức: 3%, 10% và 15% mức lương hiện hưởng.

Đề án cũng nêu rõ, để có cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập của CBCC thì cần nghiêm cấm (bãi bỏ) các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước dành cho CBCC như tiền bồi dưỡng họp, viết đề án, tiền thù lao báo cáo viên, tiền hỗ trợ ăn trưa. Đối với cơ sở khám chữa bệnh, từng bước đưa tiền lương, phụ cấp và các khoản chi thường xuyên vào giá dịch vụ y tế. Với giáo dục, chỉ thu học phí của học sinh các cơ sở mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông và miễn học phí của học sinh tiểu học…

Lãnh đạo Bộ Nội Vụ “gút” các con số về lương bằng nhận định: Những cải cách chính sách tiền lương trên nhằm tiến tới bảo đảm cho CBCC sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội, tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Song, quan trọng là tránh được hội chứng “tước đoạt để bù đắp tiền lương” trong thực thi công vụ (tiêu cực, tham nhũng) và tăng dòng chuyển dịch lao động từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường vì lương CBCC quá thấp.

Vòng luẩn quẩn chưa được gỡ

Là người đầu tiên đóng góp ý kiến, theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, để cải cách được tiền lương của CBCC giai đoạn 2013- 2020 thì phải làm rõ 6 vấn đề.

Đó là phải thoát ra (phá được) cái vòng luẩn quẩn của những lần cải cách tiền lương trước đây: lương thấp không đủ sống nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao. Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế. Tiền lương thấp nhất của CBCC phải đủ sống và là nguồn thu nhập chính của họ. Trả tiền lương theo vị trí công việc và hiệu quả công tác và có chính sách thu hút và giữ nhân tài. Ngoài ra, cần tách tiền lương của lãnh đạo cấp cao từ Bộ trưởng và tương đương ra khỏi quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa và tiến tới công bố tiền lương năm cho các chức danh này.

Còn với ông Trần Xuân Cầu, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tính toán, mức lương tối thiểu là 3,15 triệu đồng/tháng/người khả thi nhất. Với mức lương tối thiểu này thì đến năm 2016 mức lương trung bình của mỗi CBCC đạt 10 triệu đồng/tháng/người và cao nhất là 45 triệu đồng/tháng/người. Theo ông Cầu, chỉ có mức lương này mới đảm bảo cho CBCC sống được bằng lương ở mức trung bình khá trong xã hội.

Lộ trình thực hiện việc tăng lương của Bộ Nội vụ:

+ Từ 2013- 2015: dành mọi nguồn lực để điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với CBCC.

+ Từ 2016- 2020: ban hành hệ thống bảng lương mới từ 1 - 2,34 - 10 lên 1 - 3,2 - 15, đồng thời sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương mới.

Từng tham gia ý kiến của nhiều lần thay đổi mức lương, ông Đặng Như Lợi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội thì cho rằng, nhiều khái niệm của dự thảo còn mù mờ, không rõ ràng. Ví dụ như khái niệm “CBCC sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội” là mơ hồ, không khả thi vì mức sống trung bình khá trong xã hội là gì? Ai xác định? Cách xác định ra sao? Ông cũng đưa thêm hàng loạt câu hỏi mà dự thảo cần phải trả lời: Thế nào là cải cách cơ bản, so với tiền lương 2008-2012 và 1993 có gì mới? Tại sao gần 20 năm thực hiện cải cách tiền lương nhưng lại vẫn quy định mức lương ngạch, bậc theo hệ số mà không phải mức lương cụ thể?

“Đề án nên lùi lại 2 năm, tức là năm 2015 và năm 2016 thì thực hiện và thiết kế lại trên cơ sở điều chỉnh cơ bản hệ thống tiền lương theo hai hệ: hệ chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên viên có 10 bậc và chuyên viên cao cấp là 3 bậc” - góc độ là người của Bộ Nội Vụ, theo TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ góp ý. Ngoài ra, theo ông Phúc, không nên áp dụng mức tiền lương không gắn với kết quả sản xuất - kinh doanh như hiện nay (doanh nghiệp lỗ nhưng vẫn hưởng lương cao). Đối với tiền lương khu vực sự nghiệp dịch vụ công cũng tách thành 2 phần: tiền lương chung và tiền thu nhập do kết quả của các dịch vụ gia tăng.

Tuy nhiên, để làm được điều này, từ năm 2012 nhiều cơ quan cần tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức - biên chế nhà nước, giảm đầu tư công xuống còn 20% (hiện nay là 40%). Đồng thời đổi mới cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm công chức theo cơ chế thi tuyển cạnh tranh và trả lương cao theo vị trí công chức.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất