| Hotline: 0983.970.780

Tự chế thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh hại rau hữu cơ

Thứ Năm 04/03/2021 , 08:56 (GMT+7)

Dấn thân vào nghề trồng rau hữu cơ, anh Trịnh Hữu Công nghiên cứu, tự chế ra thuốc phòng trừ sâu bệnh cho rau từ cây cỏ, thảo dược mang lại hiệu quả tốt.

Sau Tết Nguyên đán, anh Công cùng nông dân làm việc trong trang trại bước vào vụ rau mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau Tết Nguyên đán, anh Công cùng nông dân làm việc trong trang trại bước vào vụ rau mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chọn làm “nông dân hạnh phúc”

Trên 1ha đất thuê của người dân địa phương, anh Trịnh Hưng Công (32 tuổi) ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn, Bình Định) đang trồng 36 loại rau theo hướng hữu cơ, trong đó có 12 loại rau gia vị, số còn lại là rau ăn lá.

Khi bước vào công cuộc trồng rau hữu cơ, Công không khỏi không trăn trở với suy nghĩ, trồng rau hữu cơ hao tốn công sức nhiều, nhưng khi ra thị trường giá hơn rau truyền thống chẳng là bao. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng cuối cùng Công quyết định chọn làm “anh nông dân hạnh phúc” để được làm việc trong môi trường an toàn và lớn hơn là mang sự an toàn đến với người tiêu dùng, khi rau của mình trồng ra là sản phẩm sạch.

Qua tâm sự của những nhân công làm việc trong trang trại rau hữu cơ của anh Công, chúng tôi hiểu ra cách làm của Công rất khác biệt. Với trang trại rau chỉ rộng 1ha mà 5-6 nhân làm cả ngày không hết việc, bởi Công nhất định nói không với các loại thuốc BVTV hóa học.

Nếu trồng rau theo kiểu truyền thống, trước khi trồng, đa phần chủ các trang trại phun thuốc diệt cỏ trước để cỏ sau đó không mọc lấn rau. Đằng này, do không sử dụng thuốc nên vườn rau của Công cỏ mọc dày hơn rau nên nhân công phải làm cỏ bằng tay cả ngày rau mới có thể phát triển được.

Hiện nay, ngoài sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ các loại sâu bệnh hại rau, chủ trang trại rau hữu cơ Trịnh Hưng Công còn dẫn dụ các loại thiên địch có trong tự nhiên quy tụ về trang trại để bảo vệ rau khỏi bị các loại sâu gây hại. Trong trang trại của Công hiện quy tụ rất nhiều kiến vàng và bọ rùa. Riêng kiến vàng, Công đang nuôi chúng bằng xương gà, mỗi khi Công mổ gà chiêu đãi nhân công làm trong trang trại là lũ kiến vàng cũng được bữa đại tiệc!.

Rau được trồng theo quy trình sản suất hữu cơ có độ ngọt rất hấp dẫn, khi bảo quản thì giữ được độ tươi lâu hơn so với rau sản xuất đại trà sử dụng thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rau được trồng theo quy trình sản suất hữu cơ có độ ngọt rất hấp dẫn, khi bảo quản thì giữ được độ tươi lâu hơn so với rau sản xuất đại trà sử dụng thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chúng tôi làm công ăn lương, nhưng khi thấy ông chủ trẻ tốn quá nhiều chi phí tiền công làm cỏ mà thấy tiếc hộ cho chú ấy. Trồng vài luống rau để ăn thì không nói làm gì, đằng này chú Công trồng đến cả gần 1ha rau. Nói thật, để có được như ngày hôm nay phải đổ công, đổ của vào đó không biết bao nhiêu. Người làm chúng tôi nhiều khi thấy tiếc vì khoản chi phí công cán, nhưng Công chỉ cười cười rồi bảo: “Em không có lãi ít nhất cũng có được cảm giác làm "anh nông dân hạnh phúc" vì được lao động trong môi trường an toàn, nhất là mang sự an toàn đến người tiêu dùng ”.

Một cách làm khác của Công là sự phân chia mỗi nhân công phụ trách những luống rau của mình được gieo trồng, chăm sóc và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Chủ trang trại trực tiếp theo dõi hàng ngày sự sinh trưởng, phát triển của từng luống rau. Với cách làm này, kể cả nông dân trồng rau và chủ trang trại đều dễ dàng phát hiện những biến động trong sinh trưởng của cây rau để có cách chăm sóc, phòng trừ hiệu quả.

Đó cũng là cách giúp mỗi nông dân làm trong trang trại nảy sinh tình cảm với từng hạt giống, cây rau do mình gieo trồng, thêm gắn bó với công việc mình làm. Do đó, sau một thời gian làm việc trong trang trại rau của Công, nông dân nào cũng tích lũy cho mình được những kiến thức về đất, về cây, tay nghề trồng rau được nâng cao từng ngày.

Vụ rau mới trong trang trại của anh Công bắt đầu xuống giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vụ rau mới trong trang trại của anh Công bắt đầu xuống giống. Ảnh: Vũ Đình Thung.

"Sâu nào thuốc nấy"

Tuy không sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học để phòng trừ sâu bệnh cho rau, nhưng chủ trang trại rau hữu cơ Trịnh Hưng Công vẫn có cách riêng để xua đuổi hoặc tiêu diệt không cho sâu bệnh xâm nhập hại vườn rau.

Theo Công, làm rau hữu cơ phòng sâu bệnh là chính. Phải biết giai đoạn nào của cây rau sẽ phát sinh loại sâu bệnh gì, để cứ 1 tuần mình phun phòng loại chế phẩm sinh học khắc tinh với loại sâu bệnh ấy để bảo vệ rau.

Theo đó, tùy điều kiện thời tiết mà có những cách phun phòng khác nhau, nếu hôm nào có sương, trước khi phun phòng phải tưới rửa lá rau xong mới phun. Mỗi khi phun mình phải điều chỉnh hàm lượng thuốc cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Nếu cung cấp quá mức cần thiết sẽ dẫn đến cây rau phát triển nhanh quá thành rau quá lứa, bán sẽ mất giá.

Bên cạnh đó, cây rau phải thường xuyên được bổ sung chất dinh dưỡng được phối hợp từ sữa, mật rỉ đường và men vi sinh Imo. Men vi sinh Imo được lấy từ môi trường tự nhiên, mang về cấy rồi phân lập ra.

Men được nuôi bằng mật rỉ đường, mật mía hoặc nước mía. Khi phát triển được nhân sinh khối lên, sau đó kết hợp với sữa, dấm hoặc mật rỉ đường để phun cho rau. Rau được “bồi bổ” như vậy sẽ có màu xanh rất mướt mà không cần thuốc khích thích sinh trưởng.

Hiện, các loại thảo mộc như gừng, tỏi, xả, ớt, hạt bình bát, vỏ và lá cây sầu đông, bã dầu dừa, thuốc lá và dung dịch sữa được Công chế thành thuốc BVTV sinh học có thể phòng trừ được các loại sâu bệnh thường hại rau.

Theo phân tích của Công, thuốc lá được ngâm với men vi sinh sẽ cho ra loại dung dịch được gọi là thuốc kích thích thần kinh. Loại dung dịch này trị được lũ bọ hại rau. Lũ bọ dính dung dịch thuốc lá sẽ bị kích thích đến hưng phấn quá trớn, khi ấy lũ bọ sẽ bỏ ăn, đói quá mà chết. Còn cây sầu đông cả lá, vỏ và hạt sau khi ngâm với rượu hoặc dấm đều có thể diệt được bọ trĩ, riêng hạt sầu đông có hiệu quả cao nhất, bởi nó có chức năng đánh thẳng vào đường ruột của bọ trĩ.

Hạt bình bát ngâm với rượu nhẹ dưới 12 độ chuyên trị sâu róm trên cây khổ qua, chanh dây. Còn ớt ngâm với dấm trị được sâu tơ trên rau ăn lá và trên đọt bầu, bí, mướp cực hiệu quả. Gừng với tỏi ngâm với rượu hoặc dấm có chức năng xua đuổi sâu bọ, nếu kết hợp với sữa phun cho rau chế phẩm này còn giúp cho cây rau phát triển bộ rễ. Còn cây sả cắt ra, nấu phun cho rau sẽ phòng trừ được các loại bọ. Dung dịch được làm từ bã dầu dừa có thể xua đuổi ruồi vàng chuyên hại các loại quả khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp, đậu cô ve…

Do anh Công không dùng thuốc trừ cỏ sau khi làm đất, nên trong quá trình rau sinh trưởng tốn công làm cỏ rất nhiều. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Do anh Công không dùng thuốc trừ cỏ sau khi làm đất, nên trong quá trình rau sinh trưởng tốn công làm cỏ rất nhiều. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đặc biệt, dung dịch men sữa kết hợp với dấm trị rầy rất tốt. Theo Công, sữa không giết được rầy, nhưng nó ký sinh vào rầy rồi lên men rất nhanh, lớp men này phá vỡ lớp bọc của rầy khiến chúng tử vong.

“Muốn các loại chế phẩm phát huy hiệu quả, mình phải nắm bắt quy trình hoạt động của từng loại sâu bệnh hại, biết lúc nào chúng đi ăn để mình tấn công chúng đúng thời điểm. Thời gian vừa qua tôi kiểm soát bọ nhảy gây hại lá cải cực tốt. Chế phẩm sinh học không giết được bọ nhảy, nhưng kích được thần kinh của chúng khiến chúng bị tê liệt, mất chức năng ăn phá lá cải. Liều lượng pha dung dịch mỗi khi phun tùy thuộc vào tình hình sâu bệnh, loãng nhất là 500 lần, đậm đặc nhất là 50 lần. Phun phòng chỉ cần liều lượng pha từ 100-200 lần, khi vườn rau phát bệnh mới phun dung dịch đậm đặc”, Công lý giải.

“Hiện trang trại của tôi mỗi ngày xuất bán khoảng 150kg rau các loại. Trong đó, 2 trường học bán trú tại địa phương tiêu thụ mỗi ngày 8kg. Cửa hàng tại đường Trần Hưng Đạo (TP. Quy Nhơn) mỗi ngày tiêu thụ khoảng 30kg. Gian hàng rau sạch tại chợ Nhơn Hậu mỗi ngày bán 5kg và bán trực tiếp tại trang trại khoảng 10kg. Số còn lại đưa đi tiêu thụ tại TP. HCM và tỉnh Đồng Nai. Rau được trồng theo quy trình sản suất hữu cơ có độ ngọt rất hấp dẫn, khi bảo quản giữ được độ tươi lâu hơn so với rau sản xuất đại trà sử dụng thuốc BVTV hóa học. Giá rau hữu cơ chỉ nhỉnh hơn rau trồng theo kiểu truyền thống có tí đỉnh, nên được người tiêu dùng đón nhận vì sức khỏe của gia đình”, anh Trịnh Hưng Công tâm sự.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.