Lời đề nghị này gần như vô điều kiện và nhà đầu tư chỉ xin hưởng lợi từ phần điện năng tiết kiệm được. Nếu chấp thuận đề nghị này, đương nhiên TP.HCM sẽ không phải chi hàng ngàn tỉ đồng ngân sách cho việc bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng
Tuy nhiên, thay vì cho doanh nghiệp đầu tư thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng hiện đại hơn và chịu trách nhiệm luôn cả công tác sửa chữa, bảo dưỡng thì Sở GT-VT TP.HCM lại tổ chức đấu thầu một loạt dự án duy tu, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng TP giai đoạn 2019 - 2021 với tổng giá trị các gói thầu lên đến 1.137 tỷ đồng.
Sau khi thông tin trên được đăng tải, ngày 28/11/2018 Sở GT-VT TP.HCM lập tức có văn bản số 12823 chỉ đạo các Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn gia hạn thời gian triển khai công tác đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thuộc lĩnh vực chiếu sáng công cộng cho đến khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM. Với văn bản này, những tưởng lãnh đạo Sở GT-VT TP.HCM đã biết lắng nghe tiếp thu ý kiến và cùng với động thái này dư luận thành phố cũng kỳ vọng vào một quyết định sáng suốt tiếp theo có thể tiết kiệm ngân sách. Vậy nhưng, kỳ vọng của nhân dân TP.HCM đã sớm được thay thế bằng nỗi thất vọng trước diễn biến mới.
Đường phố TP.HCM |
Các khu quản lý giao thông đô thị thuộc Sở GT-VT lại tiếp tục đồng loạt triển khai mời thầu theo kế hoạch của Sở GT-VT TP.HCM. Khu QLGTĐT số 4 đã phát hành TBMT 2 Gói thầu Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên Hệ thống Chiếu sáng công cộng gồm: Gói thầu Q.8, huyện Bình Chánh tổng mức đầu tư: 143.474.499.751 đồng; Gói 2: địa bàn Q.7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ với tổng mức đầu tư 103.134.141.173 đồng.
Khu QLGTĐT số 2 đã phát hành TBMT 2 gói thầu: Gói 1 trên địa bàn Q. Thủ Đức, Q. Bình Thạnh 3 năm 2019 - 2020 - 2021, tổng mức đầu tư 77.956.749.559 đồng và Gói 2 trên địa bàn Q.2, Q.9 tổng mức đầu tư 79.369.170.589 đồng.
Riêng Khu QLGTĐT số 3 sẽ thực hiện một gói thầu đặc biệt lớn bao trùm các địa bàn Q.12, Q. Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn với tổng mức đầu tư 419.114.617.115 đồng.
Khu QLGTĐT số 1 thực hiện hai gói thầu: Gói 1 gồm các Q.5, 6, 10, 11, các huyện Tân Phú, Bình Tân có tổng mức đầu tư 188.331.073.438 đồng. Gói 2 gồm các Q.1, 3, 4, các huyện Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình có tổng mức đầu tư 125.067.926.562 đồng. Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống đèn CSCC tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ với tổng mức đầu tư 9.213.143.000 đồng.
Từ 9/11/2016 Quốc hội đã có Nghị quyết 25 đặt mục tiêu giảm tỷ trọng chi thường xuyên của ngân sách và tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Kể từ đó đến nay, hàng năm Chính phủ luôn có kế hoạch cắt giảm các khoản chi thường xuyên theo xu hướng năm sau giảm hơn năm trước. Là đối tượng cần phải thực hiện cắt giảm các khoản chi thường xuyên theo Nghị quyết Quốc hội, đáng ra lãnh đạo Sở GT-VT TP.HCM cần tham mưu cho UBND TP những giải pháp nhằm triệt để tiết kiệm chi ngân sách.
Vậy nhưng, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ đã không “chạm" tới Sở GT-VT TP.HCM. Bởi lẽ, lãnh đạo Sở này đang hoàn toàn không quan tâm đến việc tiết kiệm ngân sách, thậm chí còn cố tiêu gộp, tiêu cho hết phần dự toán ngân sách bằng cách tổ chức đấu thầu bảo dưỡng chiếu sáng cho cả giai đoạn 3 năm 2019 - 2021. Khi những gói thầu này được đấu thầu thành công, nó sẽ cản trở khả năng tiết kiệm chi ngân sách cho hệ thống chiếu sáng của TP.HCM trong 3 năm sắp tới.
Đề nghị UBND TP.HCM sớm quyết định dừng thực hiện đấu thầu gộp dự án duy tu bảo dưỡng hệ thống tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng này và triển khai ý tưởng xã hội hóa nhằm giảm thiểu gánh nặng ngân sách Nhà nước, giảm gánh nặng nộp thuế cho nhân dân thành phố.