| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 08/01/2015 , 09:10 (GMT+7)

09:10 - 08/01/2015

Từ chuyện ngành cao su

Năm 2015 sẽ là năm tiếp tục khó khăn của ngành cao su, khi lợi nhuận từ cây cao su không nhiều, thậm chí không có./ Lối thoát cho ngành cao su

Dự báo trên được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đưa ra mới đây, đã khiến người trồng cao su thêm lo lắng. Theo đó, giá cao su trên thị trường sẽ ở mức 31.000 đồng/kg, trong khi giá thành đã ở mức 30.000 đồng/kg.

Nhìn lại, 2014 là một trong những năm khó khăn nhất của ngành cao su, khi giá đã chạm đáy, chỉ đạt 1.500 USD/tấn. Số liệu của Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cao su, thu về 1,8 tỷ USD. Về số lượng thì tương đương với năm 2013, nhưng về giá trị, thì giảm đến trên 27%.

Giá trị giảm, vì giá bán giảm. Sở dĩ có nguyên nhân trên, là vì thị trường Trung Quốc, một thị trường chủ lực, chiếm đến 60% lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam, đã ngừng nhập, khiến nhiều doanh nghiệp rất muốn bán nhưng không bán được.

Điều nghịch lý là trong khi khối lượng cao su xuất khẩu giảm, thì khối lượng nhập khẩu cao su của Việt Nam năm 2014 lại tăng tới 4,9%, với số lượng 328 ngàn tấn, có giá trị 658 triệu USD.

Trong đó Trung Quốc trở thành thị trường thứ 6 trong việc nhập cao su của Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2013, trong 11 tháng, tổng khối lượng cao su từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng tới 10,8%.

Đó là hệ quả tất yếu của việc phụ thuộc vào một thị trường. Đừng trách người Trung Quốc không mua cao su của ta. Bởi trong kinh doanh, thì lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Khi có được nguồn nguyên liệu cao su từ một thị trường khác rẻ hơn, thì việc họ từ chối nhập khẩu cao su của Việt Nam, hay ép giá, là điều bình thường.

Cũng không loại trừ trong việc Trung Quốc ngừng nhập cao su của ta, có yếu tố chính trị trong đó. Tờ “Thời báo Kinh tế Sài Gòn” đã dẫn thông tin từ một số doanh nghiệp, cho biết trong năm 2015, tình hình xuất khẩu cao su sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, do những căng thẳng ở biển Đông đang có dấu hiệu trở lại.

Có trách chăng, là hãy trách chính mình, đã không tích cực đi tìm thị trường mới, dẫn đến hậu quả bị nước láng giềng khống chế đầu ra. Khi chiếc gậy chỉ huy từ biên mậu của nước láng giềng hạ xuống, các nhà nhập khẩu của họ đồng loạt quay lưng, là một ngành hàng lao đao ngay. Từ người sản xuất cho đến doanh nghiệp xuất khẩu của ta chỉ còn biết cắn răng chịu thiệt.

Một hệ quả nữa là, cao su xuất khẩu của ta chỉ là nguyên liệu thô, chủ yếu cao su thiên nhiên, chỉ qua sơ chế và nhựa cao su chưa qua sơ chế. Chúng ta xuất nguyên liệu thô cho họ để rồi lại nhập những sản phẩm do nước ngoài chế biến từ nguyên liệu đó về với giá đắt gấp nhiều lần.

Bởi phát triển công nghiệp chế biến sâu về sản phẩm cao su mới tạo ra giá trị gia tăng rất lớn, gấp 18 đến 20 lần nguyên liệu thô. Mà công nghiệp chế biến sâu về các sản phẩm cao su thì chúng ta chưa làm được, hay chưa chú ý đầu tư một cách thích đáng để làm.

Chừng nào còn chỉ chăm chăm xuất nguyên liệu thô. Chừng nào còn phụ thuộc vào một thị trường. Chừng nào ngành công nghiệp chế biến cao su còn chưa được đầu tư thỏa đáng, thì chừng đó ngành cao su còn phải chịu thiệt thòi, và còn thiếu bền vững.

Bình luận mới nhất