| Hotline: 0983.970.780

Từ chuyện ông vụ phó, nghĩ về sử dụng nhân tài

Thứ Sáu 16/12/2016 , 14:02 (GMT+7)

Vẫn là câu chuyện liên quan đến những lãnh đạo trẻ, một lần nữa hâm nóng dư luận, ở độ tuổi 26 - Vũ Minh Hoàng đã trở thành Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Chức vụ mà ông Hoàng sở hữu khiến tất thảy mọi người phải ước mơ, khao khát xen lẫn ngạc nhiên.

Ấy vậy, nên cũng không có gì lạ khi dư luận xì xèo, soi mói, đã có nhiều câu hỏi và cả những cái tặc lưỡi coi như chuyện thường ngày. Vấn đề còn lại mà người ta nghi hoặc là ông Hoàng ngồi vào ghế Vụ phó bằng năng lực hay thế lực?

Tạm gác lại chuyện nhân thân, lý lịch mà hãy nghe ông Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận xét về cấp dưới của mình: “Lúc đó ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ không ai giỏi ngoại ngữ như Hoàng. Sau một thời gian mời Hoàng hợp tác làm việc, các đoàn nước ngoài đến Tây Nam Bộ thích cách làm việc của cán bộ trẻ này”.

Vấn đề ở đây chưa phải là con ông nào, cháu bà nào nhưng việc tuyển dụng và bổ nhiệm “thần tốc” một chức vụ "to như núi" khiến dư luận hồ nghi là có cơ sở. Nếu giỏi thực sự thì thiếu gì cơ hội và thời gian để thử thách mà phải vội vàng như vậy để vấp phải đá, để quàng phải dây?

Chưa kể hàm Vụ phó phải đi kèm các điều kiện như thâm niên công tác, trình độ lý luận chính trị, thành tích công tác… Chính vì vậy, dư luận chỉ trích gay gắt cách tuyển dụng, bố trí cán bộ của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Điều này chẳng phải hàm oan cho ai, nhất là trong bối cảnh hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ lao đao kiếm việc làm và “dư chấn” của những vấn đề nhân sự liên quan đến ông Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… vẫn chưa lắng xuống.

Từ câu chuyện của Vụ phó Vũ Minh Hoàng nói rộng ra là một điển hình nóng vội (có chủ ý) của việc tuyển dụng, thu hút cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, nên hệ quả là không thể vượt qua cái “dớp” như những vụ trước đây và bị hồ nghi là có “bệ phóng” nâng đỡ.

Chắc chúng ta còn nhớ vụ lùm xùm giữa quán quân Olympia Doãn Minh Đăng và Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ; vụ nhân tài Đà Nẵng bị kiện và câu chuyện 13 quán quân Olympia ra nước ngoài chỉ có 1 người trở về quê hương… Những sự việc này cho thấy cách sử dụng nhân tài ở Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc.

Nếu là chỗ "thân quen", nhưng đi lên bằng năng lực thực sự, đủ trình độ, mang lại cái mới, tiến bộ hơn thì sao? Chẳng lẽ cứ phủ nhận sạch trơn vì “đồng chí này là con đồng chí kia”? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “tìm người tài chứ không tìm người nhà” nên hãy để cho người trẻ có cơ hội làm việc bất kể đó là ai.

Để làm được điều đó, công tác tuyển dụng, đánh giá, bố trí phải thực sự công bằng, minh bạch, dư luận hãy bớt thành kiến về con ông này, cháu bà kia mà hãy nhìn vào chất lượng công việc và sự tiến bộ xã hội cũng như sức mạnh nền kinh tế.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất