| Hotline: 0983.970.780

Từ Gwangju đến Hawaii

Chủ Nhật 02/02/2014 , 09:01 (GMT+7)

TP Gwangju là TP lớn thứ 6 của Hàn Quốc, nhưng là một trung tâm chính trị - kinh tế văn hóa lớn. Lần đầu tiên tôi đến Gwangju là vào năm 2005 để nhận Giải Thành tựu trọn đời do LHP Quốc tế Gwangju trao tặng cùng 3 đạo diễn châu Á khác...

Gwangju - Cái nôi của phong trào dân chủ

TP Gwangju là TP lớn thứ 6 của Hàn Quốc, nhưng là một trung tâm chính trị - kinh tế văn hóa lớn. Khi nói đến Gwangju không thể không nhắc đến cuộc nổi dậy của thanh niên sinh viên và nhân dân ở thành phố này từ 18 - 27/5/1980 chống lại nền độc tài của tướng Chun Doo-hwan. Họ đã nắm quyền kiểm soát thành phố trong 9 ngày đêm, chiến đấu để tự bảo vệ mình và cuối cùng thì bị dẹp tan bởi quân đội Hàn Quốc.

Sự kiện trên được người Hàn Quốc gọi một cách ngắn gọn là sự kiện “18 tháng 5". Trong suốt thời kỳ Chun Doo-hwan cầm quyền, sự kiện “18 tháng 5” bị gán cho là cuộc phản loạn của những người thân Cộng sản. Chỉ sau khi chính quyền dân sự được tái lập, sự kiện này mới được coi là một nỗ lực phục hồi dân chủ trước quyền lực quân sự. Chính phủ đã chính thức gửi lời xin lỗi và xây dựng một nghĩa trang quốc gia dành cho các nạn nhân.

Lần đầu tiên tôi đến Gwangju là vào năm 2005 để nhận Giải Thành tựu trọn đời do LHP Quốc tế Gwangju trao tặng cùng 3 đạo diễn châu Á khác. Và tháng 8/2013, tôi lại có cơ duyên đến Gwangju lần nữa để nhận Giải Điện ảnh Nobel Hòa Bình Kim Dae Jung. Khi được thông báo tin này tôi không khỏi ngạc nhiên và bất ngờ (thực tình mỗi lần nhận bất cứ giải thưởng quốc tế nào tôi cũng đều bất ngờ).


Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận Giải Điện ảnh Nobel Hòa Bình Kim Dae Jung

"Ở nước ngoài mỗi khi muốn tặng ai một giải thưởng nào đó người ta phải tự tìm hiểu thành tích của người đó rồi bàn bạc và quyết định. 
Khi quyết định xong họ mới thông báo cho người được giải biết và mời người đó đến nhận giải (quy trình này hơi khác với ở ta: người muốn được tặng giải hay danh hiệu nào đó phải làm đơn xin, kê khai thành tích để được xét)",
 Đặng Nhật Minh 

Tôi vội vàng vào Google để tìm hiểu về gải thưởng có cái tên hơi dài này. Kim Dae Jung là Tổng thống Hàn Quốc từ 1998 đến 2003. Năm 2000, ông nhận được Giải Nobel Hòa Bình vì những đóng góp cho sự hòa giải giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Sau khi ông qua đời, bà quả phụ Kim Dae Jung đã thành lập một Trung tâm Hòa Bình mang tên chồng mình. Trung tâm có nhiều hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Năm 2011, Trung tâm đặt ra một Giải thưởng có tên Giải Điện ảnh Nobel Hòa Bình Kim Dae Jung nhằm ghi nhận công lao của những nhà làm phim Châu Á có những bộ phim nói lên khát vọng hòa bình, bảo vệ nhân quyền và những giá trị của thiên nhiên. Năm đầu tiên giải được trao cho một đạo diễn người Iran, năm thứ hai được trao cho một đạo diễn Trung Quốc và một đạo diễn Hàn Quốc, và năm nay, năm thứ ba giải được trao cho một đạo diễn Việt Nam.

Buổi lễ trao giải diễn ra vào tối khai mạc LHP Gwangju. Bà phu nhân Tổng thống bay từ Seoul đến Gwangju để đích thân trao giải. Cử chỉ đó làm tôi thấy thật cảm động, lại càng cảm động hơn khi biết bà đã trên 90 tuổi. Đây là giải thưởng trao cho cả quá trình làm phim của một đạo diễn chứ không phải trao cho riêng một bộ phim nào. Hầu như tất cả các phim của tôi làm từ trước đến nay đều được đón nhận với nhiều thiện cảm ở Hàn Quốc. Việc trao giải lần này là kết quả của sự theo dõi quá trình sáng tác của tôi trong một thời gian dài.

Mỗi lần có dịp đến Hàn Quốc tôi thường cố tìm hiểu xem lý do gì mà nền điện ảnh nước này trong quãng hơn 10 năm gần đây lại có những tiến bộ vượt bậc như vậy, bí quyết của họ là ở đâu? Lần này, tôi có dịp được trò chuyện khá lâu với ông Hong Jeon Kim, GS Khoa điện ảnh Trường Đại học quốc gia ở Seoul. Đây là một trường đại học của nhà nước có uy tín nhất ở Hàn Quốc. Khoa đạo diễn năm vừa qua có 200 thí sinh thi vào để chọn lấy 40 người, khoa diễn viên thì tỷ lệ đó là 70 trên 500.

GS Kim cho biết cái làm cho điện ảnh Hàn Quốc trỗi dậy như ngày nay là một không khí Tự do trong sáng tác và sự đam mê của một lớp người muốn làm những phim như mình thích chứ không vì tiền. Tóm lại bí quyết nằm trong hai chữ Tự do và Đam mê. Từng có biết bao cuộc hội thảo để tìm hướng đi cho điện ảnh Việt Nam, nhưng chưa bao giờ tôi nghe thấy ai đề cập đến hai khái niệm này.

Lại hỏi về sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc đối với điện ảnh nước nhà. GS Kim cho biết sự hỗ trợ đó thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến điện ảnh. Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các trường đào tạo về điện ảnh, chứ không đầu tư tiền để làm phim. Cám ơn GS Kim đã hé lộ cho tôi biết cái bí quyết làm nên một nền điện ảnh đứng vào hàng đầu châu Á.

Hawaii - Thiên đường nơi hạ giới

Thực tình chưa ai được nhìn thấy thiên đường, nhưng trong hình dung của mọi người thì đó là một nơi đầy hoa thơm cỏ lạ, cảnh trí thơ mộng thanh bình, nơi con người tận hưởng những thú vui do thiên nhiên ban tặng. Nếu như vậy thì Hawaii, một quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương, bang thứ 50 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xứng đáng được gọi là thiên đường nơi hạ giới.


Cảnh sắc ở Hawwaii

Tôi đến Honolulu, thủ phủ của Hawaii lần đầu cùng với bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10" cách đây 27 năm. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam đến với công chúng Mỹ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Ban tổ chức LHP Hawaii năm ấy đã có một hành động thật dũng cảm: đem một bộ phim Việt Nam tới chiếu trong khuôn khổ của LHP và tặng cho nó một giải thưởng quan trọng: Giải Đặc biệt của Ban Giám khảo.

Thử tưởng tượng việc làm đó diễn ra trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng của quan hệ Việt - Mỹ, lệnh cấm vận đang trong thời kỳ ngặt nghèo nhất, mới thấy hết ý nghĩa của việc làm này. Trong một cuộc giao lưu với khán giả tôi đã nói: LHP Hawaii đã xóa bỏ cấm vận với Việt Nam trước khi Chính phủ Mỹ làm điều đó 10 năm. Câu nói của tôi được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.

Để kỷ niệm sự kiện này tháng 10/2013, tôi được Ban tổ chức LHP Hawaii mời sang Honolulu gặp gỡ giao lưu với khán giả sau các buổi chiếu phim "Bao giờ cho đến tháng 10". Tôi hồi hộp không biết một bộ phim làm cách đây đã 27 năm, nay chiếu lại liệu có người xem không. Nhưng lạ thay buổi chiếu đông kín người. Sau khi xem xong nhiều khán giải còn ngồi lại đẻ giao lưu với đạo diễn trong số đó có người đã xem phim này cách đây 27 năm.

Họ ôn lại với tôi những kỷ niệm cũ và cho biết sau 27 năm xem lại, cảm xúc vẫn còn như nguyên ban đầu, thậm chí có những tình tiết đến bây giờ xem mới hiểu thêm và càng thấy thú vị. Một GS người Sri Lanka giảng dạy tại Trường Đại học Hawaii còn nhận ra trong phim những tư tưởng Phật giáo mang đậm mầu sắc Á Đông giống như ở Sri Lanka.

Tôi gặp lại GS Stephen O’Harrow dạy tiếng Việt và văn hóa châu Á tại Đại học Hawaii. GS cho biết đã chiếu cho sinh viên của mình xem "Bao giờ cho đến tháng 10" có đến hàng trăm lần, đến nỗi GS thuộc làu tất cả lời thoại trong phim. Bộ phim đối với ông như một tài liệu giáo khoa bằng hình ảnh về văn hóa và con người Việt Nam.

Nhiều khán giả thắc mắc hỏi tôi làm sao có thể làm những bộ phim như tôi đã làm trong hoàn cảnh kiểm duyệt khá ngặt nghèo. Tôi đã trả lời: Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Bí quyết của tôi là làm phim phải để người xem cảm động. Các thành viên trong hội đồng duyệt cũng là những người xem. Một khi họ đã cảm động rồi thì mọi việc thật đơn giản. Họ chỉ khó tính khi phim làm họ thờ ơ.

Trong thời gian diễn ra Liên hoan phim, bà Jeannete Paulson, Chủ tịch Hội Hỗ trợ điện ảnh Châu Á (NETPAC) ở Mỹ, nguyên Chủ tịch đầu tiên của LHP Hawaii đã đứng ra tổ chức một buổi tiệc tối mừng sinh nhật lần thứ 75 của tôi mặc dù biết ngày sinh của tôi đã qua nhưng chưa có dịp để chúc mừng.


Đạo diễn Đặng Nhật Minh và bà Jeannete Paulson

Khi tôi vừa bước vào phòng tiệc thì các bạn bè đồng nghiệp đồng thanh cất lên bài hát "Happy Birthday". Tôi quá bất ngờ và cảm động, không biết nói gì hơn là ôm hôn tất cả mọi người. Sau đó hai nữ ca sĩ Hawaii cầm đàn ghi ta hát tặng tôi những khúc dân ca của người polynesien, thổ dân của đảo. 

Đời tôi may mắn có nhiều bạn bè khác quốc tịch màu da, được chứng kiến những tình cảm thật nồng hậu của họ. Có được cái may mắn đó cũng đều nhờ những bộ phim mà tôi đã làm. Chúng đã đi được vào lòng họ, chạm được vào trái tim họ. Tôi càng thấm thía rằng nghệ thuật là con đường ngắn nhất để con người tìm đến với nhau.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm