| Hotline: 0983.970.780

Tự hào ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn

Thứ Năm 12/11/2015 , 20:28 (GMT+7)

Ngày 14/11, Bộ NN-PTNT long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (14/11/1945 -14/11/2015) và Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV ngành NN-PTNT.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát có bài diễn văn quan trọng. Chúng tôi xin đăng toàn văn bài phát biểu này. Tít trong bài do tòa soạn đặt. 

Trong 70 năm qua, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đúng ngày này cách đây 70 năm, phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: Việt Nam là một nước chuyên về nông nghiệp, 95% dân số Việt Nam sống về đồng ruộng. Muốn giải quyết vấn đề canh nông vừa về phương diện xã hội, vừa về phương diện chuyên môn, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành. Và ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông có nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp. Ngày 14 tháng 11 năm 1945 đã trở thành ngày hoạt động chính thức đầu tiên của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới chính thể do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ công nhân viên chức, người lao động, ngày 18 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg về việc lấy ngày 14/11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”. Đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng, động viên to lớn đối với các thế hệ những người làm nông nghiệp, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn đối với đất nước. 

Hôm nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Bộ Canh nông - Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước của Ngành. Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các cán bộ, nhân viên Ngành Nông nghiệp và PTNT vinh dự và vui mừng được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo và nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ, các đồng chí đại diện của các Bộ, ngành, đoàn thể ở TW và toàn thể các vị khách quý, các đồng chí và các bạn về dự buổi lễ. Thay mặt tập thể Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi xin nhiệt chào mừng và kính chúc sức khỏe tất cả các đồng chí, các quý vị đại biểu!

Kính thưa các đồng chí.

Từ khi giành được độc lập, Đảng và nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng nhiều tổ chức chuyên trách quản lý ngành được thành lập và có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của mỗi thời kỳ.

Năm 1945, Bộ Canh nông do ông Cù Huy Cận làm Bộ trưởng với Ủy ban Canh nông ở mỗi phủ, huyện, châu, xã có nhiệm vụ chủ yếu là chỉ đạo phát triển sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Bộ Giao thông công chính thành lập ngày 28/8/1945 quản lý về thủy lợi cho tới khi thành lập Bộ Thủy lợi và Kiến trúc năm 1955, Bộ Thủy lợi năm 1958, Bộ Nông trường đã được thành lập năm 1960 và hoạt động tới năm 1971. Ủy ban Nông nghiệp Trung ương được thành lập và hoạt động trong các năm 1971-1976.

 Từ năm 1976 các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Hải sản, Bộ Lương thực, Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày nay được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thủy lợi (năm 1995) và với Bộ Thủy sản (năm 2007) để thực hiện quản lý nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn. Bộ máy quản lý ngành đã được hình thành từ trung ương tới xã. Ở trung ương có 3 Tổng cục, 15 Cục, Vụ. Trực thuộc Bộ còn có 3 Viện khoa học lớn với nhiều viện thành viên, có 11  viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành, có 38 trường đại học và cao đẳng, trung cấp nghề và nhiều đơn vị sự nghiệp khác. Ở địa phương có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở cấp tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở cấp huyện và công chức quản lý ở cấp xã.

Dù dưới hình thức nào, trong suốt 70 năm qua, các tổ chức tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã luôn nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính phủ cùng với toàn ngành đấu tranh với đói nghèo, thiên tai, địch họa, có những bước trưởng thành về nhiều mặt, gắn liền với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Kính thưa các đồng chí!

Trong 70 năm qua, nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã trải qua nhiều gia đoạn phát triển gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:

1. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc (1945-1975), nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã chiến thắng nạn đói, tham gia hiệu quả công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của "hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn".

Chỉ hai ngày sau khi có quyết nghị thành lập, Bộ Canh nông đã công bố:

"Bộ Canh Nông vừa mới lập ra sẽ có hai nhiệm vụ hiện tại và tương lai:

1. Thực hiện chương trình tăng gia sản xuất cấp tốc ở Bắc bộ và miền Bắc Trung bộ để giải quyết một phần vào nạn đói đang đe dọa đồng bào.

2. Sửa soạn một nền tảng chấn hưng nông nghiệp để mở đường phát triển cho một nền kinh tế nông nghiệp quốc gia sau này” .

Trong thư “Gửi nông gia Việt Nam” ngày 7 tháng 12 năm 1945 , Hồ Chủ tịch trực tiếp kêu gọi: “Hiện nay chúng ta có hai việc quan trọng nhất: cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam. “Thực túc” thì “binh cường”, cấy nhiều thì khỏi đói. Chúng ta thực hiện “tấc đất, tấc vàng” thì chúng ta quyết thắng lợi trong hai việc đó. Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập. Hỡi anh em nhà nông, tiến lên”.

Thực hiện lời kêu gọi của Bác, Chính phủ yêu cầu tất cả ruộng đất đều phải được canh tác. Phong trào thi đua sản xuất được phát động sâu rộng trong cả nước bằng nhiều hình thức.

Bộ Canh nông cũng đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, tìm cách quay vụ, tăng vụ. Nhiều sáng kiến đã xuất hiện, giúp nông dân có thêm lương thực.

Nhờ các phong trào thi đua, sức mạnh của nông dân được khơi dậy, tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm nhanh chóng được đẩy mạnh. Vụ mùa năm 1946 ở Bắc Bộ đã đạt gấp đôi năm 1945. Nạn đói đã bị đẩy lùi. Trong diễn văn kỷ niệm một năm Quốc khánh 2 tháng 9 (năm 1946), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngày ấy tuyên bố: “Cách mạng đã chiến thắng nạn đói. Thực là một kỳ công của chế độ dân chủ”.

Ngày 10 tháng 1 năm 1946, phát biểu tại cuộc họp Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “ Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ.

Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn.

2. Làm cho dân có mặc.

3. Làm cho dân có chỗ ở.

4. Làm cho dân có học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập” .

Với tinh thần đó, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách mang tính cách mạng của Đảng và Chính phủ để khuyến khích phát triển sản xuất. Cải cách ruộng đất với khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã đem lại sự thay đổi thân phận, cuộc sống của hàng triệu nông dân đồng thời đem lại động lực to lớn cho phát triển nông nghiệp ở các vùng tự do. Đến năm 1954, sản lượng quy thóc đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Lương thực đủ cung cấp cho nhân dân vùng tự do và bộ đội đánh giặc.

Hoà bình lập lại (1954), đất nước chia hai miền, miền Bắc tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, trước hết là nông lâm thủy sản. Nhiều cuộc vận động và phong trào nông nghiệp đã được triển khai. Cả miền Bắc thi đua sản xuất là hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam. Hình ảnh những người nông dân “chắc  tay súng, vững tay cày” trong các phong trào “hậu phương thi đua với tiền phương”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “năm tấn thóc và 2 con lợn/ha” , “thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người”…sẽ lưu mãi trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt về một thời gian khổ nhưng vô cùng hào hùng của dân tộc.

Ngay từ ngày đầu lập nước, cùng với việc chỉ đạo phát triển sản xuất lương thực, cứu đói, đảm bảo lương thực cho kháng chiến, Đảng và Bác Hồ đã quan tâm chỉ đạo phát triển lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi.

Từ năm 1946 Bộ Canh nông đã lập Ủy ban nghiên cứu lâm chính, xây dựng và ban hành nhiều quy định mới về rừng để thay chế những luật lệ thực dân đã bị xóa bỏ để bảo vệ và khai thác rừng hợp lý, đáp ứng nhu cầu về gỗ cho kháng chiến, kiến quốc. Đồng thời, Chính phủ đã coi trọng khuyến khích nhân dân trồng cây gây rừng. Ngày 11/1/1960 Tết Trồng cây đầu tiên do Bác Hồ phát động đã được tổ chức tại Hà Nội và tới nay đã trở thành ngày hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc hằng năm.

Ngày 1/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm ngư dân và có phát biểu căn dặn về tổ chức và chăm lo đời sống của nhân dân vùng biển. Người nói “ biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ngày 1/4 đã trở thành Ngày hội truyền thống của ngành Thủy sản và từ đó thủy sản đã chuyển mạnh từ ngành kinh tế truyền thống, nhỏ lẻ của dân thành một ngành kinh tế kỹ thuật có vai trò và đóng góp ngày càng lớn cho đất nước. “Vững tay lưới, chắc tay súng”, ngành Thủy sản từng bước xây dựng lực lượng phát triển cả đánh bắt trên biển và nuôi trồng để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước.

Công tác thủy lợi đã được Chính phủ cách mạng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm ngay từ những ngày đầu thành lập. Từ tháng 5/1946, xác định “giặc lụt là tiên phong của giặc đói”, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Hộ đê Trung ương để huy động lực lượng gia cố đê điều bảo vệ sản xuất. Công tác tu bổ, sửa chữa, xây dựng mới các công trình thủy lợi được tiến hành ngay cả trong những năm kháng chiến. Sự kiện Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày 1/10/1958 là dấu ấn đậm nét về sự phát triển của ngành thủy lợi trong giai đoạn mới.

2. Trong những năm tháng của thời kỳ khôi phục đất nước sau chiến tranh (thời kỳ 1975- 1985), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã phấn đấu vượt qua khó khăn đi tiên phong trong công cuộc Đổi mới đất nước.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV năm 1976 đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm 1976-1980 có nội dung: “Tập trung cao độ sức của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp; .. nhằm giải quyết vững chắc nhu cầu của cả nước về lương thực, thực phẩm và một phần quan trọng hàng tiêu dùng thông dụng”. Thực hiện chủ trương đó nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện để phát triển sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước, đồng thời cải tạo nông nghiệp ở Nam Bộ. Trong quá trình đó, những nhân tố Đổi mới đã hình thành. Dựa trên những thử nghiệm thành công từ cơ sở tại Hải Phòng, Vĩnh Phúc, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 100 CT/TW   về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp” đã tạo ra động lực mới trong nông nghiệp. Ngành Thủy sản đã thực hiện thí điểm cơ chế “tự cân đối, tự trang trải” tháo gỡ được nhiều khó khăn, tiếp cận được nhiều thị trường các nước, tạo ra hướng phát triển mới quan trọng.

Giai đoạn 5 năm (1981-1985), sản xuất nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 4,9% ; sản xuất lương thực đạt bình quân đạt 17 triệu tấn/năm so với mức tương ứng là 1,9%/năm và 13,4 triệu tấn/năm trong các năm 1976-1980.

3. Thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng (thời kỳ 1986-2015), nông nghiệp và nông thôn liên tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nhất là sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (năm 1988), nhiều chính sách đổi mới toàn diện đã được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Ruộng đất được khoán và sau năm 1993 được giao để nông dân sử dụng ổn định lâu dài với các quyền ngày càng lớn hơn. Thị trường nông sản, vật tư nông nghiệp trong nước được tự do hóa, từng bước kết nối, liên thông với thị trường quốc tế. Nhà nước tiếp tục huy động các nguồn lực và đổi mới cách thức hỗ trợ cho nông dân, tiếp tục đầu tư lớn phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông thôn, hình thành hệ thống khuyến nông và tín dụng để hỗ trợ trực tiếp tới các hộ nông dân. Các HTX chuyển hẳn sang làm dịch vụ cho xã viên. Nhiều nông lâm trường thực hiện khoán lâu dài đất đai, vườn cây cho gia đình công nhân.

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị thực sự đã tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, đem lại động lực vô cùng to lớn động viên nông dân đem hết khả năng, công sức đầu tư phát triển sản xuất. Động lực ấy vẫn còn đang tác động cho đến tận ngày nay. Chính nhờ có đường lối Đổi mới, nông nghiệp nước ta đã liên tục phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 1986-2014 đạt  3,65%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới (2%).

Nhờ tăng trưởng nhanh, nông nghiệp đã cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Trên cơ sở đó, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khác cũng đã phát triển mạnh mẽ trở thành các ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn.

Sau thời kỳ thiếu lương thực kéo dài, từ năm 1989 nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lương thực. Nhiều ngành sản xuất nông lâm thủy sản cũng đã hướng ra xuất khẩu. Năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 486,2 triệu USD, năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt 30,86 tỷ USD, gấp 63 lần so với năm 1986. Việt Nam trở thành một trong số 20 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn trên thế giới. Hiện nay, nước ta đã có 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch hằng năm trên 1 tỷ USD, trong đó, có nhiều sản phẩm có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Nông nghiệp nước ta đã trở thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

Sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nông dân, làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Những thành tựu này cũng góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong những thành tựu chung đó, ngành trồng trọt đã có sự phát triển vượt bậc. Phát triển sản xuất lúa gạo là thành công nổi bật nhất được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ngày nay thay cho hình ảnh “ con trâu đi trước cái cày theo sau” xuất hiện ngày càng nhiều những máy gặt đập liên hợp chạy trên những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát.

Chăn nuôi đã thực sự trở thành ngành sản xuất chính ở nhiều địa phương. Xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở chăn nuôi công nghiệp, trang trại hoạt động như  những nhà máy sản xuất thịt, sữa, trứng áp dụng công nghệ cao.

Ngành thuỷ sản cũng đã vươn lên mạnh mẽ. Đội tàu cá với công suất lớn trang bị ngày càng hiện đại không chỉ đánh bắt hải sản với số lượng lớn, hiệu quả ngày càng tăng mà còn tham gia đắc lực vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi tôm, cá tra phát triển vượt bậc.Thủy sản trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn với tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2014 đạt 7,8 tỷ USD.

Ngành lâm nghiệp đã trở thành ngành kinh tế - xã hội quan trọng; chuyển hẳn từ khai thác sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên, trồng rừng kinh tế, chế biến và xuất khẩu. Tới nay, nước ta đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng suy giảm về diện tích và trữ lượng rừng. Năm 2015 độ che phủ rừng đạt 40,7%, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới với kim ngạch năm 2014 đạt 6,2 tỷ USD. 

Nước ta không chỉ phát triển sản xuất nông sản nguyên liệu thô mà công nghiệp chế biến ngày càng phát triển. Những nhà máy chế biến công nghệ hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều góp phần làm tăng giá trị của nông lâm thuỷ sản. Trong đó nổi bật là chế biến thủy sản, trong thời gian ngắn đã có trên 600 công ty với nhiều nhà máy công nghệ cao làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của trên 160 thị trường, trong đó có thị trường yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản, EU…

Ngành thuỷ lợi đã thực hiện được ước vọng của bao thế hệ - xây dựng hàng loạt các công trình lớn như Cửa Đạt, Tả Trạch, Định Bình, Krông Buk Hạ…cùng với hệ thống kênh mương được kiên cố, củng cố cơ bản hệ thống đê sông, xây dựng và củng cố đê biển…Chính sự phát triển về thuỷ lợi đã là nền tảng cho sự phát triển ổn định với năng suất, hiệu quả cao của nền nông nghiệp thời gian qua. Đồng thời, thủy lợi đã đáp ứng cơ bản yêu cầu về nước cho các ngành kinh tế - xã hội khác. Công tác phòng chống thiên tai luôn được chú trọng, năng lực ngày càng được tăng cường, giúp hạn chế tới mức tối thiểu thiệt hại về người và của.

Trong 70 năm qua, nông thôn nước ta đã thay đổi căn bản diện mạo từ chỗ nghèo nàn lạc hậu đang vươn tới văn minh hiện đại. Thay cho hầu hết những mái nhà tranh nghèo là những nhà xây, nhà ngói, thậm chí biệt thự khang trang với tiện nghi không thua kém đô thị. Đường ô tô đã đến hầu hết các xã, điện đã đến hầu hết các hộ gia đình. Điều kiện ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá của người dân ngày càng được cải thiện. Hết năm 2015 sẽ có khoảng 1500 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đạt bình quân 12 tiêu chí.

Trong 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người nông dân đã thay đổi từ thân phận người làm thuê bị bóc lột thậm tệ, từ những người sản xuất nhỏ phần lớn tự cung tự cấp, nghèo đói, thất học thành những người chủ có ruộng đất, có tư liệu sản xuất, được học hành, tiếp cận khoa học kỹ thuật vươn lên sản xuất hàng hoá quy mô ngày càng lớn, có thu nhập ngày càng cao, đời sống ngày càng cải thiện, được hưởng các quyền tự do, dân chủ thực sự. Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 24,5 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh còn 9,5%.

Kính thưa các đồng chí

Với những nỗ lực và đóng góp to lớn, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cả nước, các địa phương, nhiều tổ chức cá nhân đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1995, Bộ Lâm nghiệp được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1995,  Bộ Thủy sản được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2007, có 153 tập thể và 120 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Kính thưa các đồng chí

Nhìn lại quá trình 70 năm qua, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những thành tựu mà đất nước ta đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn và về những đóng góp của Bộ, Ngành qua các thời kỳ.

Tự hào về những thành tựu của Ngành chúng ta thành kính và vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, mãi ghi nhớ và làm theo những lời dạy của Người.

Tự hào về những thành tựu, chúng ta nguyện mãi phát huy truyền thống của Ngành là luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Chính sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng nhất làm nên sự thay đổi kỳ diệu của nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm qua.

Tự hào về Ngành chúng ta ghi nhớ nhớ sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ.

Tự hào về Ngành, chúng ta ghi nhớ công lao to lớn của hàng triệu bà con nông dân, công nhân nông nghiệp đã đổ biết bao mồ hôi công sức và cả xương máu trên những cánh đồng. Chúng ta đặc biệt ghi nhớ công lao của các Anh hùng Lao động nông nghiệp, những người bình dị nhưng cao cả như Anh hùng Hồ Giáo.

Chúng ta cũng ghi nhớ công lao đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, đội ngũ cán bộ quản lý Ngành Nông nghiệp và PTNT qua các thời kỳ, đã dành nhiều tâm huyết tham mưu và thực hiện sáng tạo các chủ trương của Đảng, dẫn dắt ngành Nông nghiệp phát triển.

Hôm nay chúng ta cũng ghi nhận công lao đóng góp của các nhà khoa học ở các viện, trường, các kỹ sư, kỹ thuật viên đã luôn miệt mài sát cánh cùng với bà con nông dân làm cho nông nghiệp nước ta có năng suất hiệu quả ngày càng cao.

Chúng ta ghi nhận công lao và vai trò ngày càng lớn của các doanh nhân, các Hiệp hội, nhất là trong cơ chế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin được gửi lời cảm ơn tới các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể đã luôn phối hợp chặt chẽ và dành cho ngành Nông nghiệp và PTNT sự quan tâm hỗ trợ to lớn.

Chúng ta cũng cảm ơn bạn bè quốc tế đã luôn quan tâm và hỗ trợ to lớn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.

Kính thưa các đồng chí !

Ôn lại quá trình lịch sử 70 năm của ngành, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học có tính chất truyền thống đã giúp ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, trong đó chủ yếu là:

1. Luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, tích cực chủ động sáng tạo  trong việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, sự lãnh đạo chỉ đạo của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn;

2. Luôn gắn bó máu thịt với bà con nông dân, với thực tiễn, với ruộng đồng để tham mưu về các chủ trương chính sách cũng như đề ra các giải pháp giải quyết kịp thời hiệu quả các vấn đề đặt ra; luôn chú trọng động viên khuyến khích và song hành cùng với bà con nông dân, với các doanh nghiệp nông nghiệp.

3. Là một bộ máy đa ngành nhưng luôn đoàn kết, thống nhất lấy việc thực hiện các nhiệm vụ do Đảng, Chính phủ đề ra, yêu cầu của nhân dân làm mục tiêu chung để tất cả đồng lòng, nỗ lực phấn đấu.

4. Luôn phối hợp chặt chẽ giữa Bộ và các địa phương, giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với các Bộ, ngành, đoàn thể để tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Kính thưa các đồng chí!

Bước sang giai đoạn mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Đảng ta đã xác định:

“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở CNH HĐH nông nghiệp, nông thôn.

CNH HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH HĐH đất nước, coi phát triển nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình CNH HĐH nông nghiệp nông thôn…” (Trích kết luận số 97-KL/TW ngày 9/5/2014 của Bộ Chính trị)

Sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và cả xã hội tới sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là sự động viên to lớn và quan trọng nhất đối với toàn Ngành.

Những thách thức lớn nhất trong thời gian tới là:

1. Cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế đem lại những cơ hội to lớn sống còn đối với nông nghiệp nước ta. Tuy vậy để phát huy được những cơ hội đó đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực cần không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh cả ở cấp độ ngành, sản phẩm và doanh nghiệp.

2. Biến đổi khí hậu là quá trình không thể đảo ngược ảnh hưởng ngày càng mạnh đối với nước ta, trước hết là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nước biển dâng đe dọa làm gia tăng ngập lụt, xâm nhập mặn cùng với các biểu hiện bất thường, cực đoan của khí hậu thời tiết đang yêu cầu phải có nhiều giải pháp thích ứng đồng bộ để đảm bảo cho quá trình phát triển được bền vững.

3. Trong khi đó nông nghiệp, nông thôn nước ta còn nhiều tồn tại, nông nghiệp có sức cạnh tranh, chất lượng và hiệu quả nhìn chung còn thấp, tăng trưởng chậm dần; nông thôn ở nhiều nơi còn nhiều thiếu thốn nhất là về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu đi lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế; thu nhập của nông dân còn thấp, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, môi trường bị suy thoái.

Để vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, toàn ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để cụ thể hóa và triển khai thực hiện;

2. Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm chủ lực. Phát triển kinh tế thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng và khai thác trên các vùng biển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo quốc gia. Tiếp tục phát triển diêm nghiệp. Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tập trung nâng cao hiệu quả của rừng sản xuất. Chú trọng phát triển mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị của nông lâm thủy sản.

Tiếp tục chú trọng phát triển thủy lợi đáp ứng các yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển các ngành kinh tế xã hội, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

3. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, chủ động nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các vùng còn nhiều khó khăn. Cùng với việc huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất kinh doanh để có thu nhập ngày càng cao, đảm bảo nông thôn phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm hỗ trợ các vùng còn nhiều khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

4. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất. Tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Coi phát triển doanh nghiệp là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời tiếp tục đổi mới và phát triển các HTX kiểu mới, các hình thức liên kết, hợp tác. Hỗ trợ tích cực đối với kinh tế hộ để phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn.

5. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ làm cơ sở nâng cao nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học của nhà nước; có chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh chuyển giao KHKT gắn với đào tạo nông dân.

6. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất đổi mới cơ chế chính sách huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là chính sách về đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng và bảo hiểm. Tổ chức thực hiện tốt các chính sách được ban hành, điều chỉnh kịp thời các bất hợp lý phát sinh.

7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tích cực thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy cao các cơ hội mới, nhất là về thị trường, đối phó hiệu quả với các thách thức. Khai thác các nguồn lực to lớn về khoa học kỹ thuật và vốn cho phát triển nông nghiệp nông thôn trong nước.

8. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng bộ máy quản lý ngày càng chuyên nghiệp, gắn bó với nghề, với nông dân, với ruộng đồng, hết lòng vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Kính thưa các đồng chí !

Mặc dù nhiệm vụ trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Toàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nguyện sẽ tiếp tục phát huy các truyền thống tốt đẹp, nỗ lực phấn đầu cùng với bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp làm cho nông nghiệp nông thôn nước ta ngày càng phát triển, góp phần xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, bạn bè quốc tế trong sự nghiệp to lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Xin kính chúc sức khoẻ toàn thể các đồng chí!

Xin trân trọng cám ơn!

(Bộ trưởng Bộ NN-PTNT)

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Việt Nam đặt mục tiêu thắng U23 Malaysia

U23 Việt Nam đã trở lại tập luyện để chuẩn bị cho trận tiếp theo gặp U23 Malaysia tại bảng D VCK U23 châu Á 2024. Đây là trận đấu mang tính bản lề.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm