| Hotline: 0983.970.780

Tự hào những người con mang họ Bác

Thứ Hai 17/05/2010 , 10:14 (GMT+7)

Ở thị trấn rẻo cao A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có những người con mang họ Bác Hồ một thời cống hiến xương máu cho độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Gia đình bà Hồ Thị Thêu với những người thường xuyên hiến máu

Ở thị trấn rẻo cao A Lưới (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), có những người con mang họ Bác Hồ một thời cống hiến xương máu cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Và hôm nay, những người mang họ của Người cũng đang ngày đêm nối bước cha ông, xây dựng vùng đất vốn gánh chịu nhiều bom đạn khởi sắc từng ngày.

Giọt hồng tiếp nối

Đến thôn Pơ Nghi II, xã A Ngo, hỏi về gia đình bà Hồ Thị Thêu (Tức A Cơ Thị Thêu) ai cũng biết bởi đây là gia đình có 9 mẹ con đều hiến máu, dẫn đầu tỉnh về phong trào hiến máu nhân đạo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm cúng, bà tâm sự: “Trong kháng chiến, đồng bào dân tộc ở A Lưới đã đổ nhiều máu để chống giặc, nuôi giấu bộ đội, bảo vệ thành quả cách mạng. Nay thời bình, tui và bà con vẫn tiếp tục cống hiến những giọt máu của mình để cứu sống mọi người, nhất là những bệnh nhân nghèo”.

Mấy chục năm nay, kể từ khi chồng mất bởi bệnh hiểm nghèo, bà Thêu tần tảo một nắng hai sương nuôi 8 người con khôn lớn. Với gia đình Hồ Thị Thêu, việc hiến máu cứu người đã vượt qua nếp nghĩ ngàn đời của đồng bào, rằng giọt máu của người Pa Kô là giọt máu của Giàng (trời), nếu cho đi thì mang tội, sẽ bị Giàng phạt nặng! Ấy thế mà bà Thêu chấp nhận bị “phạt” để đồng bào Pa Kô tình nguyện theo bà đi hiến máu.

Bà Thêu kể: “Trong một lần tôi bị ốm nặng, phải vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Khi phẫu thuật, tui bị mất nhiều máu và cần được tiếp máu khẩn cấp nếu không nguy hiểm đến tính mạng. May nhờ có mấy thanh niên hiến máu tình nguyện, tui được cứu sống, từ đó tui mang ơn những người có nghĩa cử cao đẹp như thế lắm!”.

Ban đầu, nghe cán bộ về thôn, bản tuyên truyền, bà con ai cũng sợ, bởi họ nghĩ rằng “hiến máu là hết máu, lấy máu đâu mà sống nữa”. Nhiều người còn chạy trốn cán bộ khi họ đến nhà vận động. Bà  Thêu bộc bạch: “Muốn đồng bào tin hiến máu không đau, không hại cho sức khoẻ, mình phải đi hiến máu trước tiên, rồi bảo các con của mình hiến thì mọi người mới tin. Cái bụng người Pa Kô thật thà lắm, khi thấy hiến máu không đau như họ tưởng thì ai nấy đều tin theo”.

Ở thị trấn A Lưới, nhắc đến người hiến máu nhiều nhất mọi người nghĩ ngay đến anh Hồ Văn Khởi (SN 1968). Hễ nơi nào tổ chức hiến máu, cần máu khẩn cấp anh Khởi đều đến đăng ký với tinh thần thiện nguyện. Trong hơn 15 năm hiến máu tình nguyện, không biết bao kỷ niệm buồn vui đi qua đời anh. Anh kể, có lần vào năm 2006, anh đến hiến máu ở trung tâm y tế huyện A Lưới, cán bộ bảo đang thiếu nhóm máu A, trong lúc đó anh Khởi vừa hiến máu chưa đầy 2 tháng trước. Vào trung tâm, cán bộ hỏi “anh hiến máu cách đây mấy tháng rồi”, vì muốn được hiến máu, góp thêm những giọt hồng cứu người, cứu đời, anh Khởi đã khai gian là đã hiến được 4 tháng, thế là cán bộ yên tâm. Khởi bộc bạch: “Mình nghèo không có vật chất giúp người bệnh, chỉ có giọt máu là có sẵn thôi. Nhiều lần vào bệnh viện, thấy nhiều bệnh nhân gia cảnh khó khăn mà thương quá!”

Trả nợ rừng xanh

Ông Hồ Xuân Chiến cùng tác giả
Đến A Lưới hôm nay, cái màu xám xịt, cháy xém của những cánh rừng mang nặng nỗi đau điôxin đã không còn nữa, thay vào đó là một màu của sự sống bởi những cánh rừng trồng phủ xanh đất trống đồi trọc.

Những người cựu binh năm xưa, gác lại cây súng đã cầm cuốc, khai hoang vùng đồi, ươm những mầm xanh trên vùng đất chết. Vào nhà cựu binh Hồ Xuân Chiến (SN 1930), khi những cơn mưa đại ngàn đã ngớt, hỏi về những cựu binh làm kinh tế giỏi, ông Chiến khiêm tốn: “Tui làm chi được mấy mô, mấy anh tìm mấy cựu binh khác ấy, họ giỏi hơn nhiều”. Sau một hồi giải thích, ông mới chấp nhận tiếp chuyện. Ông tâm sự: “Hồi tui đi bộ đội, thấy rừng bị phạt sạch mà đau lắm. Trở về thời bình, nhớ lời Bác dạy: “Rừng là vàng nếu ta biết bảo vệ thì rừng rất quý”, có thời gian rảnh tui trồng rừng, vận động mấy cựu binh khác mua giống cây tràm, keo tai tượng… từ Huế lên phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa có thu nhập, ổn định kinh tế, vừa trả được “món nợ” với rừng xanh!”.

Để “trả nợ” rừng, năm 2005, hai vợ chồng ông khai hoang vùng đồi Ta Rai nằm sát cạnh nhà. Ông nhớ lại: “Hồi đó đồi Ta Rai toàn cây bụi, không ai dám nghĩ đến chuyện trồng cây hay nuôi con vật chi. Tui nghĩ mình là cựu binh, sức lực không còn nhiều, làm phải kiên trì năm này qua năm khác may ra mới được”. Nghĩ là làm ngay, ông bắt tay khai hoang, phát, đốt rồng rã mấy tháng trời, vừa ngơi tay, ông đón xe xuống các trung tâm giống cây trồng ở Huế, mua cây quế, tràm, keo lai lên trồng. Không chỉ trồng rừng, ông còn đầu tư thêm 3 ao cá, mỗi ao chừng 400 mét vuông, nuôi thêm lợn, gà, làm 2 ha ruộng lúa hai vụ. Năm vừa rồi, ông đã thu hoạch 5 ha cây quế, bán được gần 40 triệu đồng, mỗi ao cá thu được 9 triệu đồng, 11 ha rừng tràm, keo lại đang phát triển tốt, chờ ngày thu hoạch.

Nói về mô hình nuôi cá, ông Chiến nhớ lại: “Năm 1976, cán bộ huyện vận động bà con làm “Ao cá Bác Hồ” ở đồn Bốt Đỏ (xã Hồng Thượng) nhằm mở rộng tuyên truyền mô hình chăn nuôi cho bà con vùng cao A Lưới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tui thả nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi đạt hiệu quả rất cao. Trở về thị trấn, tui cùng mấy cựu binh nhân rộng mô hình “Ao cá Bác Hồ”, đến nay, nhiều cựu binh có thu nhập ổn định nhờ mô hình nay lắm!”.

Với nhiều cựu binh ở A Lưới, sau khi trở về quê, gác bỏ cây súng là họ bắt tay ngay vào “trả nợ” rừng xanh. Cựu bình Hồ Vai - người anh hùng LLVTND cũng đang cầm chắc trong tay 10 ha rừng tràm, keo lai cho thu nhập ổn định. Ông Hồ Vai tâm sự: “Những ngày hành quân qua những cánh rừng bị vặt trụi, trơ cành khô khốc, nhìn mà xót lắm. Tui thầm nghĩ nếu mai này mình còn sống sót trở về sẽ trồng lại rừng trên quê hương, xoá đi nỗi đau nơi vùng đất chết”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.