| Hotline: 0983.970.780

Tự làm máy gặt

Thứ Sáu 19/09/2014 , 08:14 (GMT+7)

Với những nguyên liệu sẵn có mà đơn giản từ tôn và động cơ xe máy cũ, “lão nông không ruộng" Trương Minh Hải đã chế tạo ra chiếc máy gặt lúa thông minh.

Trong một lần nhận sửa chiếc máy gặt của một khách hàng, sau khi nghiên cứu kỹ từng chi tiết và cách vận hành, trong đầu ông Hải (khối 10, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) lóe lên việc sáng chế một chiếc máy tương tự. Ông tận dụng tất cả những bộ phận của chiếc xe máy từ động cơ, xích cho tới tay phanh. Những bộ phận còn thiếu ông lại tới các điểm thu mua phế liệu để tìm mua.

Kết cấu của máy gặt khá đơn giản, rộng chừng hơn 1 m, dài 2,5 m, trọng lượng gần 100 kg, phía trước là những chiếc răng nhọn dùng để cắt lúa, thân máy được làm từ các mảnh tôn và sắt cứng.

Bên trong là động cơ xe máy, được kết nối bởi các sợi xích quay quanh trục rất công phu. Bánh xe cũng được hàn, chế từ sắt, bọc ngoài là một lớp cao su có thể di chuyển tốt trên mọi địa hình. Cần điều khiển được thiết kế tương tự như xe máy tay côn. Máy gặt dùng xăng để hoạt động.

Ban ngày ông sửa máy móc cho khách, tối ông lại cặm cụi nghiên cứu để chế tạo chiếc máy gặt. Sau 3 tháng mất ăn, mất ngủ, chiếc máy gặt đầu tiên đã ra đời.

Năm 2009, khi ông đưa chiếc máy gặt ra vận hành thử chỉ trong vòng khoảng 3 tiếng, chiếc máy đã gặt được 9 sào lúa, bằng công sức của 10 người nông dân phải gặt trong vài ngày.

Sản phẩm máy gặt lúa tự chế của ông từng được tham dự chương trình Nhà sáng chế do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, ông Hải còn được UBND TP Hà Tĩnh, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh tặng bằng khen về thành tích sáng chế khoa học.

“Ưu điểm của chiếc máy gặt này là tận dụng được các máy móc, sắt thép đã bỏ đi. Cấu tạo chiếc máy cũng đơn giản, máy còn gặt được ở những ruộng sâu, nhỏ lẻ mà máy gặt đập liên hoàn không vào được” ông Hải cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên nói: "Chúng tôi SX lúa ở chân ruộng sâu, có khi cả ngày mới gặt được 1 sào, trong khi máy gặt liên hoàn thì không thể xuống. May mà có chiếc máy gặt do ông Hải tự chế nên cũng đỡ công sức và chi phí”. 

Hiện ông Trương Minh Hải đã chế tạo được 3 chiếc máy gặt từ những đồ phế liệu, máy gặt nhanh mà tiêu tốn rất ít nhiên liệu. Theo tính toán của ông Hải chi phí gặt khoảng 30.000 - 40.000 đồng/sào, giá thành chế tạo của một chiếc máy khoảng 8 triệu đồng.

“Dù chiếc máy gặt được nông dân nhận xét là hoạt động tốt, hiệu quả nhưng gặt xong lúa trải đều trên ruộng khiến bà con phải mất công đi gom. Tôi đang nghiên cứu để làm sao chiếc máy vừa gặt vừa gom lúa hoặc có thể gieo hạt để giảm sức lao động và đa năng hơn”, ông Hải chia sẻ.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất