| Hotline: 0983.970.780

Tự làm thịt cóc ăn: Chị tử vong, em bị ngộ độc nặng

Chủ Nhật 03/06/2018 , 15:23 (GMT+7)

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sỹ của bệnh viện đang cấp cứu, điều trị cho một bé gái 11 tuổi (ở Hòa Bình) bị ngộ độc nặng do ăn thịt cóc.

Bênh nhân ngộ độc thịt cóc đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: BV cung cấp)

Chị gái sinh đôi của bé do ăn nhiều và ngộ độc nặng hơn nên đã không qua khỏi. Bé gái trên đang được bác sỹ tích cực điều trị.

Người mẹ của bệnh nhi cho hay, vợ chồng chị đi làm ăn xa, hai con gái ở nhà cùng bà ngoại. Khoảng 8 giờ tối 30/5 hai chị em bé rủ nhau đi bắt cua và có bắt được một con cóc rồi mang về tự nấu cho nhau ăn.

Sau khi ăn khoảng 2 tiếng cả hai chị em cùng có biểu hiện như nôn liên tục, li bì và được gia đình chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, mặc dù đã được các bác sỹ tích cực cấp cứu… nhưng do ăn nhiều hơn em nên chị gái của bé rất nguy kịch và đã không qua khỏi.

Bệnh nhân trên sau đó được các bác sỹ chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Ngày 31/5, khi vào Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhân trong tình trạng buồn nôn nhiều, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ.

Các bác sỹ xác định bé bị ngộ độc do ăn thịt cóc có biến chứng rối loạn nhịp tim và đã tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm cần thiết.

Sau hai ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện. Bé đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Tiến sỹ Lê Ngọc Duy - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thịt cóc chứa nhiều đạm và kẽm, thường được người dân chế biến cho trẻ ăn, hy vọng chữa lành bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho con cháu.

Theo bác sỹ Duy, nhiều bộ phận khác của con cóc chứa độc tố trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin. Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người, chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong như trường hợp của chị gái bệnh nhân trên.

Trẻ bị ngộ độc tùy từng mức độ có thể thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, nhức các chi, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hoảng hốt vì thế sinh ra ảo giác, co giật, ngừng thở ngừng tim nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sỹ Duy khuyến cáo các gia đình không nên ăn thịt cóc. Thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng ăn lại nguy hiểm nếu không biết cách khi chế biến.

Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể, gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.

(VIETNAM+)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.