| Hotline: 0983.970.780

Từ lúa vụ 3 nhìn ra Quyết định 99

Thứ Tư 04/01/2012 , 09:52 (GMT+7)

Năm 2011, có thể gọi là năm lúa vụ 3 bởi từ đây người dân chẳng những không còn phải “làm chui" mà còn được nhà nước coi là vụ chính.

Năm 2011, có thể gọi là năm lúa vụ 3 (vụ thu đông) bởi từ đây người dân chẳng những không còn phải “làm chui”, “xé rào” mà còn được nhà nước coi là vụ chính. Động thái này đã mở thêm 160.228 ha lúa vụ 3, tăng thêm 930.000 tấn lúa, trị giá hơn 6.000 tỷ. Tuy nhiên đây đó vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả lâu dài của nó.

HIỆU QUẢ CỦA LÚA VỤ 3

Những ngày này về Thanh Bình, Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, Châu Phú, Châu Đốc tỉnh An Giang sẽ bắt gặp hàng vạn gương mặt nông dân đang tất bật, hồ hởi chuẩn bị cho việc xuống giống vụ đông xuân. Mới hôm nào, cũng những gương mặt này còn đầy âu lo, thấp thỏm, căng thẳng hằng giờ theo con nước lịch sử. Loa phóng thanh, trống thùng thùng liên hồi dục giã; Sinh viên các trường đại học, công an, bộ đội huyện đội, tỉnh đội, cùng nông dân; Cán bộ, lãnh đạo ầp, xã, huyện, sở, bộ, Chính phủ cùng hồi hộp, thế nhưng ý chí và sức người đã thắng, tuy bị thiệt hạị hơn 8.000 ha nhưng diện tích xuống giống đạt 671.763 ha/602.400 ha kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2010 (511.535 ha) là 160.228 ha, ước năng suất bình quân 4,92 tấn/ha tăng 0,28 tấn/ha so cùng kỳ, sản lượng ước đạt 3.300.000 tấn, tăng 930 ngàn tấn, trị giá hơn 6.000 tỷ đồng. Nếu trừ đi chi phí giữ lúa vài ba trăm tỷ thì hiệu quả cũng còn vô cùng lớn. Khảo sát của Viện Lúa ĐBSCL cho thấy có đến 93,3% hộ nông dân trồng lúa vụ ba cho lợi nhuận từ 11 – 19 triệu đồng/ha.

Trong cái rủi có cái may. Trận lũ lịch sử không được dự báo lại rơi đúng vào thời điểm lần đầu tiên Bộ NN- PTNT công nhận lúa vụ 3 như một phép thử càng khẳng định thêm hiệu quả của nó.

Tuy được khẳng định hiệu quả nhưng một lo ngại khác, việc chặn nước lũ và làm liên tục 3 vụ lúa có làm cho đất nghèo kiệt và gây nên áp lực quá sức chứa của hệ sinh thái?

Theo TS Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, trong tổng diện tích 600.000 ha xuống giống lúa vụ 3 thì chỉ có 400.000 ha là trên diện tích lúa 3 vụ/năm, còn 200.000 ha là trên vùng đất lúa 2 vụ duyên hải. Trong 400.000 ha ấy thì 200.000 ha vùng ngập trung bình thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang. Diện tích này sẽ xả lũ 1,5 – 2 tháng sau thu hoạch, 200.000 ha còn lại thuộc vùng ngập sâu đầu nguồn ở 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp thì xả lũ định kỳ, 2 năm làm 1 năm nghỉ. Như vậy tổng diện tích lúa 3 vụ chỉ chiếm 21% (400.000 ha/1.900.000 ha) nên không lo ngại về sinh thái

Theo Tiến sĩ Roland J. Buresh,Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI tiến hành thí nghiệm không bón phân đạm từ năm 1963 đến nay, mỗi năm làm 3 vụ lúa hiện đã được 143 vụ liên tục, nhưng năng suất vẫn ổn định 3-3,5T/ha.

GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, thực ra lúa vụ 3 đã được nông dân làm từ lâu với diện tích từ 300 – 400.000 ha nhưng không được nhà nước chấp nhận. Mãi đến năm 2008, khi thấy không thể “bác” mãi nên nhà nước mới làm lơ, người dân ĐBSCL không còn phải “làm chui”, “xé rào” và trong báo cáo của các Sở NN-PTNT, từ lúa vụ 3, vụ thu đông cũng chính thức được đưa vào văn bản thay cho các từ “hè thu muộn”, “đông xuân sớm”. Cũng theo GS.TS Nguyễn văn Luật, tiềm năng sản xuất lúa vụ 3 ở ĐBSCL có thể lên tới 1 triệu ha.

SỐNG CHUNG VỚI LŨ?

Tuy sản xuất trúng lớn nhưng diễn biến mực nước của lũ năm 2011 cũng gây băn khoăn cho nhiều người, mực nước cực đại năm nay ở thượng lưu Tân Châu là 4,86m, thấp hơn lũ năm 2000 đến 20 cm, trong lúc đó mực nước hạ lưu tại Môc Hóa, Mỹ Thuận, Cần Thơ lại cao hơn năm 2000 từ 15 – 20 cm và thời gian ngập lại kéo dài hơn. Vậy thì nông thôn ĐBSCL sẽ được xây dựng phát triển như thế nào? Phương châm “sống chung với lũ” liệu có tồn tại?

Ngày 9/2/1996, ngày cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành Quyết định 99 TTg “Định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm 1996-2000 về phát triển thủy lợi, giao thông, xây dựng nông thôn ĐBSCL” là ngày trọng đại nhất của người dân ĐBSCL từ sau giải phóng, bởi lẽ chưa bao giờ con tép, hạt lúa của những người cùng khổ được phân tích, tranh luận ở hầu hết các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Từ năm 1996 – 2000, các kinh mương, cống bọng, cụm, tuyến dân cư, thoát lũ được đầu tư chóng mặt, ngàn năm lịch sử thủy lợi Việt Nam chưa một lần có được.

Công tác thủy lợi ở ĐBSCL được bắt đầu từ triều vua Gia Long, qua Pháp rồi Mỹ nhưng chỉ là đào kênh chưa bao giờ biết đến đê. Khi có quyết định 99, từ “bờ bao”, “đê bao”, “đê bao lửng” mới xuất hiện theo phương châm “ 2 vụ lúa ăn chắc”. Theo tính toán lúc bấy giờ, việc bảo vệ lúa hè thu được chốt tại thời điểm ngày 15 tháng 8, từ 15/8 về sau mặc cho nước lũ tràn tự do. Hai vụ lúa ăn chắc là phương châm của 15 năm trước nhưng thực tiễn lại yêu cầu thêm vụ thu đông và không thể không đáp ứng. Theo GS.TS Nguyễn Văn Luật, làm lúa vụ 3 không những là nhu cầu sản xuất của người dân mà còn đảm bảo tính mạng của họ, lũ năm 2011 xấp xỉ năm 2000 nhưng số người thiệt mạng do lũ lụt năm nay chỉ 34 người so với 481 người của năm 2000.

Trong quá trình thực hiện Quyết định 99, cụm từ được nhắc đến nhiều nhất là “sống chung với lũ”. Tác giả của câu nói trên không ai khác là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Giống như khi xây dựng đường tải điện 500 KV, trong tình hình còn nhiều bàn cãi xung quanh việc đầu tư thủy lợi ở ĐBSCL, việc làm “mềm hóa” quyết tâm chính trị của một chính khách là cần thiết, thế nhưng rất nhiều người lại lầm tưởng đấy là một luận cứ khoa học xuyên suốt cho ĐBSCL. Bằng chứng là, khi nâng cấp Phân viện Khảo sát và quy hoạch thủy lợi Nam Bộ thành Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng với sự biến đổi khí hậu nước biển dâng thì chúng ta phải đắp đê biển, đê sông, xây các âu thuyền ở các cửa sông chứ không thể sống chung với lũ.

Khi được hỏi về ý tưởng để lại huyện Châu Phú chỉ trồng 1 vụ lúa mùa và 1 vụ màu mà Viện Lúa ĐBSCL đã khuyến cáo cho tỉnh An Giang những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, GS.TS Nguyễn Văn Luật cho biết – Đấy lá ý tưởng khoa học nhưng không được thực tế chấp nhận, giống như hiện nay ta khuyến cáo không dùng giống lúa IR 50404 nhưng nông dận không chịu vì giống này dễ làm, năng suất lại cao trong lúc giá bán thì cũng “xêm xêm”.

Hiện trạng đê bao ở ĐBSCL có thể được so với đê sông Hồng ở những thế kỷ cuối nhà Lý đầu nhà Trần. Dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã nghĩ ngay đến việc trị thủy nhưng do lực có hạn nên nhà Lý chỉ sắc cho các địa phương đắp đê bao các ô nhỏ. Thế rồi dân số ngày một tăng, sản xuất ngày một lớn, nhà Trần buộc phải nối các ô bao nhỏ lại với nhau và nắn theo sông Hồng và đấy là tiền đề cho đê sông Hồng hiện hữu. Tiếp theo là các triều đại đến triều Nguyễn, việc tu bổ, đắp đê bao giờ cũng được chú trọng. Minh Mạng, vị vua được coi là Khang Hy của Việt Nam, không những quyết liệt chỉ đạo Thoại Ngọc Hầu hoàn thành kinh Vĩnh Tế, mà còn rất quyết tâm trong việc đắp đê trên cả nước.

Trong một buổi chầu bàn về việc đắp đê sông Hồng, nhiều đại thần đã cho rằng nên học tập nhà Lý chỉ đắp các ô bao vì đê sông khó giữ, đê vỡ lại càng khổ. Vua Minh Mạng đã phán rằng, nhà Lý không đắp đê sông Hồng cũng đúng và nhà Trần đắp đê sông Hồng cũng đúng vì đời nhà Lý, dân số còn ít, nếu lụt dân sẽ chạy lên được chỗ cao, đến nhà Trần thì làng mạc nhà cửa đã “nhiều như sao sa, như quân cờ bày” nên không thể không đắp, còn việc vỡ đê nếu có thì chỉ 1 phương khổ, còn 9 phương khác vẫn khô ráo. Không đắp đê thì mỗi năm trẫm lấy đâu mấy vạn hộc lúa để lo cho việc quân cơ.

Không chóng thì chầy, rồi đây các đê bao vùng cũng sẽ được nối liền dọc sông Tiền, sông Hậu như đã từng xảy ra với đê sông Hồng và “sống chung với lũ” chỉ còn là ký ức.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm