| Hotline: 0983.970.780

TỦ SÁCH DÒNG HỌ, TỦ SÁCH PHỤ HUYNH

Thứ Năm 02/06/2011 , 10:25 (GMT+7)

Sách đồng nghĩa với ánh sáng, với trí tuệ. Cổ nhân có câu “đến nơi chứa sách như đến cụm hoa lan”.

* Gia đình - dòng họ - làng là 3 mối liên kết lớn nhất

Sách đồng nghĩa với ánh sáng, với trí tuệ. Cổ nhân có câu “đến nơi chứa sách như đến cụm hoa lan”. Chưa bao giờ chúng tôi thấm thía câu nói ấy như khi về với những Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh đang trở thành phong trào ở nhiều làng quê.  

Trí thức “cõng” sách về làng

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh): ông nội là người có chữ nghĩa, thân sinh có học vị tú tài thời Pháp, là sỹ quan quân đội, về hưu từng 15 năm dạy toán và tiếng Anh miễn phí cho người làng… Lớn lên, Nguyễn Quang Thạch cũng đi theo con đường của ông cha.

Tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Vinh (chuyên ngành tiếng Anh), anh trở thành cán bộ của một cơ quan với mức lương khiến không ít người mơ ước, chưa kể còn bao nhiêu là cơ hội để tăng thu nhập như dịch sách, dịch tài liệu thuê, dạy thêm tiếng Anh… Những tưởng cuộc đời cứ vậy êm đềm trôi. Nhưng không, cuộc đời Nguyễn Quang Thạch bỗng rẽ theo một hướng khác, từ một sự kiện bất ngờ. Anh kể:

- Một lần, gặp một chị bị tâm thần lê lết trên quốc lộ 1A. Muốn đưa chị ấy về làng, tôi chạy vào ký túc xá sinh viên, nơi đang có hàng trăm trí thức tương lai trú ngụ, kêu gọi mọi người giúp sức. Nhưng tất cả đều dửng dưng, thờ ơ trước lời đề nghị thiết tha của tôi, tất cả đều nhìn tôi bằng con mắt vô cảm, cuối cùng chỉ có 2 người hưởng ứng. Đưa được chị về làng rồi, nhưng một nỗi buồn, không, phải nói là nỗi đau thì đúng hơn, cứ bám riết lấy tôi không rời…

Nỗi đau ấy, không chỉ riêng Thạch nhận ra và thấm thía. Đã có nhiều người nhận ra trước anh, đó là sự xuống cấp về đạo đức, một lối sống thiếu nhân văn đã kịp hình thành ở một bộ phận không nhỏ cư dân trong xã hội. Và, còn hơn cả nạn dầu loang trên biển, lối sống ấy đang có sức lan tỏa khủng khiếp, có nguy cơ nhấn chìm mọi giá trị văn hóa và đạo đức Việt, đã được ông cha ta dày công xây đắp cả ngàn năm. Với nhiều người khác, nhận ra rồi im lặng. Còn Thạch, anh hành động.

Từ quê hương mình, nhìn rộng ra các vùng quê khác, Thạch đã nhận ra có một thứ đói nghèo khác còn đáng sợ hơn là sự đói nghèo về vật chất, đó là sự đói nghèo về tri thức, về dân trí. Nghèo khiến người ta hóa hèn, nhưng đã nghèo -hèn lại cộng hưởng thêm với sự mù lòa về tri thức, sự thấp kém về dân trí, thì cuộc sống của người dân càng khốn khổ hơn nhiều. Nguồn gốc về lối sống thiếu nhân văn, phải chăng từ đó mà ra? Muốn nâng cao đời sống của người dân quê, phải bắt đầu từ việc nâng cao tri thức, dân trí. Mà muốn nâng cao dân trí, phải bắt đầu từ sách.

Để được rảnh tay thực hiện ý tưởng nâng cao tri thức, nâng cao dân trí cho cộng đồng, Nguyễn Quang Thạch đã bỏ việc ở một nơi lý tưởng. Vừa tự kiếm sống nuôi mình, nuôi vợ con, anh vừa bỏ công đi khảo sát ở rất nhiều vùng nông thôn trên cả nước. Có lần, anh đã làm một cuộc hành trình xuyên Việt để khảo sát về các dòng họ và việc đọc sách ở nông thôn. Những chuyến đi làm cho anh hiểu biết cặn kẽ về nông thôn, và càng đi, cái ước mong tất cả bà con nông dân, nhất là các em thiếu nhi và thanh niên đều có sách đọc càng cháy bỏng trong anh.

Năm 1997 bắt đầu nẩy ra ý tưởng, sau 10 năm trời ròng rã nghiên cứu, tìm hiểu, năm 2007 anh đã xây dựng được 5 mô hình khác nhau về nâng cao dân trí cộng đồng, trong đó 2 mô hình đã được anh biến thành hiện thực, đó là mô hình “Tủ sách dòng họ” và “Tủ sách phụ huynh”.

Theo anh, thì gia đình - dòng họ - làng là 3 mối liên kết lớn nhất làm nên sức sống của mỗi cộng đồng. Bất cứ gia đình nào cũng có lòng tự trọng, niềm tự hào về dòng họ của mình. Hiện tại, lòng tự trọng, niềm tự hào ấy đang có một số biểu hiện lệch lạc, ví như nghèo nhưng vẫn đua tranh xây mộ tổ thật to, gây lãng phí rất lớn, vẫn đua tranh tổ chức những buổi giỗ tổ linh đình, chè chén bê tha…

Nhiều cá nhân, tổ chức đã rất nhiệt thành ủng hộ sách cho Thạch, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Phong Điệp, nhà sách Đông - Tây… Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã tặng anh 1.206 cuốn sách, GS Phong Lê tặng anh 900 đầu sách với 1.152 cuốn. Mới đây nhất, nhân Ngày đọc sách Thế giới (23/4), anh đã vận động và cùng với Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch tặng 3.000 cuốn sách cho các dòng họ.

Đưa tủ sách về các dòng họ, lôi kéo các thành viên trong mỗi dòng họ đến với sách, là hướng lòng tự trọng, niềm tự hào dòng họ theo một hướng tích cực, đó là niềm tự hào về dòng họ mình có tủ sách phong phú, số lượng nhiều, dòng họ mình có nhiều người đọc sách, và từ đọc sách mà dòng họ mình có nhiều người hiểu biết. Sách và những điều trong sách cũng sẽ là “chất keo” gắn kết các thành viên trong dòng họ lại với nhau một cách mật thiết hơn qua những buổi đọc sách, qua những gì đọc được trong sách mang trao đổi với nhau…

Muốn có tủ sách dòng họ thì trước hết phải có sách. Nguyễn Quang Thạch đã về một số làng quê, vận động các dòng họ góp tiền đóng tủ chứa sách, đặt ở một gia đình có đủ điều kiện, hoặc đặt ngay trong nhà thờ họ, còn sách thì anh sẽ tặng một số gọi là “vốn liếng ban đầu”, sau đó các dòng họ sẽ tự phát triển thêm bằng cách góp tiền mua hay vận động con em của dòng họ đi lập nghiệp bên ngoài, có điều kiện hơn mua tặng, khi đọc đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được của bà con.

Để có được số sách tặng các dòng họ làm “vốn liếng ban đầu”, Thạch đã tự trích một phần thu nhập hàng tháng của mình để mua, còn lại là đi xin rồi “cõng" sách về làng. (Còn nữa)

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.