Ký ức tôi trỗi dậy khi được xem qua VTVgo bộ phim tài liệu 26 phút "Binh đoàn sinh viên" (phát sóng tối 19/12/2017 trên VTV1) của đạo diễn Nghiêm Nhan, do chính ông viết kịch bản và tự đọc lời bình. Phim quay tại Hà Nội, Quảng Trị nói về sự hiến dâng của hơn 1 vạn sinh viên, giáo viên Hà Nội lên đường vào mặt trận năm 1972, một nửa đã hy sinh trong đó phần lớn nằm xuống tại Thành cổ Quảng Trị, bên sông Thạch Hãn. Tôi nhận ra một số anh em và như thấy hiện lên tất cả đồng đội thời trai trẻ.
Thẩm Hoàng Long thời sinh viên, trước khi nhập ngũ |
Đầu năm 1972, 37 trường đại học Hà Nội tổng động viên giáo viên, sinh viên cho chiến trường miền Nam. Chúng tôi, các tân binh 21, 22 tuổi đời được lệnh hành quân vào Quảng Trị, sư đoàn 304, trung đoàn 66. Miền Tây Vĩnh Linh, đồi núi trập trùng, đêm tối mù mịt, lệnh truyền miệng từ đầu hàng quân xuống dưới: Chúng ta vừa vượt qua sông Bến Hải! Là một khe suối hẹp, nước mấp mé gót chân. Thượng nguồn dòng sông vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền từ 1954. Quảng Trị 1972, mùa Hè đỏ lửa.
Từ các lạch nước, tới các con suối chảy ra sông, sông chảy ra biển, những dòng sông đều gắn với những kỷ niệm của mỗi người. Thuở ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã thuộc bài thơ của Giang Nam: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc các hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống dòng sông mát rượi.” Bố tôi bảo nhà mình không có quê, vì năm đời ở Hà Nội rồi, vậy quê tôi là Hà Nội. Hầu như tất cả các thủ đô đều có còn sông chảy qua. Sông Hồng của Hà Nội, của tôi, trưa hè nóng bỏng, lũ trẻ con chúng tôi, cởi tất cả quần áo, nhảy xuống sông, “Tôi giang tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ” (thơ Giang Nam).
Sau mùa hè 1972, tiếng súng tạm ngưng, bọn lính trẻ chúng tôi lang thang bên bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Bãi cát mịn ven sông, dày đặc những bom mìn, quả đạn M16 vàng óng, bước phải tránh né, nếu sảy chân là toi đời. Lúc đó, chúng tôi đâu hình dung được có bao nhiêu thi thể chiến binh của cả hai phía đã nằm dưới lòng sông... Hiệp định Paris được ký kết đúng ngày sinh nhật tôi, 27/1/1973, lính tráng sướng quá, hòa bình rồi, bắn chỉ thiên như pháo hoa, hết nửa cơ số đạn của một chiến dịch!
Một góc sông Thạch Hãn |
Nhưng tiếng súng vẫn chưa ngưng. Đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân lấy lại cảng Cửa Việt, cảng biển duy nhất của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bị quân đội Việt Nam Cộng hòa lấn chiếm. Một tiểu đội trinh sát được cử đi nắm tình hình, anh Cường đại đội trưởng bảo tôi: Long là rồng, rồng thì bơi giỏi, nên cử cậu vào đội 10 chiến sỹ đi trinh sát, phải vượt sông Cam Lộ.
Đêm tối đen mịt, đến bờ sông, chúng tôi cởi hết quần áo, balô, súng đạn gói kín vào tấm ni lông Trung Quốc thành cái phao, tồng ngồng nhảy xuống nước, bơi qua sông. Cập bờ bên kia, lau người tạm khô, ba lô súng đạn trên lưng, chúng tôi tiến về phía Cửa Việt. Trời mưa lất phất, đường ruộng sống trâu, trơn như đổ mỡ, đêm cuối tháng, trời tối đen như mực, chẳng ai nhìn thấy ai. Chúng tôi nối đuôi nhau bước dò dẫm. Bỗng "huỵch, huỵch", giẫm phải vật gì đó mà đường đất quá trơn, tôi ngã cùng ba lô nặng trên lưng.
Đôi dép cao su văng đi đâu mất. Cả bọn cùng mò mẫm tìm quanh nhưng không thấy. Đi chân đất trong rừng hay lội suối thì được, xong tôi không thể đi chân không dép trên đường trơn sống trâu, vài bước là trượt ngã với ba lô súng đạn. Hay là loại lính công tử Hà Nội mặc áo nỉ lông, phóng xe máy Peugeot bát phố như tôi không quen đi đất? Chắc không phải vậy vì bốn năm rèn luyện ở trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, mấy tháng huấn luyện tân binh với những ngày đêm hành quân vào chiến trường đã làm tôi quen vượt gian khó. Ngồi xổm, hai tay quờ quạng tìm dép trên thửa ruộng lúa đã gặt mãi không thấy. Mò mẫm suốt đêm, đến rạng sáng thì thấy mỗi chiếc một nơi, chỏng trơ ở góc ruộng.
Chán ê ẩm, tôi đành quay trở lại đơn vị. Chẳng kỷ luật phê bình gì hết vì thời chiến, đâu có thì giờ mà họp hành kiểm điểm, đấu đá nhau như ở các cơ quan sau này. Vả lại, tôi đâu có lỗi gì. Chỉ tiếc là lúc bơi sông lên mặc quần áo, tôi làm rơi mất tấm ảnh cô bạn gái. Lính trẻ chúng tôi vào chiến trường, chẳng biết sống chết lúc nào, luôn mang theo kỷ vật của người thân. Những tấm ảnh là nguồn động viên hữu hình giúp người lính lạc quan về tương lai đoàn tụ tươi sáng. Ra trận, tôi không sợ chết, vì coi như là một giấc ngủ dài, chỉ sợ nhất bị thương cụt mất một ngón tay, không chơi được đàn accordéon.
...Thấm thoắt đã 45 năm trôi qua, nhưng những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, Ái Tử, cao điểm 241, 544, thành cổ Quảng Trị, Đầu Mầu, đường Chín... của cuộc chiến ác liệt vẫn khắc sâu trong trong tâm trí tôi. Sau 1975, vào Sài Gòn, tôi gặp anh Hoàng Cơ Môn, con bác sỹ Hoàng Cơ Bình (1909 - 1988) - nguyên Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Bắc Việt, ứng cử viên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tháng 9/1967.
Thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn |
Bố tôi là con nuôi cụ Hoàng Huân Trung (1877 - 1950), cựu tuần phủ, hội trưởng Hội Khai trí Tiến Đức, thân sinh của bác sỹ Hoàng Cơ Bình, nên bố tôi mới lấy họ Hoàng làm tên đệm: Thẩm Hoàng Tín (1909 - 1991, Thị trưởng Hà Nội năm 1950 - 1952). Anh Hoàng Cơ Môn làm phóng viên chiến trường của quân đội Việt Nam Cộng hòa, năm 1972, tác nghiệp tại chiến trường Quảng Trị. Hai anh em nói chuyện với nhau, tôi bảo: Lúc đó mà gặp anh, đâu biết ai là ai, có khi cũng "tiu" nhau rồi đấy. Cả hai cùng cười.
Năm 1973, chúng tôi được lệnh đón tiếp "Các anh em chiến thắng trở về" bên bờ sông Thạch Hãn. Hiệp định Paris quy định phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa trao trả toàn bộ tù binh phi công Mỹ, phía Việt Nam Cộng hòa trao trả những tù binh Bắc Việt...
Bờ phía Nam Thạch Hãn, lá cờ vàng ba sọc đỏ rất to, bay chầm chậm theo chiều gió, phát loa bài hát: "Ngày trở về anh bước lê trên quãng đường đê sau lũy tre nắng vàng hoe, vườn rau trước hè chờ đón ngày về..." (Phạm Duy). Phía bờ Bắc, lá cờ đỏ sao vàng to không kém, vang lừng các ca khúc cách mạng sôi nổi.
Nhìn sang bờ Nam, thấy một núi quần áo màu nâu, quần áo tù các anh đã trút bỏ. Đợt đầu tiên, chúng tôi lội ra mép sông, cõng những anh tù binh thương binh, cụt chân tay vào bờ. Thương quá các anh - Ngày trở về, mất một phần thân thể!
Những năm 80 thế kỉ trước, mỗi chuyến đi công tác từ Hà Nội vào Sài Gòn bằng tàu hỏa qua sông Thạch Hãn, tôi luôn đứng ngoài hành lang cửa sổ hoặc chỗ nối toa, ngắm nhìn dòng sông với bao cảm xúc, kỷ niệm dạt dào của những năm tuổi trẻ.
Sau 30 năm định cư tại Paris, những kỷ niệm về các dòng sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, sông Hồng cuộn sóng quê hương tôi, đến sông Seine nước xanh lam thơ mộng quyện hòa trong xúc cảm. Sông Seine, với anh cả Tháp (Tour) Eiffel kiêu hãnh đứng chống nạnh soi bóng xuống Mẹ Seine đã chứng kiến những tên phát xít Đức cuối cùng tháo chạy khỏi Paris năm 1944, không thể không liên tưởng đến người em hai. Đó là Cầu Long Biên Hà Nội (cùng một kiến trúc sư thiết kế) như tháp Eiffel nằm ngang, duỗi dài trên Mẹ sông Hồng cuộn sóng, đã đếm đến người lính Pháp cuối cùng rời Hà Nội năm 1954.
Thẩm Hoàng Long đứng bên sông Seine, phía sau là Nhà thờ Đức Bà Paris |
Mọi thứ đã trôi qua. Nhưng tình yêu thương sẽ mãi trường tồn, như nước của các dòng sông không bao giờ ngừng chảy.