| Hotline: 0983.970.780

Từ thông tin giải cứu 15 “nô lệ” người Việt ở Costa Rica: Mong sao con sớm trở về

Thứ Hai 19/04/2010 , 10:43 (GMT+7)

Thân nhân gia đình các thuyền viên đang lo lắng cho con em của mình

Dẫn theo thông tin từ tờ nhật báo địa phương La Nacio (Costa Rica) cho biết ngày 11/4, cảnh sát Costa Rica bố ráp 2 thuyền đánh cá ở thành phố Puntarenas, thủ phủ tỉnh miền tây Puntarenas bên bờ Thái Bình Dương và đã giải cứu thành công 36 người châu Á ra khỏi cảnh lao động khổ cực trên hai chiếc thuyền này, trong đó có 15 người Việt.

Những người lao động đều trong tình trạng ốm yếu, kiệt sức và đã được đưa đến điều trị tại bệnh viện ở Puntarenas và có thể sẽ được nhà chức trách Costa Rica đưa về nước trong thời gian tới.

Trong số 15 lao động Việt Nam được giải cứu, thì có 3 trường hợp là đó là Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Hường đều trú ở thôn Xuân Hoà (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình). 3 trường hợp này được ký hợp đồng lao động với Cty CP xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC), được đưa sang làm việc trong thời gian 3 năm trên tàu Vương Gia Môn của Đài Loan. Tiền lương nhận được hằng tháng là 250 USD khi lao động ở nước ngoài. Chủ tàu sẽ phát lương trực tiếp 20 USD/tháng, số còn lại sẽ được chủ tàu chuyển về VN cho các thuyền viên thông qua cty tuyển dụng lao động. Thực tế, các gia đình của 3 thuyền viên nói trên đã nhận được lương quí II, III, IV của năm 2009 với số tiền 30,6 triệu đồng thông qua Cty TNHH Vĩnh Nam (Cty môi giới lao động).

PV NNVN đã có cuộc tiếp xúc với thân nhân của 3 thuyền viên tại gia đình bà Nguyễn Thị ban (thôn Xuân Hòa - xã Quảng Xuân) là mẹ của thuyền viên Nguyễn Văn Dũng. Với vẻ mặt đầy âu lo, bà Ban cho biết: “Cả gia đình rất bất ngờ khi nhận được thông tin con trai được giải cứu khi đang bị cưỡng bức lao động khổ sai trên thuyền đánh cá bên tận nước xa xôi nào đó. Sau khi đi chuyến đánh cá thứ 2, Dũng có liên lạc về cho gia đình. Đến tháng 9/2009 đến nay thì bặt không tin tức. Gia đình thấy lo, đi hỏi gia đình của Hường và Thắng thì cũng tương tự, không có đứa mô liên lạc chi hết.

Ai cũng thầm mong là con mình đang lao động bình thường ở trên thuyền Đài Loan...”. Bà Ban cũng cho biết trước lúc Dũng đi, gia đình có vay 70 triệu đồng, chi phí cho Dũng đi tất tần tật hết 30 triệu, còn lại 40 triệu dùng chi phí điều trị bệnh tắc tĩnh mạch cho ông Đồng (bố đẻ thuyền viên Dũng). Tất cả hy vọng và trông chờ vào tiền công của Dũng gửi về trả nợ. Nay nhận được hung tin, bà Ban cũng như mọi người trong gia đình đều lo hoảng lên. “Thôi thì không trông chờ cháu nó mang tiền về trả nợ nữa mà mong sao cho cháu được trở về bình an” - bà Ban nói trong nỗi lo và hy vọng...

Ngày 18/4, trao đổi với NNVN, ông Hoàng Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân (Quảng Trạch-Quảng Bình) cho hay: Đến nay, chính quyền địa phương chưa nhận được thông tin hay văn bản nào của cơ quan chức năng về 3 trường hợp con em địa phương đi lao động xuất khẩu trên thuyền đánh cá bị đánh đập, ép lao động quá sức.

Bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ thuyền viên Thắng) cũng hết đứng lại ngồi không yên thân. Ngồi thần người ở cửa nhà, bà thở ra: “Mấy tháng liền không có tin tức chi nhưng cũng cứ tưởng mấy đứa nó đang làm ăn yên trên thuyền rồi. Nào ngờ cơ sự như vậy...”.

Vợ chồng bà Hoa không có nhà riêng, đang phải ở nhờ nhà của người anh ruột bà Hoa trong làng. Để có hy vọng đổi đời cho con và gia đình, hai vợ chồng chạy vạy vay được ngân hàng 38 triệu đồng rồi nộp thủ tục xuất khẩu cho con hết 12 triệu đồng, số tiền còn lại cũng chi phí hết cho việc đi lại của Thắng.  "Con về sớm được là mừng nhiều rồi. Nhưng còn cục nợ ngân hàng rồi không biết bấu víu vô cái chi mà trả. Tội cho con lắm, tưởng được đỡ đần ra chứ không ai ngờ ôm cả cục nợ lớn...”-bà Hoa nói trong nước mắt

Ông Nguyễn Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Hồng (ba mẹ của thuyền viên Nguyền Văn Hường) cũng trong tình cảnh khó khăn. Cả hai ông bà lặng người khi nghe tin về con trai và món nợ vay chi phí cho Hường đi còn lại gần 20 triệu đồng.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất