| Hotline: 0983.970.780

Tự tình nhiều nước mắt

Thứ Năm 23/10/2014 , 08:10 (GMT+7)

Nhắc đến NSƯT Đức Long, khán giả nhớ về một giọng hát trầm ấm nhưng lại phảng phất nỗi buồn của một người đàn ông trưởng thành và trải qua nhiều mất mát.

Anh tự nhận, cuộc đời mình cũng đầy số phận như chính giọng hát, nhưng không lấy đó làm thiệt thòi, mà tự thấy may mắn với nghiệp cầm ca: Chính giọng hát giúp tôi lấy lại thăng bằng cuộc sống.

Rất ít khi thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, cuộc đời anh, hành trình từ một cậu bé mồ côi 8 tuổi đến khi thành một ca sĩ nổi tiếng chỉ gói gọn trong ba từ “nhiều nước mắt”. Một quãng thời gian nhiều nhọc nhằn, biến cố mà Đức Long ít muốn nhắc lại.

"Tôi chỉ là người thợ hát". Đức Long thường bảo thế. Sự nghiệp ca hát của anh rất tình cờ, như là số phận.

13-19-43_duclong
NSƯT Đức Long

Khởi nguồn từ một buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn công nhân mỏ Hòn Gai (Quảng Ninh) và Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân. Khi tiếng hát của anh công nhân Đức Long với “Chiều chia tay trên bến cảng” cất lên, lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Phòng không - Không quân lập tức thuyết phục anh rời bỏ các khu hầm mỏ gia nhập đoàn.

Đức Long là người rất tin vào cung mệnh, duyên số. Ngay cả những biến cố gia đình vì chữ “duyên”.

Anh từng có một đời vợ. Chị là diễn viên của một đoàn kịch. Hai người đến với nhau bằng sự say đắm của một thời tuổi trẻ. Nhưng tình yêu thiếu “duyên nghiệp” ấy cũng không níu giữ được hạnh phúc gia đình. Họ chia tay mà không ai biết được lý do vì sao.

“Ngày ra tòa ký vào giấy ly hôn, hai đứa còn dắt nhau đi uống cà phê rất vui vẻ. Tâm thế của những người bạn ngồi nói chuyện với nhau, không dằn dỗi, trách móc gì cả. Mọi thứ qua đi nhẹ như làn sương. Vẫn tâm tình qua điện thoại, tin nhắn mỗi khi nhớ về nhau nhưng cả hai không hề có ý định tái hợp”. Anh kể thế rồi bảo: "Có lẽ do duyên số bọn mình chỉ đến đấy thôi".

Mất mát, day dứt, ân hận lớn nhất của NSƯT Đức Long sau cuộc hôn nhân có phần kỳ lạ ấy là việc họ mất đi đứa con, điều “đáng tiếc nhất trong cuộc đời”.

Cay đắng ở chỗ, khi ấy, vợ anh đang mang bầu và đứng trước cơ hội được vào biên chế của một đoàn nghệ thuật, họ phải từ bỏ giọt máu của mình.

Tôi hỏi Đức Long sau ngần ấy năm, sao không kiếm tìm cho mình một tình yêu mới? Anh trầm ngâm rít thuốc rồi nói không muốn làm khổ thêm bất kỳ một ai nữa. Vẫn có những người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ với anh tách cà phê buổi sáng, chia sẻ hơi ấm những đêm đông, nhưng chỉ dừng lại ở đó mà thôi.

Ngày ngày, người đàn ông hơn 50 tuổi lặng lẽ với công việc giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. “Tôi nghĩ mỗi người có số phận riêng, trong âm nhạc và trong cả cuộc sống thường ngày. Với tôi có thể ở một mình nhưng không cô đơn, đã có âm nhạc đã lấp đầy cuộc sống rồi”, anh tâm sự.

Đời đã vậy, chuyện nghề cũng khó khơi gợi để Đức Long nói nhiều, anh chỉ tâm sự: “Những người ở tuổi của tôi không làm âm nhạc vì tiền, hay gây sự ồn ào để người ta chú ý. Tên tuổi của chúng tôi gắn liền với loa phóng thanh, những ca khúc tiền chiến và niềm tin khi cất giọng hát lên mọi người sẽ nhận ra. Chỉ như thế tôi cũng đã đủ mãn nguyện rồi”.

Là một lãng tử nên anh ngại cả việc định giá cho công việc của mình. Đức Long không quen với việc hét hò cát-xê cao hay thấp, luôn tự nhận mình thuộc loại nghệ sĩ nghèo. Với tài năng, bao nhiêu năm làm nghề, cần mẫn, chăm chỉ, liệu có ai tin rằng Đức Long vẫn chưa đủ tiền để mua một chiếc xe máy?

 Chính vì vậy, Đức Long nói về liveshow sắp tới của mình bằng sự hân hoan. Để có được buổi đầu tiên đứng trên một sân khấu thật sự của riêng mình là nhờ sự giúp đỡ của những người học trò thành đạt. Với Đức Long thế là “giàu lắm rồi”.

“Mỗi khi nhắc đến cái tên Đức Long, mọi người thường đề cập nhiều đến chuyện riêng mà ít nói về âm nhạc, về niềm đam mê của tôi. Chính vì vậy, tôi muốn tổ chức một liveshow để tri ân Hà Nội - nơi tôi đã tạo dựng sự nghiệp.

Ngoài ra, cũng là tri ân khán giả, những người đã yêu mến dòng nhạc tôi theo đuổi, của những nhạc sĩ gạo cội và yêu mến tôi. Đồng thời, để cho mọi người thấy một cá tính âm nhạc chưa từng thay đổi”, Đức Long tâm sự.

Trả lời câu hỏi liệu việc hát liền 25 ca khúc trong một liveshow có quá sức với một nghệ sĩ ở độ tuổi này, NSƯT Đức Long thẳng thắn: “Tôi cảm thấy mình đang ở độ chín của nghề hát. Người xưa nói “thầy già, con hát trẻ”, điều đó chỉ đúng một nửa. Bởi khi người ta có sự trải nghiệm của về tuổi đời, tuổi nghề, sẽ hát vừa tai khán giả hơn”.

“NSƯT Đức Long - 35 năm hát tự tình” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 26/10 vẫn sẽ là những ca khúc tiền chiến từng giúp anh gây dựng tên tuổi. Sẽ rất đáng chờ đợi bởi chủ nhân ngày hôm ấy thừa nhận: “Đây là liveshow đầu tiên mà cũng có thể là cuối cùng của tôi”.

Liveshow chia làm 3 phần: Những tình khúc, những ca khúc về Hà Nội và tác phẩm của những nhạc sĩ gạo cội.

Đó là những tình khúc, những bài hát về Hà Nội của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Trần Tiến, Phú Quang... Điểm nhấn  đêm nhạc chính là sự kết hợp giữa anh và 2 ca sĩ trẻ: Minh Thu với “Như đã dấu yêu” và Ngọc Anh với “Khi giấc mơ về”.

 

Xem thêm
Nhà văn Đào Thắng vẫy tay chia biệt ‘dòng sông mía’

Nhà văn Đào Thắng, tác giả tiểu thuyết ‘Dòng sông mía' nổi tiếng viết về nông thôn Bắc bộ, vừa qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 79 tuổi.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.