| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 12/07/2018 , 06:20 (GMT+7)

06:20 - 12/07/2018

Tử tội có thể hiến tạng không?

TAND TP.HCM vừa xét xử sơ thẩm vụ án thảm sát 5 người trong một gia đình tại quận Bình Tân vào dịp Tết Mậu Tuất vừa qua.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình (sinh năm 2000) đã bị tuyên án tử hình vì hành vi mà theo hội đồng xét xử nhận định “đặc biệt nghiêm trọng, không còn khả năng cải tạo nên cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội vĩnh viễn”. Hình phạt ấy không oan uổng gì, và chắc chắn bị cáo Nguyễn Hữu Tình cũng không kháng án.

Điều đáng quan tâm ở đây là khi nói lời cuối cùng, bị cáo Nguyễn Hữu Tình bày tỏ mong muốn được hiến tạng sau khi thi hành án. Nguyện vọng có tính nhân văn của một tử tội, chính là một câu hỏi không chỉ dành riêng cho ngành tư pháp.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình được dẫn giải tới toà sáng 9/7/2018

Theo quy định pháp luật, "người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác". Thế nhưng, tử tội như Nguyễn Hữu Tình có thể hiến tạng không? Tâm lý e ngại cho người được hiến tạng phải chấp nhận một bộ phận cơ thể của tử tội, là có thật. Tuy nhiên, quan trọng hơn là cơ thể của tử tội lại không đáp ứng được tiêu chuẩn sạch của khoa học ghép tạng. Bởi lẽ, hình thức tử hình được áp dụng hiện nay là tiêm thuốc độc. Một khi cơ thể đã bị ngấm thuốc độc thì các bộ phận đều không đủ mức độ an toàn để ghép tạng cho người khác!

Cần minh định rằng, hành vi của tử tội không thể nào tha thứ, song nguyện vọng hiến tạng của tử tội rất nên ủng hộ. Hãy ghi nhận điều ấy như một tín hiệu lương thiện duy nhất còn sót lại của một kẻ đã nhúng tay vào tội ác ghê rợn.

Thật may mắn cho xã hội, nếu những bộ phận trên cơ thể tử tội có thể cứu vớt số phận của những người bất hạnh xung quanh. Tại sao không hy vọng, giác mạc của tử tội sẽ đem lại ánh sáng cho một người đang khiếm thị? Tại sao không hy vọng, gan hoặc thận của tử tội sẽ giúp hồi sinh người nọ hoặc người kia đang chới với bên miệng vực chia lìa dương gian?

Trên cuộc đời, những trắng đen, những phải quấy, những lành dữ đều được tuần hoàn và bồi đắp. Biết đâu, từ nguyện vọng hiến tạng của tử tội, cộng đồng có được một cô giáo viên rời giường bệnh nhọc nhằn để tiếp tục bước lên bục giảng gieo từng nét chữ cho trẻ em vùng sâu vùng xa? Biết đâu, từ nguyện vọng hiến tạng của tử tội, cộng đồng có được một anh nông dân lấy lại sức khoẻ để tiếp tục cần cù cày bừa cánh đồng quen thuộc? Biết đâu, từ nguyện vọng hiến tạng của tử tội, cộng đồng có được một chị công nhân thoát khỏi giai đoạn suy kiệt đau ốm triền miên để tiếp tục chăm chỉ lao động trong xưởng dệt bình yên?

Lòng trắc ẩn là một báu vật luôn được con người gìn giữ qua từng thế hệ. Để tử tội có thể thực hiện nguyện vọng hiến tạng, có lẽ đã đến lúc Luật Thi hành án hình sự phải nghiên cứu và đưa ra một phương pháp xử lý mới dành cho tội phạm nhận án tử hình!