| Hotline: 0983.970.780

Tự trộn thức ăn: Lối thoát cho người chăn nuôi

Thứ Sáu 08/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Khi mà những công thức pha trộn thức ăn chăn nuôi (TĂCN) không còn là bí mật, các DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN lại “hầu” chủ trang trại tận chân răng, xu thế tự pha trộn TĂCN đang là lối thoát cho người chăn nuôi nhằm thoát khỏi tình trạng phải nuôi đại lí.

Nếu như tại các vựa chăn nuôi ở phía Nam, tự trộn thức ăn đã không còn lạ lẫm thì tại phía Bắc còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, với lợi thế giúp hạ giá thành chăn nuôi từ 15-20%, đây sẽ là hướng đi nở rộ tại các vùng chăn nuôi lớn tại phía Bắc. Một số địa phương hiện cũng đã có chính sách hỗ trợ giúp người chăn nuôi tiếp cận hình thức này.

Giảm giá thành

Ngoài giá lợn hơi phía Nam luôn nhỉnh hơn phía Bắc, sở dĩ mấy năm nay, người nuôi lợn phía Nam vẫn đứng vững, trong khi người chăn nuôi phía Bắc thường gặp cảnh lao đao có nguyên nhân lớn bởi họ đang phải “nuôi miệng” các Cty TĂCN quá nhiều khiến giá thành đội lên quá cao. Tuy nhiên hiện nay, các Cty TĂCN đã bắt đầu hết thời làm mưa làm gió, khi nhiều DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN đang tấn công trực tiếp vào các trang trại bằng phương thức tự trộn.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một chủ trang trại tại TX Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đánh giá: Chưa bao giờ, lực lượng tiếp thị, chăm sóc khách hàng của các DN nhập khẩu nguyên liệu TĂCN lại đông đảo và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Họ vào tận các trang trại chào mời mua nguyên liệu, tất tần tật từ ngô, khô đậu tương, bột cá, tấm, premix các loại… chẳng thiếu thứ gì. Máy trộn thức ăn, quy trình pha trộn TĂCN thế nào họ cũng có sẵn.

Chỉ cần chủ trang trại gật đầu một cái là các Cty cử ngay nhân viên kỹ thuật xuống tận nơi “nằm vùng” hàng tháng liền, đảm bảo bao giờ “thượng đế” rành rọt mọi thao tác vận hành, nắm vững mọi kỹ thuật, công thức pha trộn mới thôi. Chiêu bài của các Cty này thế nào chẳng rõ, nhưng tính ra thì người chăn nuôi có lợi rất lớn.

Anh Tuấn phân tích: Trước đây, với trang trại hơn 1.700 lợn thịt, anh phải mua hoàn toàn cám công nghiệp của các Cty TĂCN với lượng từ 50-60 tấn/tháng. Nếu tính như giá thời điểm này, cám dành cho lợn thịt (từ 20-70kg) mua của NM TĂCN chuyển tới tận trang trại trung bình lên tới 11.000 đ/kg, thì cám tự trộn có cùng công thức dinh dưỡng tính ra chỉ khoảng 9.500 đ/kg, rẻ hơn cám đóng bao từ 1.000 – 1.500 đ/kg. Tính toán, thời điểm này, mỗi đầu lợn xuất chuồng sử dụng cám tự trộn có thể giảm được giá thành 370 – 400 nghìn, tương đương 15 – 18% so với sử dụng cám đóng bao của các NM.

“Trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đây là xu hướng rất tốt, và cũng là tất yếu để các trang trại có thể hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh” – anh Nguyễn Tuấn nói.

Được biết, mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ riêng nhằm thúc đẩy chăn nuôi nông hộ, theo đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/máy nghiền trộn TĂCN cho các hộ chăn nuôi. Đến nay, đã có gần 2.000 máy nghiền trộn được triển khai hỗ trợ cho các trang trại ở tỉnh này.


Tự trộn TĂCN giúp giảm ít nhất 15% giá thành 

Hết thời đại lí TĂCN?

Trong khi tỉ lệ các trang trại tự trộn TĂCN đang ngày càng tăng lên nhanh chóng thì phần lớn các trang trại có quy mô trung bình trở lên hiện nay đã tiếp cận trực tiếp với các NM TĂCN để mua hàng giá gốc. Điều này khiến lực lượng đại lí TĂCN không còn hốt bạc dễ dàng như xưa.

Tại các vùng chăn nuôi tại Hưng Yên, để tìm ra những hộ nuôi dưới 1.000 gia cầm hay 100 đầu lợn thịt là điều khá khó khăn. Đây cũng là khu vực mà cuộc cạnh tranh giành giữ khách hàng giữa các đại lí TĂCN hết sức gay gắt.

Anh Hà, một chủ đại lí TĂCN cấp I tại thị trấn Văn Giang (Hưng Yên) than thở: Dân chăn nuôi nhỏ không còn nên đại lí cấp II gần như đã giải tán. Trước đây, các NM TĂCN chỉ bán cám cho những anh đại lí cấp I, có ấn định mức tiêu thụ hàng trăm tấn/tháng trở lên. Thế nhưng bây giờ, lượng sử dụng TĂCN đóng bao giảm mạnh, các NM TĂCN lại nhan nhản nên NM nào cũng quyết giữ doanh thu.

Vì vậy, những anh trang trại từ 500-600 đầu lợn thịt trở lên, mỗi tháng tiêu thụ chỉ 10-20 tấn cám thôi, các NM TĂCN cũng sẵn sàng cấp mã số, bán thẳng với giá gốc, rồi chiết khấu, khuyến mãi đàng hoàng chẳng khác gì đại lí. Các đại lí cấp I thành ra chỉ còn giữ được một lượng nhỏ khách hàng là trang trại trung bình và nhỏ, nhưng cũng không còn dễ kiếm ăn.

“Trước đây, các NM cám còn ít, khách hàng nhiều nên các đại lí cấp I thường được hưởng nguyên chiết khấu (thường là 3-4%). Còn bây giờ, các đại lí cấp I phải tranh nhau giữ khách, thậm chí khoản chiết khấu 3% cũng chẳng còn được hưởng hết, mà phải chia bớt cho trang trại 1-1,5%. Không làm thế thì trang trại nhảy qua mua cám hãng khác ngay” – chủ đại lí tên Hà ngán ngẩm.

Anh Tô Văn Thế, thôn Phúc Thọ, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang, Hưng), một chủ trang trại có 2.000 gà mái đẻ, quy mô gọi là cỡ bé nhất ở vùng chăn nuôi này. Nói về cánh đại lí TĂCN, anh Thế bảo: Trước đây, sở dĩ anh đại lí nào cũng giàu là bởi dân tù mù thông tin, còn bây giờ thị trường TĂCN là “thế giới phẳng” rồi.

Chẳng hạn trước đây, khoản chiết khấu 3-4% của NM TĂCN cho đại lí hưởng đã đành rồi, nhưng khoản khuyến mãi, thường là 100 đồng/kg, có khi tới 500 đ/kg nhưng mấy ông đại lí cũng nhẹm đi. Còn bây giờ, phía NM TĂCN tung khuyến mãi một cái thì ông trang trại nào cũng tỏ tường nên mấy ông đại lí hết đường chối.

“Do mỗi tháng trại tôi chỉ tiêu thụ hết 3-4 tấn TĂCN nên chưa thể mua thẳng từ NM mà vẫn phải thông qua đại lí cấp I. Tuy nhiên sắp tới, chúng tôi đang có kế hoạch liên kết với một số anh em chăn nuôi nhỏ trong xã để lập mã số khách hàng riêng, không cần qua đại lí nữa” – anh Thế cho biết.

Anh Nguyễn Đình Tung, một chủ trại lợn hơn 1.000 lợn thịt tại xã Lạc Hồng (Văn Lâm, Hưng Yên) thì phân tích: Trước đây, trại anh mỗi tháng mua tới 30-40 tấn cám/tháng đều phải qua đại lí cấp I. Tuy nhiên mấy năm nay, một mặt anh đã tự pha trộn thức ăn cho lợn thịt nên chỉ còn phải mua thức ăn cho lợn con và lợn nái, một mặt anh trực tiếp thuê xe mua cám tận NM TĂCN nên tiết kiệm được rất lớn. Trại nào được nhập thẳng cám qua NM TĂCN sẽ có mã số khách hàng, được hưởng toàn bộ chiết khấu, khuyến mãi y như đại lí cấp I.

“Chỉ nguyên tiền chiết khấu 3%, mỗi tháng trung bình tôi tiết kiệm được từ 4-5 triệu đồng, nếu cộng cả tiền khuyến mãi, mỗi tháng bớt chi phí được tới 5-6 triệu đồng so với mua đại lí cấp I như trước đây” – anh Tung tiết lộ.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm