| Hotline: 0983.970.780

Từ vụ chùa Bồ Đề: Đường đi của giấy chứng sinh khống

Thứ Năm 14/08/2014 , 15:28 (GMT+7)

Một chi tiết đáng chú ý là tại nơi ở của Nguyệt tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, lực lượng CA thu giữ được một số giấy chứng sinh chứng thực việc Nguyệt đã sinh con, thậm chí sinh đôi của một số BV, trạm y tế… trong khi đối tượng này không có khả năng sinh con

Trong vụ mua bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề, hai đối tượng bị bắt là Phạm Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thanh Trang đã bị khởi tố bị can về hành vi “Mua bán trẻ em” theo Điều 120 BLHS. Tuy nhiên, một chi tiết đáng chú ý là tại nơi ở của Nguyệt tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, lực lượng CA thu giữ được một số giấy chứng sinh chứng thực việc Nguyệt đã sinh con, thậm chí sinh đôi của một số BV, trạm y tế… trong khi đối tượng này không có khả năng sinh con cũng như thừa nhận tại CQĐT là tất cả những đứa trẻ Nguyệt đã và đang nuôi dưỡng đều là con nuôi, nhận từ chùa Bồ Đề và một số nơi khác.

Vậy ai là người đã giúp Nguyệt có được những giấy chứng sinh khống để đối tượng này hợp thức hóa việc khai sinh cho các cháu bé bị bỏ rơi?

Vô sinh mà có... 3 con?!

Phạm Thị Nguyệt, SN 1979, quê ở xã Hòa Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình (trong một số giấy tờ lại thể hiện Nguyệt SN 1970), đã từng có một đời chồng và đang chung sống cùng lúc với hai người đàn ông tên Vũ và Hữu.

Đối với hai người đàn ông, mặc dù không có khả năng sinh nở, nhưng do có thời gian xa nhau khá lâu nên Nguyệt đã nói dối mình sinh ba đứa con, cháu Đức Anh, 22 tháng tuổi và sinh đôi cháu Gia Hân, Gia Bảo (Cù Nguyên Công) vào cuối năm 2012.

Mặc cho bố mẹ đến tận quê của Nguyệt xác minh, đưa về hàng loạt bằng chứng cho thấy Nguyệt đã có chồng, không sinh được con nhưng Hữu vẫn một mực đi theo người đàn bà này, thậm chí còn đi đăng kí kết hôn với cô ta và yêu cầu gia đình nhận 3 đứa trẻ Nguyệt nuôi là cháu nội. Khi cháu Cù Nguyên Công mất, Hữu cũng gọi gia đình lên đưa cháu về quê mai táng. Còn Vũ, hết lòng tin tưởng Nguyệt mà không hay biết, người này cùng lúc sống chung cả với Hữu. Vũ đã bị Nguyệt lừa lấy 40 triệu đồng nói là để đi làm xét nghiệm và thụ tinh trong ống nghiệm.

Gặp nhau tại CQĐT, cả Vũ và Hữu mới ngỡ ngàng nhận ra bộ mặt thật của người phụ nữ mình từng yêu thương.

Trong những ngày đầu bị bắt, Nguyệt tỏ ra lì lợm và không khai báo thành khẩn. Đối tượng này nói dối quanh về nguồn gốc của hai đứa trẻ nuôi, chối bay chối biến việc tham gia mua bán cháu Cù Nguyên Công và đã để cháu Công tử vong do bệnh sởi.

Toàn bộ những giấy tờ tìm thấy ở nơi Nguyệt thuê trọ, gồm nhiều giấy chứng sinh mang tên cô ta và một số người khác, giấy khai sinh, giấy cam kết cho con làm con nuôi của mẹ đẻ cháu Gia Hân, nhưng tên người nhận vẫn còn để trống, nhiều giấy tờ khác thể hiện việc gửi, rút tiền từ các tài khoản ngân hàng với số tiền rất lớn và cả đơn đề nghị được làm thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm của chính Nguyệt.

Qua đấu tranh với Nguyệt, đối tượng thừa nhận không sinh nở được, mất thiên chức làm mẹ và tất cả các giấy chứng sinh mang tên cô ta, chứng nhận việc Nguyệt đẻ sinh đôi hai cháu trai được BV Sản – nhi tỉnh Ninh Bình cấp và giấy chứng sinh cho hai cháu bé Gia Hân, Đức Anh được Trạm y tế xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cấp là do mua mà có.

Nguyệt nói ráo hoảnh về những tờ giấy chứng sinh: “Các anh chị bác sỹ trong BV thấy em không sinh nở được nên thương, làm phúc cấp giấy chứng sinh cho em để đủ thủ tục đi khai sinh là mẹ của các cháu”. Nhưng ngay sau đó, khi được hỏi mất bao nhiêu tiền để mua các giấy chứng sinh nói trên, Nguyệt nói: “Không đáng bao nhiêu”.

 

Đường đi của những giấy chứng sinh khống

Tại BV Sản – nhi tỉnh Ninh Bình, PV đã có cuộc làm việc với bác sỹ Nguyễn Quang Cảnh, Phó GĐ BV cho biết: Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cũng đã làm việc với BV vấn đề liên quan đến các giấy chứng sinh mang tên Phạm Thị Nguyệt. Theo đó, trong giấy chứng sinh SN 1979, quê ở xã Hòa Khánh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã sinh con lần thứ 3 (?!) với 2 cháu trai vào ngày 10-9-2013 tại Khoa Sản, BV. Người đỡ đẻ là điều dưỡng viên Tú Anh, thủ trưởng cơ sở y tế ký tên trên giấy chứng sinh này là bác sỹ Phạm Văn Dậu, Phó GĐ BV, số bệnh án là 43899. Sau khi tra soát tất cả các hồ sơ và thông tin trên Giấy chứng sinh số 43899 tại sổ ra vào viện của khoa Sản, hệ thống phần mềm quản lý BV để rút hồ sơ bệnh án trong năm 2012 nhưng không có bệnh án nào trùng khớp các thông tin trên giấy chứng sinh số 43899 mang tên Phạm Thị Nguyệt có địa chỉ như trên.

Qua sàng lọc thông tin, PV được biết ngày đến xin giấy chứng sinh của Phạm Thị Nguyệt chậm hơn so với thời điểm sinh khoảng gần 1 tháng.

Để xác minh thông tin có hay không việc lấy bệnh án của sản phụ khác, điền tên Phạm Thị Nguyệt, chúng tôi đã đề nghị BV cung cấp thông tin của các sản phụ mang song thai và sinh con tại khoa Sản – nhi trong thời gian trước, sau thời điểm ghi trên giấy chứng sinh của Nguyệt.

Kết quả hết sức bất ngờ, vào ngày 26-9-2012, sản phụ Phạm Thị Lam, SN 1973, trú tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình cũng vào khoa Sản – nhi sinh con. Chị Lam mang song thai và đã sinh hai con trai nặng 2,8 và 2,6 kg và cũng là trường hợp sinh con lần thứ 3, người trực tiếp đỡ đẻ cũng là điều dưỡng viên trưởng Tú Anh.


Trưởng khoa Sản - nhi, BV Sản - nhi Ninh Bình khẳng định, điều dưỡng viên trưởng Tú Anh đã ghi nhầm hoặc bỏ qua quy trình làm việc.   Ảnh: PV

Đề nghị gặp trực tiếp chị Tú Anh và bác sỹ Trưởng khoa Sản – nhi để hỏi về quy trình cấp giấy chứng sinh của BV cũng như những nghi vấn liên quan đến việc cấp giấy chứng sinh khống cho Nguyệt được lãnh đạo BV tạo điều kiện giúp đỡ. Trao đổi với PV, bác sỹ Đặng Thị Cúc, Trưởng khoa Sản – nhi cho biết: Quy trình cấp giấy chứng sinh của BV và khoa được thực hiện hết sức chặt chẽ, vì đây là việc liên quan đến sự xuất hiện của một con người. Khi các sản phụ sinh con tại BV, đều có hồ sơ ban đầu. Ngay khi sản phụ sinh con, nữ hộ sinh hoặc người đỡ đẻ cho sản phụ sẽ trực tiếp làm giấy chứng sinh ghi rõ tên tuổi, quê quán của sản phụ, ngày giờ sinh, tên dự kiến của cháu bé, sau đó ký tên vào phần người đỡ đẻ, cầm toàn bộ hồ sơ của sản phụ trình lên cho bác sỹ phụ trách khoa xem, kiểm tra rồi mới đưa lên cho lãnh đạo BV kiểm tra cả hồ sơ đồng thời ký giấy chứng sinh để trả cho sản phụ.

Theo bác sỹ Đặng Thị Cúc, nếu không phải trực tiếp sản phụ lấy giấy chứng sinh thì phải là người nhà được ủy quyền, có CMND, hộ khẩu. Trường hợp mất giấy chứng sinh xin cấp lại, phải có đơn được cấp xã, phường xác nhận nơi cứ trú, HKTT mang đến BV. Khoa Sản – nhi sẽ xem lại tất cả các hồ sơ giấy tờ gốc của sản phụ, đối chiếu các thông tin, pho to lại CMND, sổ hộ khẩu để lưu sau đó mới tiến hành cấp lại giấy chứng sinh.

Trao đổi với PV, chị Tú Anh một mực khẳng định: Không biết tại sao lại có giấy chứng sinh mang tên Phạm Thị Nguyệt đẻ sinh đôi do chị ký tên người đỡ đẻ (?!). Tuy nhiên, phần chữ ký thì chị khẳng định đó là của mình, không phải bị làm giả. Chị cũng nói thêm: “Tôi hiện tại không nhớ ra tại sao mình lại sơ suất không xem hồ sơ bệnh án của sản phụ mà đã vội vã ghi giấy chứng sinh. Dứt khoát phải có ai đó nhờ tôi, tôi tin tưởng không kiểm tra hồ sơ nên lỡ viết như vậy, nhưng vì thời gian đã lâu, mỗi ngày làm hàng chục hồ sơ cho sản phụ nên tôi không thể nhớ ra”.

Khi PV hỏi về việc thông tin trên giấy chứng sinh của Nguyệt gần như giống hoàn toàn với thông tin của sản phụ Lam, cũng do Tú Anh đỡ đẻ và làm hồ sơ, điều dưỡng viên trưởng cho biết: chị hoàn toàn không biết gì, khi nghe thấy có vụ việc mua bán trẻ em xảy ra, chị đã tìm đến nhà chị Lam để hỏi thăm xem, hai đứa con của chị Lam còn ở nhà không, và khẳng định, hai cháu bé này đang sống khỏe mạnh cùng gia đình chị Lam ở dưới quê. Chị Lam cho Tú Anh biết, thời điểm chị ra viện do hai con quấy nên chị không tự làm được giấy tờ xuất viện, không tự lấy giấy chứng sinh nên đã nhờ một người tên là Tuyết, cũng làm tại BV Sản – nhi làm thủ tục và lấy giấy chứng sinh hộ.

Khi hỏi chị Tú Anh có biết người phụ nữ nào tên Tuyết, thường đi làm thủ tục xuất viện cho các sản phụ không, chị trả lời không biết và cũng không nhớ.

Để đánh giá đúng những lời nói của chị Tú Anh, PV đã tìm về nhà chị Phạm Thị Lam, ở xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh. Chị Lam xác nhận chị sinh đôi hai con trai tại khoa Sản – nhi của BV Sản – nhi tỉnh Ninh Bình, hai cháu hiện đang sống với bố mẹ, hoàn toàn khỏe mạnh, chị hoàn toàn không có quan hệ quen biết với Nguyệt.

Tuy nhiên, chị Lam cho biết khi ra viện, chị không tự làm thủ tục được, nên đã nhờ một người cháu bên chồng tên là Tuyết, làm việc tại BV Sản – nhi làm thủ tục, lấy giấy chứng sinh hộ. Chị cũng kể trước khi gặp PV, chị Tú Anh cũng đã tìm đến nhà chị để hỏi tình hình về hai cháu bé, cũng đã gặp cả cháu gái bên chồng tên là Tuyết, người hiện đang công tác tại BV Sản – nhi, đang trong thời gian nghỉ sinh con, cô gái tên Tuyết này ở gần nhà chị Lam.

Tất cả những sai phạm trong việc làm sai quy trình hay cố tình vi phạm dẫn đến việc cấp giấy chứng sinh khống cho một đối tượng không có khả năng sinh đẻ, lại nằm trong nhóm tham gia mua bán trẻ em, là một điều không đơn giản. Dư luận có thể đặt ra câu hỏi: Có hay không việc có một đường dây chuyên chạy các thủ tục giấy tờ để hợp thức hóa việc xác nhận các cháu bị bỏ rơi thành con đẻ để mua bán, cho nhận, CQĐT CATP Hà Nội vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ. PV sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc ngay sau khi có những điều tra riêng.

Xác minh nóng tại khoa Sản – nhi, PV được biết có một nữ hộ sinh tên là Tuyết, SN 1992, hiện đang nghỉ ở nhà. Việc kết nối với nữ hộ sinh này được thực hiện nhanh chóng, tuy nhiên Tuyết không liên quan và không hề biết việc đã xảy ra tại khoa mình làm việc.

Kết nối lại những thông tin chị Tú Anh cung cấp, PV thấy có rất nhiều điểm mâu thuẫn: Chị Tú Anh là người đỡ đẻ cho sản phụ Lam, cũng là người ký tên trong phần người đỡ đẻ của Nguyệt. Việc một ca song thai sinh tại BV tỉnh tuy không hiếm nhưng vào thời điểm đó, chỉ có mình chị Lam nên “nhầm lẫn” trong việc viết giấy là hoàn toàn không có căn cứ, vì tất cả các thông tin trên giấy chứng sinh mang tên Nguyệt đều đúng.

Tiếp nữa, chị Tú Anh đã đến gặp sản phụ Lam, gặp cả người cháu gái tên Tuyết, đồng nghiệp của mình trong BV, nhưng khi trả lời các PV, chị Tú Anh luôn nói chỉ nghe chị Lam nói nhờ một người tên là Tuyết làm hộ giấy tờ, chứ không biết Tuyết ở đâu, làm gì, cũng không có số điện thoại (?!)

Việc cấp giấy chứng sinh khống tại khoa Sản – nhi, BV tỉnh Ninh Bình đã quá rõ ràng. Theo thông tin từ một người giấu tên cung cấp cho PV, trước thời điểm bị bắt, Nguyệt có nói rằng đã mua giấy chứng sinh khống với giá 10 triệu đồng. Và cũng đã có thêm một số giấy chứng sinh được cấp khống từ một trạm y tế xã, chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết sau.

Khi được hỏi với một quy trình và thủ tục cấp giấy chứng sinh chặt chẽ như vậy, mà “lọt lưới” trường hợp không sinh con mà có giấy chứng sinh sinh đôi, có chữ ký, con dấu xác nhận lãnh đạo BV của Nguyệt, lại không hề có bất cứ một thứ giấy tờ hồ sơ nào về sản phụ, bác sỹ Cúc, Trưởng khoa Sản - nhi, BV Sản - nhi Ninh Bình cho biết: “Tôi hết sức bất ngờ, chưa từng xảy ra trường hợp nào như thế này ở khoa của chúng tôi. Chị Tú Anh là điều dưỡng viên trưởng, người trực tiếp ký tên vào phần người đỡ đẻ chắc chắn đã ghi nhầm hoặc bỏ qua quy trình làm việc, không xem xét đối chiếu hồ sơ mà đã lập tức ghi tên sản phụ vào giấy chứng sinh”.

 

Theo: phapluatxahoi.vn

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.