| Hotline: 0983.970.780

Tưng bừng mùa gặt ở Cổng Trời

Thứ Sáu 04/10/2013 , 10:17 (GMT+7)

Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng 9 người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) bắt đầu vào mùa gặt. Từ Khau Phạ nhìn xuống hai phía của sườn núi, màu lúa vàng rực lên trong nắng cuối thu đẹp mê hồn. Một bức tranh no đủ của mùa gặt đối với người dân vùng cao nơi đây thật nhiều cảm xúc...

Năm nào cũng vậy, từ giữa tháng 9 người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) bắt đầu vào mùa gặt. Từ Khau Phạ nhìn xuống hai phía của sườn núi, màu lúa vàng rực lên trong nắng cuối thu đẹp mê hồn. Một bức tranh no đủ của mùa gặt đối với người dân vùng cao nơi đây thật nhiều cảm xúc...

Gia đình anh Vàng A Lử và chị Hảng Thị Súa ở thôn Mí Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải quyết định mổ lợn mời anh em, họ hàng cùng những người bạn đến nhà ăn cơm mới. Năm nay lúa tốt, nên vợ chồng Lử vui lắm, nhà của họ chỉ cách đỉnh đèo Khau Phạ một đoạn.


Vàng A Lử mời gọi tổ tiên về ăn cơm mới

Khau Phạ dịch ra từ tiếng Thái nghĩa là Cổng Trời, còn người Mông gọi là Đở Chua, nghĩa là đỉnh núi nhiều gió. Gió và mây mù nơi đây không lúc nào ngớt, ở trên cao này không trồng được lúa, do trời quá lạnh nên cây lúa không trổ bông, nó cứ xanh như cây cỏ, người ta chỉ làm ruộng trồng lúa từ thôn Nả Háng Tâu.

Tôi hỏi Vàng A Lử: Tiếng Mông Nả Háng Tâu, Mí Háng Tâu có nghĩa là gì? Lử cười rất vui bảo: Nả Háng Tâu nghĩa là hang quả bí lớn. Ngày xưa đất ở đây tốt lắm, các cụ trồng bí có quả to bằng cả người ôm, bí nhiều chẳng ai mang về nhà. Chuột khoét ruột ăn hạt thành hang lớn, vì trời rét nên lợn chui vào trong lòng quả bí đẻ, người ta gọi là Nả Háng Tâu, nghĩa là hang quả bí lớn. Còn Mí Háng Tâu có nghĩa là hang bí nhỏ, nương nằm ở phía trên nhà tôi một đoạn...

Tôi theo vợ chồng Lử ra ruộng gặt lúa mới làm cơm cúng mời cha mẹ, ông bà và tổ tiên là người đã làm ra những thửa ruộng để trồng lúa cho con cháu hôm nay. Trời mưa nên Lử phải che ô cho vợ, chị Hảng Thị Súa chọn những bông lúa to nhất đã chín cắt về được một gùi đầy mang về nhà.


Hảng Thị Súa chọn những bông lúa to để làm cúng cơm mới

Chị Súa dùng bát tuốt những bông lúa ra chiếc mẹt rồi đưa vào chảo rang lúa. Vui nhất có là bọn trẻ, chúng xúm vào cùng tuốt lúa, hoặc chạy lăng xăng giúp người lớn bê củi cho vào bếp lò. Khói mù mịt, mùi lúa mới rang trên chảo thơm lừng, ngôi nhà nhộn nhịp người ra người vào, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng dao băm thịt xương lấc cấc nghe rất vui tai.

Sau khi lúa đã xào khô Súa mới đem vào giã, được khoảng 5 bát to gạo đầy. Những hạt gạo to trắng muốt đều đặn như nhộng ong non được Súa cho vào chiếc nồi đã đánh rửa sạch sẽ thổi cơm mới.

Lúc này lợn đã được mổ xong, thức ăn cũng đã làm xong, Vàng A Lử chọn bộ quần áo mới để làm lễ cúng. Mâm cơm cúng được Hảng Thị Súa sắp ra đặt trên một chiếc bàn thấp dài hơn một mét, gồm một bát cơm to đầy ắp, 10 chiếc thìa cắm xung quanh, một bát thịt lợn, một bát canh măng và một chai rượu. Lử bật lửa thắp chiếc đèn dầu rồi ngồi xuống rót rượu ra chiếc chén bắt đầu cúng. Tôi để ý thấy ngoài chiếc ghế mây Lử ngồi còn có hai chiếc ghế đặt ở phía trong, hỏi ra mới biết đó là hai chiếc ghế dành cho linh hồn của bố mẹ.


Niềm vui mùa gặt

Lử thắp 8 nén hương, một nén thắp ở bàn thờ tổ tiên đối diện cửa chính của gian nhà, hai nén tiếp theo cắm ở chân cột cái, một nén cắm trên miệng bếp lò đặt ở gian bên cạnh, bốn nén hương còn lại cắm hai bên cửa chính và cửa phụ xuống bếp. Sau khi cắm hương xong Lử ngồi xuống rót rượu bắt đầu cúng.

Giọng cúng của Vàng A Lử trầm bổng nghe như hát, Lử vừa cúng vừa xúc cơm, thịt, canh đổ lên chiếc bàn: “Nu nó cú ua máo, blề sa sá, cú tua bua ua gà ua khấu tá, cú chi tâu nào, cú xu hu cú nả cú chí lù nào ua tề, nào sênh mo sênh dàng, sênh sái sênh lù, khớ dông khớ dừ hú si tró râu trồng râu dang, páo trà pá xú, páo tu páo kí, ua kông ua lông ua cúa dông, cú tâu nào tâu hầu cú tê tếnh tả cào seng hú...” Nghĩa là: Hôm nay con làm cơm mới, con mổ lợn làm bữa cơm mới, cơm nấu chín rồi con chưa ăn. Con xin được mời bố mẹ về ăn trước. Bố mẹ giúp chúng con trừ bệnh tật, mọi chuyện không hay, mọi điều xấu điều dở thì ra khỏi nhà. Bố mẹ giúp chúng con bảo vệ con cháu, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm sản xuất mùa màng thuận lợi. Con được mùa, được ăn được uống, con mới thờ phụng bố mẹ...


Đập lúa

Lễ cúng ăn cơm mới nhằm tạ ơn bố mẹ, ông bà tổ tiên đã để lại cho cháu con những thửa ruộng bậc thang như chạm khắc vào lưng chừng núi. Sau lễ cúng ăn cơm mới vợ chồng Vàng A Lử cùng con cháu ra đồng gặt lúa.

Tôi đi miên man giữa mùa gặt ở Cổng Trời, lúa vàng rực trong nắng cuối thu từng lớp ùn lên như mây. Mỗi thửa ruộng như những con sóng vàng vỗ miên man mãi vào các sườn núi. Mù Cang Chải có hai mùa đẹp mê hồn, đó là tháng tư khi bắt đầu vào mùa cày cấy, ruộng như những chiếc gương trời khổng lồ, còn mùa gặt lúa vàng như lụa giăng mắc khắp các triền núi.

Xã Kim Nọi ở phía bên kia dòng Nậm Kim, nằm ở giữa lừng chừng núi. Nhà của Giàng Sú Dùa ở bản La Pu Khơ, theo tay ông chỉ khuất sau đám mây mù và rừng cây xanh phía trên đầu tôi. Ruộng nhà ông cấy trên đó, ông dẫn tôi ra xem là của Giàng A Cở, người gọi ông là bác. Lúc này Cở đang làm giàn để hong gió rê lúa. Lúa của nhà Cở năm nay cũng tốt lắm.


Người dân thôn Nả Háng Tâu gặt lúa trong nắng sớm

Nhìn những bông lúa vàng trĩu hạt, tôi hỏi: Cở trồng giống lúa gì mà tốt thế? Cở ngẩn người ra một lát rồi bảo: Lúa này mình mua của nhà nước, đây là giống lúa lai nhưng không biết giống gì đâu. Nhà nước cho một nửa tiền à. Tôi hỏi: Lúa chín rồi, mấy hôm nữa thì gặt? Cở chỉ chiếc giàn hong gió bảo: Làm xong cái này thì gặt, có khi ngày mai đấy, vợ đang đi nhờ anh em gặt giúp. Năm ngoái chỗ này được hơn 20 thồ ngựa, năm nay lúa tốt thế này có khi được 30 thồ đấy...

Gia đình ông Sùng A Dao cũng ở xã Kim Nọi ruộng nằm sát bờ suối Nậm Kim đã gặt từ mấy hôm rồi, hôm nay có nắng cả nhà ông đều ra ruộng đập lúa. Người lớn đập lúa còn đám con trẻ thì săn bắt cào cào, châu chấu nướng lên thơm lừng. Trâu cũng được họ dắt ra ruộng gặm bờ cỏ non. Họ đập lúa trong những chiếc thùng làm bằng gỗ được kéo di động khắp các ruộng.

Ông Dao ngừng tay rê lúa cho biết: Nhà mình mỗi năm thu được khoảng 100 bao lúa, năm nào lúa tốt thì được 120 bao, năm nào mất mùa thì được 70-80 bao. Chỉ ăn hết 70 bao thôi, số còn lại nuôi gà và bán lấy tiền mua các thứ cho con. Hơn chục năm nay gia đình mình cấy giống lúa lai do nhà nước bán nên không đói như trước nữa...


Sóng vàng trên núi

Huyện Mù Cang Chải có 2.580 ha ruộng, chủ yếu là ruộng một vụ. Gần hai chục năm nay vụ xuân đã cấy ở khắp 13 xã và thị trấn với tổng diện tích vụ xuân 1.050 ha, chỉ xã Chế Tạo chưa làm được vụ xuân vì nơi đây rét quá. Cây lúa lai đã khiến năng suất của Mù Cang Chải bùng nổ. Trước đây năng suất chỉ đạt 20-22tạ/ha, dân đói dài đói rạc. Từ khi cấy lúa lai, năng suất đều đạt 40-43tạ/ha, nhiều gia đình đạt 50-55 tạ/ha. Cái đói không còn đeo đẳng cuộc sống của người dân vùng cao Mù Cang Chải như nhiều năm trước, bây giờ người ta mới nghĩ tới chuyện ăn ngon, cấy giống lúa chất lượng cao.


Những bậc thang vàng

Trưởng phòng NN-PTNT Phạm Tiến Lâm thành thật: Đưa một giống lúa mới được người dân chấp nhận phải mất một thời gian dài. Điều lo lắng lớn nhất của huyện vùng cao Mù Cang Chải vẫn là lương thực. Giải quyết được bài toán lương thực thì mới giải quyết được các vấn đề khác. Cây lúa lai và việc mở rộng diện tích vụ xuân ở đây đã giải quyết cơ bản nhu cầu lương thực của người dân. Bây giờ là lúc giúp người dân tìm những giống lúa mới chất lượng cao để nâng cao đời sống cũng như tạo ra sản phẩm hàng hoá từ cây lúa. Giống lúa đặc sản ĐS1 đang được người dân đăng ký trồng nhiều hơn vào vụ xuân, năm 2012 chỉ cấy 200 ha ở Púng Luông và La Pán Tẩn thì năm nay dự kiến cấy khoảng 300-400 ha...

Mùa gặt ở Mù Cang Chải thật tưng bừng, người dân ra đồng từ rất sớm khi những màn sương mù còn bảng lảng khắp các sườn núi, tiếng nói cười, tiếng đập lúa thì thùm trong mây. Hàng trăm khách du lịch và những nghệ sĩ nhiếp ảnh từ khắp nơi ngược núi lên Mù Cang Chải để chiêm ngưỡng và săn những bức ảnh mùa vàng rực rỡ.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu không để lặp lại tình trạng thiếu điện cục bộ như năm 2023

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đảm bảo dự án được đấu điện trước 30/6.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trữ nước sông Hà Thanh, cấp nguồn vùng Nam Phù Mỹ

Với 164 hồ chứa và 31 đập chính trên sông, hệ thống thủy lợi của Bình Định đã khá hoàn chỉnh, nhưng vẫn còn những ‘lỗ hổng’ mà tỉnh này đang nỗ lực lấp đầy…

Bình luận mới nhất