| Hotline: 0983.970.780

Tưới đó, khô đó: Cây bạc tỷ trở thành củi khô

Chủ Nhật 05/04/2020 , 08:55 (GMT+7)

Do hạn mặn kéo dài hơn 2 tháng nay, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều vườn cây sầu riêng tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã không trụ được, trở thành củi khô.

Lượng nước ngọt trữ trong các mưng vườn đã khô kiệt. Nhiều vườn sầu riêng đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh: Đào Chánh.

Lượng nước ngọt trữ trong các mưng vườn đã khô kiệt. Nhiều vườn sầu riêng đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh: Đào Chánh.

Hiện nay, tại “vương quốc” sầu riêng huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có khoảng 12.000 ha cây sầu riêng đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu nước ngọt trầm trọng.

Hơn 2 tháng qua, mặn xâm nhập sâu tại các tỉnh phía Tây của tỉnh này thông qua nhánh sông Hàm Luông. Vì vậy đến nay, huyện Cai Lậy vẫn chưa đón được đợt nước ngọt nào từ thượng nguồn đổ về để người dân tưới cây.

Nhiều ngày qua, người dân lẫn chính quyền địa phương đã nỗ lực thuê sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền về tưới sầu riêng, cũng như các loại cây ăn trái khác. Còn người dân có người đã mạnh dạn chi hàng chục triệu đồng để tưới cây. Chính quyền địa phương cũng đã thuê hàng trăm lượt sà lan chở nước cấp miễn phí cho bà con nhưng không ăn thua.

Dù đã có nhiều nỗ lực cung cấp nước ngọt cho các vườn cây nhưng nhiều vườn sầu riêng vẫn không trụ nổi. Ảnh: Đào Chánh.

Dù đã có nhiều nỗ lực cung cấp nước ngọt cho các vườn cây nhưng nhiều vườn sầu riêng vẫn không trụ nổi. Ảnh: Đào Chánh.

Do nắng nóng kéo dài, việc thuê sà lan chở nước tưới cây của người dân cũng chỉ mang tính “cầm cự nhất thời” chứ chưa thể đáp ứng nhu cầu nước ngọt tối thiểu cho cây sầu riêng.

Hiện nay, tại các vườn sầu riêng của huyện Cai Lậy nhiều cây sàu riêng đã bắt đầu suy kiệt, có hiện tượng chết. Người dân thuê máy cưa, đốn bỏ làm củi đốt. Nước ngọt cho sầu riêng ở thời điểm này vô cùng quý giá.

Do cây không còn khả năng phục hồi, nhiều người dân đành chua xót đốn bỏ. Ảnh: Đào Chánh.

Do cây không còn khả năng phục hồi, nhiều người dân đành chua xót đốn bỏ. Ảnh: Đào Chánh.

Ông Nguyễn Văn Mai ở ấp Bình Thành, xã Tam Bình đã bỏ ra gần 10 triệu để mua nước ngọt tưới cây.  Ông Mai cho biết giá nước ngọt lúc trước 43.000 đồng/khối, hiện tại thì chỉ 30.000 đồng.

Ông cho biết: “Nhà tôi có 2 công sầu riêng, 50 gốc. Vườn nhà tôi do ở gần mé sông nên thuê sà lan tới, mua nước được. Nói chung cũng ổn, có chết một số cây nhưng chết ít, độ khoảng 10%, số còn lại cháy lá.

Nhưng tôi hi vọng, mấy ngày nữa có nước ngọt về cây sẽ phục hồi. Chứ mấy vườn khác chết khoảng 50% rồi. Ban đầu bà con còn tích cực mua nước tưới, chứ bây giờ đường ống xa quá, bỏ chết luôn. Một số vườn cây tại ấp Tây Hoà chết trắng 100%”.

Từ chỗ là loài cây bạc tỷ, bỗng chốc cây sầu riêng trở thành củi khô. Ảnh: Đào Chánh.

Từ chỗ là loài cây bạc tỷ, bỗng chốc cây sầu riêng trở thành củi khô. Ảnh: Đào Chánh.

Vườn sầu riêng 2 công, gần 50 gốc của bà Ngô Thị Thuỷ, cùng ngụ ấp Bình Thành, hiện cũng chết khoảng 70% số cây. Các cây còn lại bị suy kiệt nghiêm trọng. Mặc dù vườn cây kế bên trạm cấp nước của địa phương nhưng nhà bà không có người chở nước, tưới cây nên đành bỏ phế.

Còn vườn sầu riêng 200 gốc, có cây 20 năm tuổi của anh Đoàn Khánh ở ấp Bình Chánh Tây, xã Tam Bình cũng đang thiếu nước trầm trọng. Hiện chết khoảng 50%, đốn củi hết phân nửa.

“Một phần vì cây vừa mới ăn trái xong nên rất yếu, gặp hạn mặn thiếu nước ngọt nên không thể phục hồi được. Những cây ăn trái có thâm niên thì khá hơn, đủ sức chống chịu nước mặn. Nước ở đây, người dân mua một phần, có nhà thì lọc, một phần nhà nước hỗ trợ”, anh Khánh chia sẻ.

Một vườn cây sàu riêng chết trắng, đốn bỏ 100% tại xã Tam Bình. Ảnh: Đào Chánh.

Một vườn cây sàu riêng chết trắng, đốn bỏ 100% tại xã Tam Bình. Ảnh: Đào Chánh.

Qua tìm hiểu cách lắp đặt máy lọc nước mặn thành nước ngọt trên mạng internet, anh Đoàn Khánh đã tự mua linh kiện, lắp đặt theo công nghệ Mỹ. Giá thành máy do anh tự lắp đặt rẻ hơn giá thị trường 30 triệu đồng.

“Đối với máy công suất lọc một khối nước/giờ tuỳ theo linh kiện mà giá thành dao động từ 30-40 triệu đồng/cái. Mình mua máy bơm, bình lọc. Quan trọng nhất là màng lọc RO. Công suất như thế này cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Mình để dồn lại 2 ngày mới tưới một lần, coi như chữa cháy”.

Hiện nay tại xã Tam Bình có gần 1.600 ha sàu riêng, được bố trí 4 điểm cấp nước ngọt cho người dân đến lấy. Mỗi ha sầu riêng được hỗ trợ 20 khối nước/tuần, hỗ trợ liên tục 4 tuần cho bà con.

Đối với những nơi xa, UBND xã phối hợp với những điểm cấp nước tư nhân, người dân đến đó vẫn được cấp nước miễn phí theo định mức. Những nơi hẻo lánh, xe không vô được có sà lan chở tới tận nơi.

Tuần qua, độ mặn trên các nhánh sông tại huyện Cai Lậy đã giảm hơn so với tuần trước. Như tại xã Tam Bình độ mặn đo được ngày 3/4 dao động từ 1-3‰, giảm từ 2‰. Người dân đang hi vọng sẽ có đợt nước ngọt về trong tuần này để “giải khát” cho cây sầu riêng.

Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết: “Bây giờ xã đang triển khai cho các ấp điều tra, thống kê diện tích, mức độ sầu riêng thiệt hại. Nói chung số liệu đang biến động hàng ngày chưa thể chính xác.

Theo đánh giá của xã thì hầu hết các vườn sầu riêng đều bị ảnh hưởng, khả năng chết cây có thể lên đến 50%”.

“Nhà tôi cũng làm vườn, vườn cây của tôi trên 5 năm tuổi hết. Tôi cố gắng tưới, vì mình xác định cây chết rồi thì trồng lại rất khó do đất bạc màu hết. Tất nhiên tưới không xuể. Tưới đó, khô đó.

Nếu nước có dưới mương thì tưới nó còn giữ nước, chứ bây giờ dưới mương cũng khô, đi không lấm chân thì nước tưới bao nhiêu cũng không thấm tháp gì”, ông Đặng Văn Lâm chia sẻ thêm.

Cũng theo UBND xã Tam Bình, hiện nay để vừa ứng phó với hạn mặn vừa chống dịch Covid-19, tại xã Tam Bình người dân đến lấy nước đảm bảo giữ khoảng cách an toàn 2m, theo đợt và tránh tập trung đông đúc.

Người dân mong mỏi chờ nước ngọt về cứu khát cho cây ăn trái vùng này. Ảnh: Đào Chánh.

Người dân mong mỏi chờ nước ngọt về cứu khát cho cây ăn trái vùng này. Ảnh: Đào Chánh.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất