| Hotline: 0983.970.780

Tưới tiết kiệm cho cà phê

Thứ Tư 31/01/2018 , 10:05 (GMT+7)

Cà phê là cây công nghiệp dài ngày, cần nước nhiều thứ 2 (sau cây lúa) trong cơ cấu các cây trồng chính của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nếu bị thiếu nước, cà phê sẽ bị thiệt hại nhiều năm liên tiếp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

19-58-10_nh_1
Người dân tìm hiểu mô hình tưới tiết kiệm nước bằng công nghệ Israel

Theo điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, do ảnh hưởng của tình trạng khô hạn, nguồn nước mặt tưới cho cà phê ở Tây Nguyên những năm gần đây giảm rõ rệt, tình trạng sử dụng nguồn nước ngầm tăng cao theo từng năm.

Năm 2013, người dân sử dụng nguồn nước sông để tưới cho cà phê chiếm 41% thì đến năm 2016 chỉ còn 18,8% do các hệ thống chứa nước không tích đủ dung tích thiết kế và tình hình hạn hán kéo dài hơn.

Lượng nước tưới bình quân cũng tăng từ 530m3/ha/lần năm 2013 lên 581 m3/ha/lần vào năm 2016; phương pháp tưới dí cho cây cà phê tuy có giảm nhưng vẫn phổ biến từ 84% vào năm 2013 và 74,4% năm 2016; tưới phun mưa tăng từ 16% lên 25,4%.

Còn các phương pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước chỉ đạt 0,2% tổng diện tích cà phê. Nếu giảm nước tưới từ 570 lít/cây xuống 400 lít/cây (giảm 30%) thì hàng năm Tây Nguyên có thể giảm 500 triệu m3 nước, lượng nước này đủ cung cấp nước sinh hoạt cho 10 - 12 triệu người với mức sử dụng khoảng 130 lít/người/ngày.

Do đó, việc sử dụng nước tưới cho sản xuất cà phê hợp lý không chỉ tiết kiệm đơn thuần về kinh tế mà còn bảo đảm sự công bằng xã hội trong việc tiếp cận nguồn nước cho cả cộng đồng.

19-58-10_nh_2
Nông dân Tây Nguyên tìm hiểu mô hình tưới tiết kiệm nước

Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê lại gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau như chi phí ban đầu cao, khó bảo quản trong môi trường tự nhiên ngoài trời, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế…

Ông Nguyễn Bá Hán ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lắp đặt mô hình tưới tiết kiệm nước cho vườn cà phê từ năm 2013 cho biết, công nghệ này không chỉ giảm lượng nước tưới, nhân công mà còn hạn chế sự thất thoát nước, phân bón nên hiệu quả sản xuất cao hơn.

Để nhân rộng mô hình, ông Hán kiến nghị cần phải tổ chức các lớp tập huấn để đào tạo nông dân có trình độ đồng đều nhau, nhất là trong vấn đề bảo quản, vận hành hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Mặt khác, hệ thống tưới tiết kiệm nước hiện nay chỉ vận hành được ở những vùng có điện lưới, do đó các đơn vị sản xuất thiết bị cần có giải pháp khắc phục để mở rộng mô hình tưới. Đồng thời, hệ thống cũng cần có phân bón bảo đảm chất lượng để sử dụng hiệu quả trong quy trình.

Với mục đích hỗ trợ ngành cà phê phát triển theo hướng bền vững, đến năm 2020 dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) sẽ hỗ trợ 208 mô hình trình diễn tưới tiết kiệm nước cho 69.000ha cà phê khu vực Tây Nguyên. Dự án sẽ hỗ trợ 80% chi phí thiết kế và xây lắp, còn thiết bị là hỗ trợ 50%, nông dân chỉ cần bỏ vốn đối ứng 50% còn lại là có hệ thống tưới tiết kiệm nước với nhiều ích lợi cho gia đình cũng như cộng đồng.

19-58-10_nh_3
Tưới tiết kiệm nước phun mưa tại gốc do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cải tiến và phát triển

Đến thời điểm hiện tại, Tây Nguyên đã có 90 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình, đạt 140% kế hoạch năm 2017. Tuy nhiên, số hộ dân đăng ký lại tập trung vào tỉnh Lâm Đồng (55 mô hình), Gia Lai (13 mô hình), còn tỉnh Đắk Lắk (10 mô hình), Đắk Nông (9 mô hình), Kon Tum (3 mô hình) số hộ dân đăng ký vẫn thấp hơn so với kế hoạch đề ra của năm 2017.

Ông Cao Thanh Bình, chuyên gia cao cấp dự án VnSAT của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn nên dự án đã đem đến nhiều ích lợi cho người trồng cà phê cũng như cả cộng đồng.

Đây là cơ hội lớn đối với ngành cà phê nhưng thời gian dự án đã đi được một nửa chặng đường, trong khi đó, việc gia hạn dự án trong tương lai rất khó thực hiện.

Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các doanh nghiệp chú trọng cải tiến hệ thống, thực hiện tốt việc lắp đặt và tập huấn để hệ thống tưới mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Bà con nông dân cần xóa bỏ tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ mà tự đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi đây là sự đầu tư cấp thiết, sinh lời lâu dài, góp phần bảo vệ sinh kế của mình trong bối cảnh hội nhập và biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

 

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm