| Hotline: 0983.970.780

Tuổi trẻ khai hoang, tuổi già đi đòi đất

Thứ Bảy 22/08/2020 , 07:50 (GMT+7)

Ở tuổi 80, bà Đào Thị Bù ngụ ấp 4, xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh, TP.HCM) vẫn lọ mọ hành trình đòi đất khai hoang bị chiếm 32 năm qua.

Bà Bù ôm Huân chương Kháng chiến hạng Ba cùng hai con gái nghèo đứng bên đất bị ông Khiêm chiếm 32 năm qua. Ảnh: Sáu Nghệ.

Bà Bù ôm Huân chương Kháng chiến hạng Ba cùng hai con gái nghèo đứng bên đất bị ông Khiêm chiếm 32 năm qua. Ảnh: Sáu Nghệ.

Ở tuổi 80, bà Đào Thị Bù ngụ ấp 4, xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh, TP.HCM) vẫn lọ mọ hành trình đòi đất khai hoang những năm tuổi trẻ và bị chiếm 32 năm qua mặc dù đã được chính quyền nhiều lần giải quyết.

Đất khai hoang và bị chiếm

Cán bộ xã Vĩnh Lộc A và cán bộ ở Văn phòng UBND huyện Bình Chánh khi nghe nhắc đến bà Bù, đều đưa ra hồ sơ với nhiều quyết định. Trong đó ghi rõ, năm 1968, gia đình bà Bù khai hoang 8.564 m2 đất trồng lúa mùa cho đến năm 1978 đưa vào Tập đoàn 28 của xã Vĩnh Lộc A. Gia đình bà cũng nhận khoán lại của Tập đoàn đúng số đất này để tiếp tục canh tác. Năm 1987, gia đình bà Bù khai hoang thêm 7.000m2 đất liền kề với đất đang nhận khoán, đưa tiếp vào Tập đoàn 28 và nhận khoán. Tổng cộng diện tích đất khai hoang 15.546m2 gia đình bà Bù đưa vào Tập đoàn và nhận khoán để canh tác.

Đến năm 1988, sản xuất tập thể không hiệu quả nên UBND xã Vĩnh Lộc A giải thể Tập đoàn 28, giao lại đất cho các chủ cũ. Gia đình bà Bù nhận lại 15.546m2 đất và vụ mùa năm đó đã cày bừa, xuống giống. Tính ra, cả tuổi thanh xuân của bà Bù đã khai hoang và canh tác đám đất.

Thế nhưng chỉ mấy ngày sau, gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm cũng ở xã Vĩnh Lộc A vào chiếm đất của bà Bù, cho rằng trước năm 1968 đất của gia đình ông vì chiến tranh mà bỏ hoang. Gia đình bà Bù can ngăn dẫn đến ẩu đả, một người con của bà Bù dùng dao chém người của gia đình ông Khiêm và bị xử tù. Vụ tranh chấp nghiêm trọng, UBND xã Vĩnh Lộc A lập biên bản “tạm thời giữ toàn bộ diện tích đất tranh chấp 15.546 m2, nghiêm cấm hai bên tác động vào đất, chờ chính quyền giải quyết”.

Ngày 9/6/1989, UBND huyện Bình Chánh ra Thông báo số 95/TB-UB “về việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hộ Nguyễn Văn Khiêm và hộ Đào Thị Bù”. Thông báo viết: “Phê bình ông Khiêm đã có hành động ngang nhiên lấn chiếm ruộng đất. Buộc ông Khiêm phải giao trả lại số đất đai mà ông đã lấn chiếm trái phép cho hộ bà Bù”. Nhưng gia đình ông Khiêm không chấp hành, cứ chiếm đất xây chuồng heo, trồng cây, đào ao. Hơn thế, ông Khiêm còn tự ý chia đất cho 3 người anh em ruột.

Ngày 27/1/2003, UBND huyện Bình Chánh ra Quyết định số 314/QĐ-UB, buộc anh em ông Khiêm “giao trả đất cho bà Đào Thị Bù”. Bốn anh em ông Khiêm khiếu nại và ngày 26/8/2003, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định số 1985/QĐ-UB “bác đơn khiếu nại”.

Chính quyền nhùng nhằng, tuổi già khẩn thiết

Tuy nhiên, trong các năm đó, cán bộ UBND huyện Bình Chánh cho biết, UBND xã sơ suất trong khâu xét duyệt nên có đề nghị và huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hai hộ trong anh em ông Khiêm. Cụ thể là cấp cho ông Nguyễn Văn Chặt 770 m2 vào ngày 16/11/1998 và cấp cho ông Khiêm 1.119 m2 vào ngày 28/12/1999, đều trong đất đang tranh chấp.

Đất bà Bù khai hoang bị ông Khiêm rào, đào ao, cất nhà.

Đất bà Bù khai hoang bị ông Khiêm rào, đào ao, cất nhà.

Vì vậy, ngày 29/9/2006, UBND huyện Bình Chánh phải ra Quyết định số 5382/QĐ-UBND “thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 314/QĐ-UB ngày 27/1/2003”. Đồng thời, UBND huyện cũng ra các quyết định thu lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai cho hai hộ anh em ông Khiêm.

Như thế, đến ngày 29/9/2006, vụ tranh chấp đất xảy ra từ năm 1988, sau 18 năm giải quyết của chính quyền địa phương đã trở lại từ đầu. Cán bộ UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, từ đó đến nay, gia đình bà Bù làm đơn gửi đến nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Còn gia đình ông Khiêm nhiều lần sử dụng đất bị xã ngăn cản thì đến nay cũng cất được nhà và dùng lưới B40 rào quanh phần đất đã bị thu hồi quyền sử dụng.

Lá đơn của bà Bù vào đầu tháng 8/2020, gửi nhiều cấp chính quyền địa phương khẩn thiết “yêu cầu quí cơ quan thẩm quyền xem xét, sớm đưa vụ tranh chấp này ra giải quyết”. Đơn nêu các yêu cầu cụ thể: “Buộc gia đình ông Khiêm tháo dỡ và san lấp tất cả những công trình thi công trái phép trên đất tranh chấp, trả lại hiện trạng ban đầu. Gia đình tôi xin không tham gia hòa giải với gia đình ông Khiêm vì đã hòa giải nhiều lần nhưng gia đình ông Khiêm vẫn một mực đòi lấy đất; gia đình tôi trông chờ vào quyết định đúng pháp luật của UBND huyện Bình Chánh”.

Nói với phóng viên, bà Bù khóc: “Tuổi trẻ tôi khai hoang, canh tác đám đất nhưng về già lại bị chiếm đất, đòi chưa được. Việc tranh chấp đã xảy ra hơn 32 năm, thời gian quá dài so với một đời người, gia đình tôi chịu nhiều thiệt thòi vì chấp hành tốt chỉ đạo của chính quyền. Mong chính quyền địa phương quan tâm duy trì pháp luật cho dân an tâm sinh sống”.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.