| Hotline: 0983.970.780

Tương Dương bộn bề

Thứ Hai 01/10/2012 , 09:36 (GMT+7)

Đợt mưa lũ đầu tháng 9, sau đó là nhiều trận mưa liên tiếp đã khiến huyện miền núi huyện Tương Dương (Nghệ An) bị thiệt hại nặng nề,...

Đợt mưa lũ đầu tháng 9, sau đó là nhiều trận mưa liên tiếp đã khiến huyện miền núi huyện Tương Dương (Nghệ An) bị thiệt hại nặng nề, nhiều nơi vẫn chưa thể khắc phục.

Lũ chưa qua, lốc xoáy đã tới

Vừa đặt chân tới trụ sở UBND xã Lưu Kiền (Tương Dương), chúng tôi được ông Lô Văn Quỳnh - Chủ tịch xã, tất bật thông báo: Các chú đến thật đúng lúc, xã đang chuẩn bị cử đoàn vào kiểm tra công tác khắc phục hậu quả trận lốc xoáy vừa quét qua bản Pủng làm nhiều nhà dân tốc mái.

Chưa kịp uống xong ly nước, chúng tôi vội nhập đoàn cán bộ xã vượt chừng 10km đường bùn đất trơn như đổ mỡ để tiếp cận bản Pủng. Tại đây, 10 hộ dân khu vực tái định cư đang vừa trải qua cảnh “màn trời chiếu đất” khi bị lốc xoáy và lũ quét "thổi" bay mất mái nhà. Cả một khu vực tan hoang, người dân chỉ biết nhặt những tấm prô xi măng để “vá” lại căn nhà.

Trưởng bản Vi Văn Đoàn cho biết: Đêm 23/9 tại bản Pủng có mưa to khiến lũ quét kéo về, cùng lúc đó bất ngờ xuất hiện trận lốc xoáy rất mạnh làm dân trong bản hoảng loạn, nhiều nhà dân bị xiêu vẹo và tốc mái. “Do trận lốc xuất hiện vào ban đêm nên chúng tôi không kịp trở tay, mọi người chỉ biết vùng chạy ra khỏi nhà để giữ tính mạng. Sau đó chúng tôi chỉ đạo bà con cùng giúp nhau sửa tạm lại nhà để ở. Có 10 hộ bị hư hỏng và tốc mái nhà” – ông Vi Văn Đoàn cho biết.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Vi Thị Khằm (SN 1988) - một trong những hộ bị thiệt hại nặng do lốc xoáy – đúng lúc chị đang mang những bó lúa ướt ra phơi. Chị Khằm ở một mình trong căn nhà gỗ chật hẹp, chồng chị là Vi Văn Vôn (SN 1986) vừa vào miền Nam làm thuê. Trận lốc đêm 23/9 đã hất tung mái nhà chị xuống bờ suối, cả bản cố gắng đi nhặt những tấm prô xi măng để lợp lại nhưng không đủ do nhiều tấm đã vỡ vụn.


Căn nhà hoang tàn của chị Vi Thị Khằm sau khi bị lốc xoáy quét qua

“Nó ở một mình thôi, buổi sáng thằng chồng đi thì buổi tối nhà nó gặp lốc xoáy đấy” – ông trưởng bản nói. Chỉ tay lên mái nhà thủng loang lổ, người phụ nữ bụng mang dạ chửa rầu rĩ: “Hôm trước tôi vừa lên rẫy gặt được một ít lúa về còn chưa kịp phơi cất thì lốc làm tốc mái nhà rồi. Tối qua mưa xuống làm lúa ướt hết, cái giường cũng bị ướt nên tôi chẳng được chợp mắt”.

Trưởng bản Vi Văn Đoàn lo lắng: “Do đường lầy lội quá nên việc vận chuyển prô xi măng từ ngoài vào lợp cũng chịu. Chiều nay chắc chắn tôi sẽ cho người giúp nó sửa lại mái nhà, chứ ở kiểu ni khổ quá”.

Theo ông Lô Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền, bản Pủng gồm 52 hộ vừa di dời từ khu vực sạt lở ven QL7 vào. Đa số các hộ đều thuộc diện khó khăn, sống bám vào một ít nương rẫy trồng lúa và các diện tích trồng bí xanh. “Hiện ven đường 7 vẫn còn 14 hộ dân đang sống bên bờ sông, mặc dù xã đã triển khai và cũng có hỗ trợ nhưng do điều kiện khó khăn, họ vẫn chưa thể di chuyển vào đây. Nếu tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, số phận của họ chưa biết thế nào” – ông Quỳnh cho biết.

Tại bản Lưu Phong (xã Lưu Kiền), gần 200 hộ dân phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch từ nhiều ngày qua. Hệ thống bể nước và vòi dẫn của bản đã bị lũ phá hủy không sót một thứ nào. “Nước sạch thì thiếu, nước suối thì quá đục, dân bản chúng tôi phải sống cực khổ mà không biết bao giờ mới khắc phục được” – ông Vi Văn Đại, phó bản Lưu Phong bộc bạch.

Học sinh lội bùn tới trường

Sạt lở nghiêm trọng ở Kỳ Sơn

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường vào các xã Mường Típ, Mường Ải, Huồi Tụ, Na Ngoi, Mường Lống, Mỹ Lý… (Kỳ Sơn - Nghệ An) sạt lở nghiêm trọng. Đến chiều 27/9, trên địa bàn có 8 tuyến đường liên xã bị sạt lở nặng, nhiều con đường ven sông Nậm Mộ giao thông bị ngưng trệ, người dân chỉ có thể di chuyển bằng cách đi bộ. Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện đã điều động 3 máy xúc, gạt sạn để giải phóng các điểm sạt lở nhưng không xuể.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Yên Tĩnh là một trong những điểm bị thiệt hại nặng nhất toàn huyện Tương Dương. Thậm chí, trụ sở UBND xã và các trường học trên địa bàn đã bị ngập sâu khoảng 1m. Mưa lũ tạm dứt, nhưng khắp các bản vẫn bộn bề ngổn ngang.

Phó chủ tịch xã Nguyễn Hữu Huê dẫn chúng tôi đi một vòng quanh các bản. Ngoại trừ con đường vành đai chạy qua xã được lát nhựa, còn muốn đến bản chỉ còn cách xắn quần lội bùn. Các phương tiện rất khó di chuyển, nhưng khổ nhất là hàng trăm em học sinh các cấp ngày ngày đều phải vượt đường bùn lầy tới lớp.

“Mưa lũ đã gây ngập nặng và phá hủy nhiều cơ sở vật chất thiết bị ở các trường học. Hiện tại, học sinh ở điểm trường mầm non xã và trường Tiểu học Yên Tĩnh 1 vẫn đang phải học ghép tại các điểm trường khác. Chúng tôi đang triển khai xây mới nâng cấp lại các trường nhưng kinh phí khó khăn quá chưa biết khi nào cho xong” – ông Vi Vũ Quang, Chủ tịch UBND xã cho biết.


Sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc ở huyện Kỳ Sơn

Tại bản Hạt, một trong những điểm khó khăn và nằm xa trung tâm xã nhất, bà con đang phải sống trong những điều kiện khổ cực. Thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, giao thông lại vô cùng khó khăn khi con đường đất vừa san ủi ngập bùn dẻo quánh. “Hôm trước mưa mấy ngày liền, bọn tui không vào rừng lùa trâu về được. Đến sáng mưa tạnh chạy vô thì thấy cả 14 con trâu nằm chết dưới vũng bùn. Vợ tui nằm khóc mấy ngày nay!” - ông Vi Văn Thấy, một hộ dân ở bản Hạt chua xót.

Theo số liệu do Phòng NN-PTNT huyện Tương Dương cung cấp, mưa lũ trong thời gian qua làm 148 nhà dân bị hư hại trong đó có 6 nhà bị sập, 11 nhà phải di dời. Bên cạnh đó, đã có 17 công trình nước sạch hư hỏng, gần 30 ha lúa của bà con mất trắng.

“Ngay sau đợt mưa lũ chúng tôi đã tổng hợp con số thiệt hại để gửi về tỉnh đề nghị hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, lũ lụt chưa qua thì lốc xoáy, lũ quét ập đến, chúng tôi lại phải bổ sung thêm số liệu nên đến giờ vẫn chưa gửi văn bản về tỉnh được” – ông Hoàng Sỹ Thìn, Trưởng phòng NN-PTNT Tương Dương cho biết.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

1 ha hồi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm

BẮC KẠN Giá bán khoảng 30.000đ/kg, có những năm đỉnh điểm lên tới 70.000đ/kg, cây hồi đem lại thu nhập cao, trở thành cây giảm nghèo, làm giàu của nhiều nông hộ ở tỉnh Bắc Kạn.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.