| Hotline: 0983.970.780

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam

Tương lai ngành đường là tươi sáng

Thứ Sáu 25/08/2017 , 13:32 (GMT+7)

Theo tôi, lỗi này đầu tiên chính là do cơ quan quản lí nhà nước, không phải do doanh nghiệp hay người nông dân. Thực tế, khi Quốc hội ban hành Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định về quy chuẩn, tiêu chuẩn...

* Chưa minh bạch chữ đường là do... nhà nước

Báo NNVN vừa đăng tải loạt bài “Chữ đường: “Góc tối” ngành mía đường” phản ánh nghi ngại giữa người trồng mía và các nhà máy đường vốn đã tồn tại từ nhiều năm qua. Đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn ngành đường. Chúng tôi tiếp tục trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, ông Phạm Quốc Doanh để sáng tỏ sự việc...

21-12-28_20170822_101549
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Phạm Quốc Doanh

Thưa ông, vấn đề xác định chữ đường tại sao cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lời giải thỏa đáng?

Chữ đường chính là khúc mắc lớn nhất giữa người nông dân và phía nhà máy thu mua mía, cả trong quá khứ lẫn thời điểm hiện tại. Nguyên nhân mấu chốt do chưa có sự minh bạch, khách quan lẫn sự tin tưởng nhau giữa doanh nghiệp mua mía và người nông dân. Đáng nói ở chỗ, ai cũng biết điều ấy, nhưng không ai chịu gỡ cái "nút thắt" này cả, cứ kệ nó như vậy bao nhiêu năm nay.

Thực tế, không phải không có những nhà máy đường muốn minh bạch mọi chuyện và ngược lại, cũng có nhà máy chỉ thích mua mía xô nên trì hoãn việc minh bạch chữ đường. Song việc mua xô có mặt trái của nó, khi mà chính nhà máy đường cũng là nạn nhân, bị người bán mía... chơi lại.

Đó là tại ĐBSCL, có nhà máy thu mua mía xô bị người bán mía trộn lẫn tạp chất vào mía nguyên liệu dẫn tới chất lượng đường thành phẩm bị ảnh hưởng. Có nghĩa ở đây, không chỉ người trồng mía mới thua thiệt mà ngay nhà máy đường cũng bị vạ nếu việc xác định chữ đường cứ mập mờ, trắng đen lẫn lộn. Do đó, để mía đường phát triển bền vững lâu dài, khâu chữ đường minh bạch sớm ngày nào là có lợi ngày đó.

Vậy theo ông, mấu chốt hóa giải khúc mắc này nằm ở đâu?

Theo tôi, lỗi này đầu tiên chính là do cơ quan quản lí nhà nước, không phải do doanh nghiệp hay người nông dân. Thực tế, khi Quốc hội ban hành Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn, sau đó Chính phủ ban hành Nghị định về quy chuẩn, tiêu chuẩn thì đến năm 2012, Bộ NN-PTNT có hẳn một Thông tư 29 rất đầy đủ về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu.

Nhưng cái dở ở đây là các bước tiếp theo khi thông tư có hiệu lực thì không có ai triển khai. Từ trước đến nay, mọi công việc thanh, kiểm tra, quản lí, giám sát về mía đường do Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) chịu trách nhiệm.

Nhưng thực tế Cục không đủ nhân lực, máy móc, phương tiện để "ôm" cả ngành đường. Thậm chí, Sở NN-PTNT ở các tỉnh, thành gần như vắng bóng cán bộ nông nghiệp có chuyên ngành về mía đường nên nhiệm vụ này bấy lâu nay đều do nhà máy đường và người dân tự làm việc với nhau.

Hiện tại, bắt đầu có một số nhà máy đường tiên phong trong việc minh bạch chữ đường khi lấy mẫu với thiết bị điện tử hiện đại và công khai. Chỉ cần cắm dụng cụ đo vào dịch mía là trên bảng điện tử hiện ngay lên số liệu chữ đường. Một số nơi thì cử đại diện người trồng mía tham gia vào quá trình đo chữ đường. Nhưng thực tế vẫn không hết được sự nghi ngờ từ phía nông dân bởi bản chất doanh nghiệp vẫn “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ông nói do cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là cơ quan nào?

Qua tìm hiểu các quốc gia có ngành mía đường phát triển trên thế giới, chúng tôi nhận thấy họ đều có những cơ quan độc lập giám sát chữ đường. Không đâu xa, ngay tại Thái Lan, quốc gia đứng đầu Đông Nam Á và thứ 2 châu Á về sản lượng mía đường (trên 15 triệu tấn đường/năm), việc giám sát chữ đường do một trung tâm thuộc Hội mía đường Thái Lan đảm nhận.

Còn tại nước ta, Hiệp hội Mía đường Việt Nam từng có gợi ý với Bộ NN-PTNT mà cụ thể là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản giao nhiệm vụ giám sát chữ đường cho Hiệp hội, song phía Cục cho biết, do một số vướng trong việc quy định vai trò quản lí, giám sát nhà nước về mía đường nên hiện vẫn chưa hiện thực được.

Ở đây, tôi xin nói thật là hình như Cục vẫn không muốn "nhả" việc giám sát chữ đường cho cơ quan khác làm, trong khi Cục không có đơn vị trực thuộc gánh vác việc này. Chúng tôi đi "xin việc" mà vẫn không được Cục chấp nhận.

Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn đang bàn, thống nhất với các hội viên trong thời gian tới sẽ thành lập một trung tâm phân tích, giám sát độc lập chữ đường trực thuộc Hiệp hội có vai trò làm trọng tài trung gian giúp các doanh nghiệp và người nông dân giải tỏa được khúc mắc về chữ đường tồn tại nhiều năm qua.

Đây sẽ là đơn vị xã hội hóa, kinh phí hoạt động từ việc thu phí theo mức giá đã được quy định, hoạt động dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Ngoài câu chuyện chữ đường, chúng ta cần quan tâm gì tới ngành đường thời gian tới?

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp mía đường lớn, họ cho biết sẵn sàng bàn giao (thực chất là cho thuê) toàn bộ thiết bị, máy móc đo chữ đường kể cả con người cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam tiếp quản, vận hành nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá trình xác định chữ đường vì bản thân nhà máy cũng không muốn mãi mang tiếng là gian lận chữ đường của người nông dân.

Theo tôi, với những gì đã mang lại cho nền kinh tế nước nhà, ngành đường xứng đáng được Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa. Không chỉ riêng chúng ta mà ngay cả những cường quốc về kinh tế trên thế giới đều coi đường là mặt hàng rất nhạy cảm cần được bảo hộ, quan tâm đặc biệt.

Nói như vậy không có nghĩa ngành mía đường nước ta dựa vào bảo hộ để rồi trì trệ không chịu cải tiến, thay đổi nâng cao chất lượng, hạ giá thành. Thực tế, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã hình thành nên những tập đoàn, những chuỗi giá trị từ sản phẩm mía đường.

Với ngành ngành mía đường, sản phẩm làm ra không chỉ còn đơn thuần là đường nữa mà nó có cả cồn ethanol, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, nhiệt điện, nước đóng chai… Nhiều tập đoàn mía đường quy mô tỷ USD, tầm cỡ khu vực đã xuất hiện. Tư duy của nhưng doanh nghiệp này thông thoáng, hiện đại, hoàn toàn có thể bắt kịp bước tiến của mía đường thế giới.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, sản lượng đường của Việt Nam vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm là khá khiêm tốn, nhưng so với trước đây mía đường chỉ là con số 0 tròn trĩnh nay đã thành một ngành hàng nông sản mạnh đủ cung cấp nhu cầu đường cho gần 100 triệu dân sử dụng, giúp giảm lượng ngoại tệ hàng chục tỷ USD nhập khẩu đường, thì có thể coi là bước tiến vượt bậc rồi.

Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có đủ lợi thế để đạt sản lượng đường khoảng 3 - 3,5 triệu tấn, thậm chí 4 - 4,5 triệu tấn/năm.

Con số này có vượt quá nhu cầu không, thưa ông?

Không hề. Hiện nay với lượng đường SX ra hàng năm khoảng 1,2 triệu tấn, cộng với lượng đường tồn từ năm trước chuyển sang năm sau, đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan, tổng cộng từ 1,5 - 1,55 triệu tấn/năm. Cung cầu đường như vậy là tương đối cân bằng.

Nhưng cần phải nhìn xa từ 10 - 15 năm tới. Thái Lan ở ngay cạnh ta cách đây chục năm cũng có vài triệu tấn đường thôi, giờ họ đã SX hơn chục triệu tấn. Một phần họ dành đường để ăn, còn lại xuất khẩu. Philippines có dân số ngang với Việt Nam cũng SX khoảng 3,5 triệu tấn đường.

Nói Việt Nam vươn lên SX 4 - 4,5 triệu tấn đường là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại. Xét về nhu cầu đường trong nước, một số năm tới chắc chắn sẽ tăng mạnh, bởi đường là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu của hàng loạt thực phẩm chế biến từ bánh kẹo, nước giải khát... Đừng nghĩ đơn giản đường chỉ để ăn, hiện nay có ai ăn đường đâu mà dùng gián tiếp thông qua các thực phẩm khác đấy chứ.

Nhưng quan trọng hơn, mía sẽ là cây trồng của thời đại biến đổi khí hậu, phù hợp với xu hướng nông nghiệp công nghệ cao. Mía là cây ít tốn nước nhất, có thể chịu được điều kiện khô hạn, chịu được sự khắc nghiệt của khí hậu. Thậm chí thế giới đã chọn tạo được giống mía chịu mặn từ lâu rồi.

Nước ta hàng năm đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho các công trình thủy lợi phục vụ cây lúa. Như vậy có lãng phí không? Sao không chọn cây mía tốn ít nước hơn cây lúa để canh tác. Có nước tưới thì năng suất mía tăng cao, nhưng ít nước thì cây mía vẫn cho năng suất chấp nhận được.

Thử hỏi có cây trồng nào tận dụng được hết các bộ phận như cây mía? Thân lấy đường, làm rỉ mật, nấu cồn, bã mía SX điện, lá mía lợp nhà... Hiện chúng ta đã có 4 - 5 nhà máy SX điện từ bã mía, của Cty CP Mía đường Lam Sơn, Cty KCP, Cty CP đường Quảng Ngãi, Tập đoàn Thành Thành Công... Các nhà máy điện này đã bán điện cho lưới điện quốc gia từ lâu rồi.

Vậy hướng đi tới của ngành mía đường sẽ như thế nào?

Tương lai ngành mía đường là tươi sáng, không hề "giẫy chết" như báo chí nói, kể cả khi mở toang ngành đường cho đường ngoại vào. Thời gian tới ngành mía đường cần tập trung tối đa nguồn lực cho việc tuyển chọn ra bộ giống thích hợp cho từng vùng miền. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong trồng, thu hoạch, thu mua, chế biến, giảm tổn thất, giảm nhân công lao động, quá độ hạ giá thành sản phẩm.

Có thể nói, cơ giới hóa sẽ là chìa khóa để đưa ngành đường Việt Nam tiến lên hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm