| Hotline: 0983.970.780

Gánh nặng quê nghèo

Tường trình từ Hà Tĩnh: Quy chế dân chủ đã bị phớt lờ

Thứ Năm 23/07/2015 , 08:59 (GMT+7)

Trong các văn bản gửi lên cấp trên báo cáo về loạt phóng sự điều tra Gánh nặng quê nghèo của Báo NNVN, UBND xã Thường Nga và UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đều dựa vào Pháp lệnh 34 của Quốc hội về quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn để giải thích việc ban hành các khoản thu của nhân dân. Nhưng thực tế diễn ra ở địa phương lại không phải như vậy./ Phải trả lại cho dân

Cuộc họp đột xuất

8h sáng 21/7/2015, nhân dân thôn Đông Nam, xã Thường Nga, nhận được thông báo trên loa: “Do có việc đột xuất, UBND xã tổ chức cuộc họp tại hội quán lúc 9h, mời bà con đến họp đúng giờ và đầy đủ”.

Tin đến bất ngờ nên nhiều hộ dân đã đi làm từ sớm, số hộ tham gia chưa đủ 50%. Nhưng sau khi biết nội dung cuộc họp nhằm kiểm tra các khoản thu, có lãnh đạo cấp trên về dự nên đã có thêm khoảng 20 – 25% hộ dân đến tham gia.

Gần 9h30 cuộc họp bắt đầu. Các lãnh đạo chủ chốt xã Thường Nga và thôn Đông Nam đều có mặt đông đủ, đúng giờ. Phía huyện có Phó Chánh văn phòng xây dựng NTM, phía tỉnh có ông Trần Huy Oánh – Phó GĐ Sở NN-PTNT, Phó Chánh VP NTM Hà Tĩnh. Các ông Trần Huy Oánh, Trần Đình Lưu – Bí thư Chi bộ, Ngô Nuôi – xóm trưởng Đông Nam điều hành cuộc họp.

Sau phần điểm danh của ông trưởng thôn, ông Trần Huy Oánh vào đề luôn: “Cuộc họp này, chúng tôi muốn ghi nhận ý kiến của nhân dân về các khoản thu của xóm, của xã trong những năm gần đây, đặc biệt là vụ xuân 2015. Đây cũng là vấn đề đã được Báo NNVN phản ánh và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, xử lý, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 1/8/2015”.

Cuộc họp bắt đầu bằng phần thu của thôn. Theo báo cáo của ông Ngô Nuôi, trưởng thôn Đông Nam có 3 khoản thu đã được đưa ra bàn bạc và nhân dân thống nhất cao để đóng góp.

“Các khoản thu này đều có biên bản họp dân đầy đủ, dân đồng ý mới được thu” – ông Nuôi khẳng định. Trong đó, có những khoản thu khá nặng như thu làm đường bê tông nhưng người dân hoàn toàn đồng thuận. Sau cuộc họp vận động nhân dân đổ đường bê tông, đồng tình ủng hộ, triển khai làm đường bê tông thu 650 khẩu, bình quân 320 ngàn đồng/khẩu/năm. Thu trong vòng 3 năm, dân đóng góp 422 triệu đồng.

Thậm chí kể cả khoản nợ của thôn gần 18 triệu đồng, trưởng thôn họp dân xin thu thêm mỗi sào 1kg (vụ trước thu 2kg/sào) cũng được nhân dân đồng tình.

Đến phần thu của xã, theo dự kiến ban đầu, ông Chủ tịch UBND xã Đường Trọng Hữu sẽ có phát biểu, báo cáo với nhân dân, nhưng quá trình điều hành cuộc họp, chủ tọa thấy cần phải lắng nghe nhiều ý kiến của người dân để thấy rõ đâu là cội nguồn của bức xúc về những khoản thu chưa rõ căn cứ. Chính vì thế, sau phần báo cáo của ông trưởng thôn, người dân lần lượt có ý kiến về các khoản thu của UBND xã.

Rất nhiều ý kiến phát biểu tỏ thái độ bức xúc trước việc UBND xã triển khai kế hoạch thu của người dân một cách gấp gáp, có người nói, cách làm này khác nào cưỡng chế người dân.

Ông Nguyễn Công Bang nói: “Tôi cảm thấy rất bức xúc. Chiến dịch thu của xã chỉ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ 22/6 nhưng mãi chiều tối 21/6 người dân mới nhận được giấy thông báo. Đông Nam là thôn có số hộ dân nhiều nhất xã nên cả đêm 21/6, ông thôn trưởng lọ mọ đến từng nhà để trao giấy thông báo. Tôi nói thật, kiểu làm ràng buộc người dân thế này thì trong nhà ai cũng phải có máy in tiền mới kịp đóng nộp cho xã”.

Điều mà ông Bang và nhiều người không đồng tình với cách làm của UBND xã Thường Nga là không triển khai sớm việc này để tổ chức họp dân, lắng nghe ý kiến của người dân xem các nội dung của xã đưa ra đã đúng với quy định Nhà nước chưa, khoản thu, mức thu như thế đã phù hợp chưa? Đằng này, sát ngày, xã “trát” cho một thông báo như thế để tận thu.

“Nhân dân chỉ biết tổng số tiền phải nộp và thực hiện trong 3 ngày chiến dịch. Nếu nộp chậm sẽ bị phạt thêm 5%, bị bêu tên trên loa và gây khó dễ khi giao dịch với xã”, ông Bang nói.

Bà Nguyễn Thị Mai nói rằng: “Từ trước tới nay, các khoản thu của xã đều được gửi phương án về cho xóm trưởng, tổ chức họp xóm và phát cho người dân. Ai phát hiện sai sót ở đâu thì lên xã chỉnh sửa rồi sau đó cứ thế mà đóng nộp. Sự thật, thưa với lãnh đạo các ngành của tỉnh và huyện rằng, nhiều khoản thu, chúng tôi không biết nó xuất phát từ đâu, quy định thu như thế nào, chứ đừng nói thu để làm gì”.

Chính vì không được phổ biến và họp nhân dân nên khoản “thu Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất” của xã năm nay, gia đình tôi đành để lại 570.000 đồng chưa nộp cho xã. Lý do là không hiểu đó là khoản thu gì?

Ông Nguyễn Sỹ Lưu thì không giấu nổi bức xúc của mình nói lên những sự thật mà lâu nay chưa biết bày tỏ với ai. Vì thế, các ý kiến phát biểu của ông Lưu luôn nhận được những tràng pháo tay từ phía nhân dân.

Ông Lưu cho rằng, nhiều người đã đề cập đến việc ở đây không thực hiện quy chế dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đó là sự thật và một đòi hỏi rất chính đáng của người dân.

“Qua báo chí, chúng tôi mới được biết có khoản thu nhiều năm nay, người dân cứ nai lưng ra đóng mà không biết khoản thu theo hạng đất đã được Nhà nước miễn, thu theo đầu sào là trái với quy định. Chúng tôi không được bàn, không được kiểm tra nên không quan tâm việc xã thu để làm cái gì. Ở đây, chúng tôi đề nghị đã thu sai thì phải trả lại tiền cho người dân. Điều này cũng đúng với văn bản chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nguyễn Sỹ Lưu đề nghị.

“Qua tiếp xúc với người dân, ông nghĩ như thế nào về thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương này?” – PV hỏi ông Trần Huy Oánh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh.

Trầm ngâm một lúc, ông đáp: “Tôi cho rằng, có những việc làm của chính quyền ở đây như thế là chưa được. Tôi thấy các khoản thu của xóm, người dân rất đồng tình vì đều được họp bàn, quyết định trực tiếp. Còn các khoản thu ở xã, dân không được họp bàn thì họ có ý kiến là phải. Mặt khác, thời gian tổ chức thu phải kéo dài cho người dân chuẩn bị tiền đóng nộp. Lưu ý rằng, không phải cứ bám vào quy chế dân chủ là thu của người dân. Thu khoản gì, ngoài việc được người dân đồng ý thì nó cũng phải đúng với quy định của Nhà nước. Không phải cứ bám vào quy chế dân chủ là thu của dân. Ở đây, phải xem xét lại quy trình tổ chức”.

Chia sẻ với những khó khăn trong việc tạo nguồn thu ngân sách của xã, ông Nguyễn Văn Đồng giơ tay phát biểu dõng dạc rằng: Khoản thu Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất với số tiền hơn 750 triệu đồng thì cũng chưa đủ cho xã trang trải các hoạt động, kể cả khoản phong bao, phong bì khi có khách khứa về thăm.

Chúng tôi cho rằng, hầu hết các ý kiến phát biểu đều đồng tình với chủ trương xây dựng NTM của Nhà nước. Người dân sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để cùng Nhà nước làm. Vấn đề là việc tổ chức thu các khoản phải đưa ra họp bàn để nhân dân quyết định trực tiếp theo đúng quy định trong Pháp lệnh 34 của Quốc hội về quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Huy Oánh rất hoan nghênh, trân trọng, tiếp thu các ý kiến của người dân. Ông Oánh cho rằng, các ý kiến này sẽ được tổng hợp báo cáo lên UBND tỉnh trong việc xử lý các vấn đề báo chí phản ánh.

Sai quy chế dân chủ, sai với nhân dân

Đó là những khẳng định của những ông trưởng thôn mà PV NNVN đã tiếp xúc trong quá trình điều tra về các khoản thu ở xã Thường Nga.

Tại xóm Liên Minh, theo phản ánh của người dân, cách đây ít ngày, ông thôn trưởng Nguyễn Văn Tùng đã mang sổ ghi biên bản họp xóm đến cho người thư ký cuộc họp đề nghị chỉnh sửa, ghi thêm nội dung rằng cuộc họp xóm đã được 75% số hộ tham dự tán thành các khoản thu, mức thu của xã trong vụ đông xuân này.

Khi chúng tôi hỏi có hay không việc này thì ông Tùng bảo không có chuyện đó. Rất tiếc, với đề nghị được xem biên bản họp xóm thì ông Tùng không đồng ý. Được biết, sát ngày xã tiến hành thu, thôn Liên Minh có tổ chức họp xóm nhưng cuộc họp chỉ có ý nghĩa là phát giấy thông báo của xã cho người dân và số hộ tham dự cũng rất ít. Cùng với Liên Minh, các thôn Trung Hòa, Tây Bắc có tổ chức họp dân nhưng cũng chỉ là phát giấy thông báo cho người dân khi mọi việc trên xã đã chốt hạ rồi.

Trao đổi với PV NNVN, bà Nguyễn Thị Minh – Bí thư Chi bộ thôn Chùa Hội cho biết: “Cuộc họp ngày 20/6, tôi đã có ý kiến với UBND xã rằng, tại sao tổ chức thu trong 3 ngày và làm gấp gáp thế này? Người dân sẽ không trở tay kịp để có tiền đóng nộp và không có điều kiện để chỉnh sửa khi phát hiện sai sót trong giấy thông báo”.

Theo ông Trần Xuân Hà – trưởng thôn Chùa Hội thì sau khi nhận được tập thông báo của xã, chúng tôi chia cho các thành viên trong mặt trận thôn để đi phát cho dân kịp ngày đóng nộp. Ông Hà khẳng định: “Dù lý do gì thì việc không tổ chức họp dân để lấy ý kiến thu khoản gì, thu bao nhiêu và báo cáo phương án thu là sai với nhân dân”.

Làm việc tại nhà với ông Ngô Nuôi – trưởng thôn Đông Nam, ông cho rằng, việc phản ánh của báo chí mà có lợi cho nhân dân, có lợi cho cái chung thì nhân dân ủng hộ và bản thân ông cũng rất đồng tình.

Đề cập đến các khoản thu của xã, ông Ngô Nuôi một lần nữa nhấn mạnh: "Thu cao quá nên người dân phàn nàn. Bây giờ nói đến đóng nộp là người dân hại (sợ). Đóng góp chừng mô tội dân chừng nớ. Tôi không muốn người dân đóng góp nhiều. Tội dân".

Hỏi ông Nuôi về việc thực hiện quy chế dân chủ trong đóng góp các khoản thu của xã, ông thực lòng nói: Không riêng gì xóm này, có lẽ cả xã đều như thế. Như thế là sai quy chế dân chủ. Đáng lẽ, thu bao nhiêu, thu khoản gì phải tổ chức họp dân, phân tích và lấy ý kiến của nhân dân bởi dân là người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, nhưng dân không biết. Nếu HĐND không có Nghị quyết cho thu Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất thì đó là UBND xã đã thu sai.

“Làm cán bộ cơ sở trình độ hạn chế, nhưng phải thu đúng, thu hợp lệ, đã sai thì phải sửa. Kể cả những khoản thu chưa đúng cũng cần phải giải thích cho dân được rõ”, ông Nuôi nói với PV.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bắc Kạn lại hứng chịu mưa lớn kèm gió lốc gây nhiều thiệt hại

Khi người dân đang tập trung khắc phục hậu quả dông lốc thì đêm qua, rạng sáng nay (20/4) tiếp tục xảy ra mưa lớn kèm gió lốc gây thiệt hại ở nhiều nơi.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm