| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Diện tích mía giảm mạnh

Thứ Sáu 30/08/2019 , 08:14 (GMT+7)

Ngày 29/8, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2018-2019, triển khai nhiệm vụ, giải pháp vụ năm 2019-2020.

Cây mía… tuột dốc

Những năm trước, mía là cây trồng chủ lực ở Tuyên Quang. Nhờ vậy có không ít những vùng quê giàu lên từ trồng mía. Thế nhưng hiện cây mía đang lao đao. Bởi vậy diện tích vùng nguyên liệu giảm theo từng năm.

Diện tích mía nguyên liệu trong vụ 2019-2020 của Tuyên Quang chỉ đạt hơn 55% kế hoạch.

Chỉ tính riêng vụ ép 2019-2020, UBND tỉnh Tuyên Quang xây dựng kế hoạch duy trì hơn 8.220 ha mía nguyên liệu. Tuy nhiên, khi triển khai thực tiễn, diện tích thực hiện chỉ đạt 4.546 ha, đạt 55,3% kế hoạch. Trong đó diện tích trồng mới được 19,4 ha, đạt 2,7% kế hoạch; trồng lại được 133,8 ha, đạt 9,1% kế hoạch. Mía trồng mới không đạt kế hoạch, trong khi đó diện tích mía phế canh lại hơn 3.636 ha, vì vậy chỉ trong 1 năm diện tích vùng nguyên liệu đã giảm hàng nghìn ha.

Nguyên nhân khiến diện tích mía giảm mạnh là ngành mía đường bị cạnh tranh với thị trường thế giới, vì vậy giá đường giảm, lượng đường tồn kho lớn. Vụ ép năm 2018-2019 Công ty Mía đường Sơn Dương đã ký hợp đồng với người dân với giá thu mua mía nguyên liệu là 900 đồng/kg, nhưng sau đó chỉ thu mua với giá 800 đồng/kg. Mía cho hiệu quả kinh tế thấp, nhiều hộ dân đã bỏ mía sang trồng rừng, cây ăn quả, ngô...

Ông Lê Thanh Nghị, Trưởng thôn Quang Sơn, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn cho biết, với diện tích mới trồng 1 năm thì người dân không phá. Còn những diện tích trồng lâu năm hầu hết các hộ dân phá bỏ. Trước đây thôn có 50 ha thì nay chỉ còn 20 ha.

Riêng gia đình ông, những vụ trước thường xuyên duy trì 2 ha. Nhưng do mía không hiệu quả kinh tế nên giờ chỉ còn 1 ha, diện tích còn lại ông chuyển sang trồng những cây trồng khác. Vụ năm nay, người dân vẫn lo sợ việc công ty mía đường tiếp tục phá vỡ hợp đồng thu mua giá thấp như năm ngoái.  

Hội nghị bàn giải pháp gỡ khó cho ngành mía đường của tỉnh Tuyên Quang.

Niên vụ 2019-2020, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đã ký hợp đồng đầu tư trồng mía với gần 14.000 hộ dân, giảm 6.300 hộ so với vụ 2018-2019. Tổng chi phí đầu tư ứng trước để nhân dân trồng, chăm sóc mía là 34 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc HTX Tam Đa, huyện Sơn Dương cho biết, trước kia diện tích vùng nguyên liệu của HTX là 222 ha, nhưng hiện nay chỉ còn 131 ha. Vụ mía năm nay người dân mong muốn công ty sẽ thực hiện thu mua mía nguyên liệu như hợp đồng ký đã ký ban đầu. Người dân trên địa bàn đang băn khoăn lo lắng, liệu giá 800/kg đã ổn định chưa và việc thu mua mía nguyên liệu có được công ty thanh toán tiền kịp thời không?

Những giải pháp gỡ khó

Trước những khó khăn này, tại hội nghị các ngành chức năng liên quan của tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. 

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, trước khó khăn của ngành mía đường, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung hướng dẫn, đôn đốc nhân dân, doanh nghiệp tổ chức trồng mới, trồng lại và chăm sóc mía theo đúng quy trình kỹ thuật. Các địa phương dõi sát tiến độ sản xuất, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở. Tỉnh cũng ra văn bản thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi với các hộ trồng mía, mức 40 triệu đồng/ha.

Nâng cao năng suất và sản lượng mía, Công ty CP Mía đường Sơn Dương phối hợp với các huyện thực hiện 76 mô hình thâm canh tăng năng suất mía, với tổng diện tích 307 ha. Huyện Chiêm Hóa thực hiện mô hình cánh đồng lớn. Huyện Sơn Dương thực hiện các mô hình xen canh mía với cây đậu, lạc; thực hiện mô hình cánh đồng tập trung tại 37 điểm với diện tích là 106,7 ha.  Huyện Hàm Yên thực hiện 13 mô hình thâm canh tăng năng suất mía nguyên liệu, diện tích là 146 ha...

Cải tạo cơ cấu giống, nâng cao năng suất, chất lượng là một trong những giải pháp được ngành mía đường tỉnh Tuyên Quang đưa ra.

Cải tạo cơ cấu giống mía, Công ty CP Mía đường Sơn Dương đã thành lập lại Trại giống mía tại xã Phú Lương, huyện Sơn Dương trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu mía đường để cải tạo chất lượng giống mía của vùng nguyên liệu mía.

Năm 2018, Công ty CP Mía đường Sơn Dương ký hợp đồng với Trường Đại học Tân Trào để phục tráng các giống mía tốt bằng phương pháp nuôi cấy mô với số lượng từ 40.000 - 100.000 cây giống/năm. Niên vụ ép 2018-2019, diện tích trồng mía giống đạt tiêu chuẩn chiếm khoảng 87,3%; diện tích trồng giống cũ còn khoảng 12,7%.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, trước tình hình khó khăn của ngành mía đường, Công ty đã ra văn bản thông báo với người dân là vụ 2019-2020 sẽ cam kết thu mua hết mía nguyên liệu của người dân. Và cam kết thu mua với giá 800/kg như hợp đồng đã ký kết. Đến ngày 25/7, công ty đã thanh toán hết tiền thu mua mía nguyên liệu của dân trong niên vụ 2018-2019.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.