Chú trọng cải cách hành chính, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang thường xuyên làm tốt công tác tự kiểm tra, giám sát về công tác cải cách hành chính (CCHC) tại các cơ quan, đơn vị. Sở xây dựng kế hoạch tự kiểm tra công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc lồng ghép với kế hoạch CCHC năm 2019. Các tồn tại, hạn chế sau khi tự kiểm tra đã được chỉ đạo khắc phục và rút kinh nghiệm.
Cán bộ, nhân viên Sở NN-PTNT Tuyên Quang việc CCHC theo cơ chế “Một cửa” và trên Trang thông tin điện tử của đơn vị |
Trong năm, sở đã tiến hành rà soát 9 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh ban hành còn hiệu lực thuộc đối tượng rà soát. Sở cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 Nghị quyết có nội dung không còn phù hợp. Sở kịp thời đề xuất với UBND tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung nghị quyết không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, hướng tới nền hành chính hiện đại, Sở tiếp tục thực hiện trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan, đơn vị thuộc sở và giữa sở với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố. Công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “Một cửa” và trên trang thông tin điện tử. Sở đã tích cực áp dụng, duy trì, cải tiến và mở rộng hệ thống quản lý chất lượng theo quy định...
Trong năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai cung cấp 71 thủ tục hành chính mức độ 2, 3 và 4 trên phần mềm một cửa điện tử. Sở cũng xây dựng Kế hoạch về Chuyển đổi xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động. Hệ thống, dự kiến ban hành và áp dụng vào cuối tháng 12/2019 và sẽ thực hiện công bố sau khi áp dụng.
Xác định hiện đại hóa nền hành chính phải bắt đầu từ công tác cán bộ, năm 2019, Sở đã đã cử 16 công chức đi học thạc sỹ; 5 công chức, viên chức học lớp cao cấp lý luận chính trị; 27 công chức đi bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và tương đương; 3 công chức, đi học bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; 2 công chức đi học bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở.
Dấu ấn quan trọng trong năm 2019 của ngành nông nghiệp Tuyên Quang là thực hiện thành lập các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố. Các Trung tâm này được thành lập trên cơ sở sáp nhập lực lượng của 6 Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; 7 Trạm Chăn nuôi và Thú y; 7 Trạm Khuyến nông huyện, thành phố.
Sản xuất mía ở Tuyên Quang. |
Quyết định này đã giúp giảm được đầu mối các đơn vị hành chính. Giảm được đầu mối vị chí lãnh đạo tại các Trạm cấp huyện. Tuy nhiên, do mới thành lập nên việc hoạt động bộc lộ một số khó khăn như: Việc phối hợp giữa Trung tâm với các chi cục và các phòng trực thuộc Sở NN-PTNT chưa thực sự nhịp nhàng, đồng bộ.
Nếu trước đây, khi xảy ra dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y có thể huy động lực lượng và thiết bị ở các trạm để tham gia ứng phó. Nhưng giờ đơn vị chủ quản là UBND các huyện, thành phố, nên Chi cục có muốn điều động cũng khó. Vì vậy việc ứng phó, phòng chống dịch bệnh kịp thời sẽ khó khăn hơn.
Tiếp tục thực hiện giải pháp tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hành chính, Sở NN-PTNT Tuyên Quang đã xây dựng Đề án sắp xếp lại tổ chức bộ máy các phòng chuyên môn, các chi cục trực thuộc đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Đề án được xây dựng nhằm không để trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ được giao.
Theo đề án này, dự kiến đến năm 2021, số đầu mối đơn vị trực thuộc Sở giảm từ 19 đơn vị xuống còn 17 đơn vị. Số đầu mối các phòng nghiệp vụ và tương đương thuộc các đơn vị trực thuộc sở giảm từ 52 đơn vị xuống còn 27 đơn vị. Nếu đề án được thực hiện thành công sẽ giảm được 56 vị trí lãnh đạo quản lý. Gồm có 6 trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở; 50 trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc các đơn vị trực thuộc sở.