| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang nỗ lực bảo vệ an toàn hồ đập

Thứ Ba 28/06/2016 , 06:40 (GMT+7)

Theo Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang, các công trình thủy lợi, hồ đập của tỉnh được xây dựng từ lâu, đã đến tuổi “nghỉ hưu”, nhiều công trình xây đắp thủ công, chưa kè bê tông, chỉ là đập bằng đất, xuống cấp, sạt lở thường xuyên xảy ra.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 2.800 công trình thủy lợi (trong đó khoảng 2.700 công trình có năng lực tưới từ 1ha trở lên) và 3.500 km kênh chính và kênh nhánh (trên 2.100 kênh xây và 1.400 kênh đất) phục vụ tưới 36.809/44.541ha lúa vụ hai vụ, tỷ lệ tưới bình quân cả năm 2015 đạt 82,64% diện tích.

Toàn tỉnh có khoảng 500 hồ đập, chủ yếu hồ đập nhỏ, trong đó có 2 hồ thủy lợi lớn, phục vụ tưới cho toàn tỉnh là hồ Ngòi Là và hồ Hoàng Khai. Hiện đa số công trình thủy lợi, hồ đập hư hỏng, xuống cấp… Sử dụng nguồn tài nguyên nước tiết kiệm, đảm bảo thâm canh cây trồng thì việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi là vấn đề được tỉnh quan tâm.

Theo Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang, các công trình thủy lợi, hồ đập của tỉnh được xây dựng từ lâu, đã đến tuổi “nghỉ hưu”, nhiều công trình xây đắp thủ công, chưa kè bê tông, chỉ là đập bằng đất, xuống cấp, sạt lở thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh đó, vùng hồ đập nằm gần khu vực miền núi, sông, suối, có độ dốc lớn… không trữ nước được nhiều. Các đập dâng cũng không điều tiết được, nước về bao nhiêu thì tràn đi bấy nhiêu. Nhiều công trình thủy lợi, hồ đập chỉ dùng bao cát rồi lấy cọc tre ngăn lại, đắp đất để giữ nước. Năm 2013, đập tràn ở huyện Sơn Dương bị vỡ, cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân.

Ông Nguyễn Công Hàm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tuyên Quang bộc bạch: “Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nghèo, nguồn vốn của tỉnh hạn chế, trong khi đó các công trình tu sửa cần nguồn vốn lớn, nên không thể tu bổ ngay được. Ở những công trình hư hỏng lớn, cấp bách thì ưu tiên, tập trung tu bổ trước, hạn chế tích nước. Chính quyền và nhân dân sẵn sàng bỏ công ra làm. Tuy vậy cũng chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Về lâu dài phải tập trung nguồn vốn lớn sửa chữa mới đảm bảo an toàn tuyệt đối”.

08-23-01_nh-2-12
Người dân vẫn đang sinh sống trong lòng hồ

 

Cùng với các biện pháp trên, Sở NN-PTNT Tuyên Quang cũng xây dựng những kế hoạch cụ thể, rõ ràng để đối phó với sự mất an toàn của các công trình thủy lợi, hồ đập.

Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của UBND các xã có đê phải bố trí lực lượng quản lý đê nhân dân với số lượng từ 1 - 2 người, có nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương trong việc thường xuyên kiểm tra, tuần tra, bảo vệ dọc tuyến đê trên địa bàn; tổ chức, kiểm tra hệ thống tuyến đê và cống dưới đê; thành lập đội tuần tra canh gác đê trong mùa mưa bão; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và hướng dẫn nhân dân các biện pháp chủ động phòng tránh ứng phó khi có thiên tai xảy ra và pháp luật về phòng chống thiên tai, đê điều..

Mặt khác, trong công tác phòng chống lụt bão, UBND các xã còn tổ chức tuyên truyền thông tin trên phương tiện truyền thanh xã, có kế hoạch tổ chức thu hoạch nhanh lúa và hoa màu, tu sửa các công trình nhà cửa, sơ tán các hộ trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.

"Hiện các công trình thủy lợi, hồ đập chỉ là tạm bợ, khi có mưa bão thì hư hỏng nhiều. Mỗi năm có khi sửa lại hai lần. Trong khi đó, ngân sách của tỉnh năm có năm không, chúng tôi phải dùng thủy lợi phí cấp bù để tu sửa, nạo vét các công trình. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 kiên cố hóa 70% các công trình để giảm bớt thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra", ông Phạm Văn Khương, Phó GĐ Ban Quản lý công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang.

Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão theo phương án đã xây dựng, tổ chức lực lượng, vật tư cần thiết để ứng cứu kịp thời khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo phương án "4 tại chỗ". Xây dựng các chương trình, các phương án, sẵn sàng di dời dân nếu nguy cơ vỡ đập hiện hữu...

Vẫn lo ngay ngáy

Để minh chứng cho những nguy cơ mất an toàn về hồ đập, chúng tôi được ông Phạm Văn Khương cùng đi thực tế 2 công trình hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh là hồ Ngòi Là và hồ An Khang, phục vụ tưới khoảng 700ha/năm. Hiện cả 2 công trình đều xuống cấp, ảnh hưởng đến sản xuất và an toàn về mùa mưa bão.

Công trình hồ thủy lợi Ngòi Là thuộc xã Trung Môn, cách TP Tuyên Quang 7 km về phía nam, được xây dựng từ năm 1973, đưa vào sử dụng 1975 và được nâng cấp sửa chữa gần nhất vào năm 1999 bằng nguồn vốn ngân sách của Bộ NN-PTNT. Hồ có diện tích lưu vực 16,7 km2, diện tích phục vụ tưới cho 414 ha.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn hệ thống đê bao của hồ vẫn chưa được đổ bê tông, lát đá, con đê bao quanh khu dân cư sống dưới chân đê chỉ là đê đất. Hiện tại đê đất vẫn giữ an toàn cho những người dân sống xung quanh và dưới đê, nhưng không ai chắc trong mùa mưa bão, hàng triệu m3 nước lơ lửng phía trên có thể đổ xuống nhà dân bất cứ lúc nào.

08-23-01_nh-1-10
Công trình hồ Ngòi Là là đê đất, chưa được kè đá, đổ bê tông

 

Khu vực mái thượng lưu, đã có nhiều vị trí bị sạt lở do chưa được gia cố kiên cố. Lòng hồ có nhiều bãi nổi do bùn cát bồi lắng lâu năm làm ảnh hưởng đến khả năng trữ nước của hồ. Trong khi đó mái hạ lưu, xuất hiện dòng thấm chảy tràn phía trên rãnh thoát nước ngang tại vị trí cửa ra cống tháp và vị trí đập trên dòng chính, mái hạ lưu đập cũng có nhiều tổ mối. Tại tràn xả lũ, có hiện tượng lún, nứt gãy từng đoạn tại vị trí hai bên tường cánh tràn và phần bê tông tiếp giáp tường tràn, lòng tràn. Cống dưới đập không đảm bảo kín nước.

Ông Phạm Văn Khương: “Về lâu dài, công trình hồ Ngòi Là và hồ Hoàng Khai cần được đầu tư nguồn vốn, tu bổ lại hệ thống cũng như trang bị các thiết bị tiên tiến để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Biện pháp trước mắt là nếu bờ đập yếu thì hạ mực nước xuống, không cho tích nước, đồng thời theo dõi, xây dựng các phương án chống đỡ. Nhìn chung tỉnh đã cố gắng hết sức rồi, nhưng lúc nào cũng lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến...”.

Không chỉ vậy, đường cứu hộ từ đập Ngòi Là 1 sang đập Ngòi Là 2 là đường đất, dốc, đi lại rất khó khăn trong mùa mưa lũ. Nguy hiểm hơn, trong khu vực an toàn hồ, lòng hồ một số hộ dân vẫn đang sinh sống, nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Đội trưởng Đội Quản lý khai thác công trình thủy lợi Hồ Ngòi Là lo lắng: “Có nhiều cái lo lắng, trong lòng hồ hiện có khoảng 10 hộ dân đang ở, đơn vị không thể quản lý được. Đất đai họ có sổ đỏ nên di dời phải có nguồn vốn. Đập xây dựng lâu rồi, toàn hệ thống là đê đất, công trình thì xuống cấp, gây mất an toàn cho người dân”.

Theo Chi cục Thủy lợi và Ban Quản lý công trình thủy lợi Tuyên Quang thì biện pháp khắp phục trước mắt là gia cố đỉnh đập, mái thượng, hạ lưu đập đất. Khoanh phục chống thấm một số khu vực thuộc phạm vi đập chính. Tiếp đến là mở rộng tràn xã lũ hiện tại về phía trái từ 5 m thành 17 m và sửa chữa cống lấy nước, nâng cấp đường cứu hộ để chủ động trong phòng chống mưa lũ xảy ra.

Cũng nằm trong nguy cơ mất an toàn, cần tu sửa, hồ thủy lợi Hoàng Khai nằm trên địa bàn xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn đang kêu cứu.

Hồ Hoàng Khai được xây dựng từ những năm 1960 của thế kỷ 20 nên đã lạc hậu. Hồ Hoàng Khai có diện tích 31 ha, phục vụ tưới cho 480 ha/năm. Hiện hồ bị hư hỏng nặng. Lòng hồ có nhiều bãi nổi do bùn cát bồi lắng lâu năm làm ảnh hưởng đến khả năng tích trữ nước. Tại đập chính, đập đất dài 370 m, mặt đập kết hợp làm đường giao thông, hiện tại cũng chỉ rải nhựa một phần, phần còn lại chưa được gia cố, đổ nhựa, bê tông.

Còn tại đập phụ, đập đất dài 150 m, mặt đập kết hợp với đường giao thông, mái thượng lưu chưa được gia cố, chưa đổ bê tông nên bị nước xói mòn toàn bộ chân đập. Đoạn đường từ đập sang tràn là đường đất, đi lại rất khó khăn...

08-23-01_nh-3-4
Hồ Hoàng Khai mới chỉ kè đá, đang hư hỏng, xói mòn

 

Ông Lưu Văn Tài, Đội trưởng Đội Quản lý công trình thủy lợi Hồ Hoàng Khai cho biết: “Năm 2002 hệ thống đê đập chỉ mới kè đá, nhưng cũng chưa đổ bê tông, hiện đã xói mòn, hỏng hóc nhiều chỗ. Bên cạnh đó, hồ này cũng nằm trong khu vực rừng sản xuất của lâm trường Nguyễn Văn Trỗi, nên khi khai thác rừng làm đất đầu nguồn bị xói mòi, sạt lở gây nên tình trạng bồi lắng. Nguồn nước đầu nguồn người dân cũng chặn để phục vụ sản xuất, nước về dưới hồ cũng tích trữ hạn chế. Mặt khác, vận hành công trình chỉ bằng biện pháp thủ công, khi nào mở cống cũng phải 2 - 3 người”.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mời SunRice tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

ĐỒNG THÁP Tập đoàn SunRice đang khuyến khích nông dân ĐBSCL các biện pháp canh tác lúa bền vững và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải carbon bằng 0 trong chuỗi giá trị vào năm 2050.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm