| Hotline: 0983.970.780

Tuyên truyền về giảm lượng giống gieo sạ tại ĐBSCL

Thứ Hai 31/07/2017 , 09:30 (GMT+7)

Nông dân vùng ĐBSCL vẫn sử dụng lượng giống sạ khá cao (phổ biến là 120 - 150kg...

10-30-02-nh-209482574
Tham quan mô hình "Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu" tại ĐBSCL

Giảm lượng giống sạ có ý nghĩa quan trọng, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất; giảm sâu bệnh và chi phí phòng trừ sâu bệnh; giúp cây lúa phát triển khoẻ mạnh, hạn chế đổ ngã, tăng năng suất lúa và tăng lãi cho nông dân vùng ĐBSCL.
 

Lý do hình thành kế hoạch truyền thông

Mặc dù vậy, do nhận thức và năng lực quản lý đồng ruộng còn hạn chế nên nông dân vùng ĐBSCL vẫn sử dụng lượng giống sạ khá cao (phổ biến là 120 - 150kg, cá biệt có vùng nông dân vẫn còn sử dụng tới 200kg/ha).

Trong khi đó, theo khuyến cáo của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, lượng giống phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất lúa là 80 - 100kg/ha. Việc sử dụng lượng giống quá cao không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo và cản trở tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong vùng.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải năm giảm, canh tác lúa cải tiến... để nông dân giảm lượng giống sạ. Năm 2016, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo về giảm lượng giống gieo sạ tại các tỉnh ĐBSCL, đồng thời tổ chức 2 hội nghị phát động chương trình giảm khối lượng giống sạ tại Hậu Giang và Ninh Thuận.

Sau một năm thực hiện, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền thông qua các chương trình tập huấn, mô hình khuyến nông, các dự án hỗ trợ trong nước, quốc tế, từ đó tỷ lệ nông dân sử dụng lượng giống trên 150kg/ha đã giảm 27,63%. Mặc dù vậy, tỷ lệ số hộ sử dụng lượng giống từ 120 - 150kg/ha vẫn còn cao (38,25%), từ 100 - 120kg/ha, dưới 100kg/ha là 7,8%. Đặc biệt, lượng giống sạ vẫn có sự biến động rất lớn giữa các vụ, các tỉnh.

Thực tiễn trên cho thấy, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình truyền thông giảm lượng giống sạ bằng nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả đặc biệt là sự tham gia tích cực, thường xuyên của các cơ quan truyền thông.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt phối hợp với Trung tâm KNQG, Viện Lúa ĐBSCL, Sở NN-PTNT Vĩnh Long và các tỉnh trong vùng, các cơ quan báo đài trung ương và địa phương tổ chức đợt truyền thông giảm lượng giống sạ với các nội dung cụ thể sau:

Mục đích: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong việc quản lý lượng giống sạ phù hợp, góp phần giảm lượng giống, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
 

Hình thức tuyên truyền

-Kêu gọi sự tham gia của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cùng với các phương tiện thông tin báo đài từ Trung ương đến địa phương. Kết hợp tổ chức truyền thông qua các bài viết, bản tin, phóng sự, tọa đàm trên truyền hình, các buổi tuyên truyền trong cộng đồng nông thôn.

-Các chương trình truyền thông sẽ dựa trên tư liệu về hiệu quả của các chương trình, mô hình giảm lượng giống sạ đã thực hiện trong các năm qua, kết hợp tham gia theo dõi, đánh giá và đưa tin về mô hình mẫu do Cục Trồng trọt phối hợp với Trung tâm KNQG, Viện Lúa ĐBSCL, Sở NN-PTNT Vĩnh Long xây dựng trong vụ TĐ 2017.
 

Nội dung triển khai

Hội nghị: Sơ kết một năm thực hiện giảm giống trong vùng ĐBSCL và phát động chương trình truyền thông giảm giống năm 2017 và 2018.

+ Thành phần tham gia: Cục Trồng trọt; Trung tâm ; Viện lúa ĐBSCL, Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV, trung tâm khuyến nông các tỉnh ĐBSCL; đại diện lãnh đạo, nông dân một số huyện trong tỉnh Vĩnh Long;

+ Thời gian dự kiến: Cuối tháng 7/2017.

Xây dựng mô hình trên thực địa phục vụ tuyên truyền:

- Quy mô: 15ha, tại 2 - 3 điểm tại tỉnh Vĩnh Long. Thực hiện gieo sạ ngay trong ngày tổng kết và phát động mô hình.

- Đánh giá, tọa đàm tại ruộng với nông dân có ghi hình và phát sóng định kỳ trên đài truyền hình và đăng bài trên báo ở các giai đoạn: 15 ngày sau sạ (NSS), 30 NSS; 45 NSS; 60NSS; 75 NSS và thu hoạch.

- Tùy vào từng giai đoạn tương ứng đánh giá mối quan hệ giữa mật độ sạ với sự phát triển của cây lúa, diễn biến sâu bệnh và biện pháp quản lý cây trồng.

- Đánh giá cuối vụ về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa.

- Đưa tin về kết quả mô hình: Các báo, đài trung ương và địa phương.

- Đơn vị chỉ đạo kỹ thuật:

+ Viện Lúa ĐBSCL: Thực hiện hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác giảm lượng giống gieo sạ, chuẩn bị nội dung các buổi tọa đàm, truyền thông, viết bài và trả lời kỹ thuật trên báo, đài trung ương và địa phương.

+ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long: Cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên tại mô hình, giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật và kịp thời báo cáo đề xuất những diễn biến xảy ra trong quá trình triển khai mô hình. Báo cáo kết quả thực hiện mô hình vào cuối vụ sản xuất.

+ Cục Trồng trọt, Trung tâm KNQG sẽ phối hợp với Sở NN-PTNT Vĩnh Long lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện nội dung truyền thông giảm lượng giống gieo sạ, tổng hợp đánh giá kết quả; tổ chức sơ kết và tổng kết thực hiện báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.