| Hotline: 0983.970.780

Tuyệt kỹ "kéo bạc"

Thứ Tư 21/01/2015 , 09:18 (GMT+7)

Gọi là nghề “kéo bạc” vì từ một dây bạc thô, người thợ có thể kéo ra thành nhiều sợi dây nhỏ dần đến sợi bé nhất chỉ to hơn sợi tóc…

Xã Mường Hum (huyện Bát Xát, Lào Cai) nằm dưới chân núi Ki Quan San hùng vĩ (tiếng Kinh gọi là núi Mào gà). Giữa trập trùng đồi núi, có một bản nhỏ, nơi luôn rinh reng những tiếng chuông bạc. Đó là thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum, nơi hội tụ những người thợ chế tác bạc nổi tiếng nhất vùng.

Bộ áo mũ gần 70 triệu đồng

Nghe cán bộ văn hóa xã Mường Hum nói có người sở hữu bộ quần áo với giá “khủng” như vậy tôi rất tò mò. Có mặt tại thôn Séo Pờ Hồ, nài nỉ mãi chúng tôi mới thuyết phục được vợ chồng chị Lý Tả Mẩy đồng ý cho xem bộ áo mũ đặc biệt của mình.

Sau những tiếng lạch cạch mở khóa hòm sắt, chị Tả Mẩy từ trong buồng bước ra, trên tay là bộ áo mũ truyền thống của dân tộc Dao đỏ còn mới và được may rất cầu kỳ.

Phần tay áo, cổ áo và yếm được thêu hoa văn rất tinh tế. Điều làm cho bộ trang phục này khác biệt với những bộ quần áo bình thường là được trang trí bởi hàng trăm đồng bạc trắng, hàng trăm quả chuông nhỏ, cúc vuông, cúc tròn và những sợi dây chuyền dài ngắn không đếm xuể. Tất cả đều làm từ bạc trắng, sáng bóng và tinh xảo.

Tôi quan sát tỉ mỉ chiếc mũ. Phần vải trên mũ màu đỏ tươi, được đính vòng quanh 59 sợi dây chuyền bạc, 138 quả chuông bạc và 23 bông hoa ngôi sao bạc lấp lánh ánh kim và rất nhiều đồng xu có hình Nữ thần tự do.

Phần thân áo chủ yếu đính các loại cúc và chuông. Điểm nhấn là 3 chuỗi cúc to hình vuông dọc theo viền chéo trên ngực áo. Mỗi chuỗi có 10 chiếc cúc kết lại với nhau. Trên bề mặt cúc trạm trổ hoa văn rất tinh xảo và đẹp mắt...

Thấy tôi mải ngắm bộ mũ áo, chị Tả Mẩy bảo: Chỉ riêng cái mũ này đã trị giá khoảng 25 triệu đồng, bằng một cái xe máy mới đấy. Còn phần bạc đính trên áo trị giá khoảng 25 triệu đồng. Chiếc yếm có giá 10 triệu đồng. Đó là chưa kể vải và công thêu áo khoảng 5 triệu đồng nữa. Tổng cộng vào khoảng 65 triệu đồng đấy.


Chiếc mũ trị giá 25 triệu đồng, bằng cả một chiếc xe máy mới

Thấy tôi có vẻ chưa tin, chị Mẩy giải thích kĩ hơn: Mỗi sợi dây chuyền dài có gắn chuông và đồng xu có giá 3 triệu đồng. Còn mỗi chiếc cúc vuông cũng có giá 300.000 đồng. Cả bộ cúc vuông trị giá gần 10 triệu đồng. Còn như mỗi quả chuông nhỏ có viên bi bạc bên trong giá thấp nhất cũng 50 ngàn đồng/quả...

Mỗi cặp vợ chồng người Dao đỏ dù nghèo cũng cố sắm một bộ trang phục truyền thống trên dưới chục triệu đồng. Trang phục nữ đắt hơn. Còn trang phục nam, bộ nhiều tiền nhất cũng vào khoảng 25 triệu đồng.

Tôi nhẩm tính mà giật mình, tổng số trang sức bạc trên chiếc áo vào khoảng 90 cây bạc, còn tính ra đô la cho “sang” thì trị giá tới hơn 3.000 USD.

Tôi hỏi: Thế trong thôn còn bộ áo mũ nào nhiều tiền hơn thế không? Anh Tẩn Phù Chu, chồng chị Mẩy, đồng thời là Trưởng thôn Séo Pờ Hồ, đang ngồi bên bàn làm những quả chuông bạc trả lời: Cũng có bộ áo mũ lên tới gần 100 triệu đồng nhưng hiếm lắm. Còn bộ như thế này cả thôn có khoảng 4 - 5 bộ.

Tuyệt kỹ "kéo bạc"

Bản Séo Pờ Hồ nằm bên dòng suối Pờ Hồ trong xanh, dưới chân đỉnh Ki Quan San hùng vĩ giống như chiếc mào của chú gà trống khổng lồ.

Truyền thuyết xưa kể, vào một mùa xuân, khi hoa đào nở đỏ khắp sườn núi Ki Quan San, nàng tiên cả con gái Ngọc Hoàng bay xuống bờ suối dạo chơi và dạy cho nhân dân nơi đây nghề làm ra những trang sức bạc đẹp nhất.

Khi nàng bay về trời, nghề làm bạc được những già làng truyền dạy lại cho con cháu đời này sang đời khác đến tận bây giờ, gọi là nghề “kéo bạc”.

Bản Séo Pờ Hồ có 51 mái nhà của đồng bào Dao đỏ thì có 14 gia đình theo nghề “kéo bạc”. Đây cũng là nơi hội tụ của những người có bàn tay chạm khắc bạc tài hoa nhất vùng.

Trong gian nhà trình tường nứt nẻ, hai vợ chồng người Dao đỏ có thâm niên làm nghề “kéo bạc” lâu nhất vùng này đang miệt mài với công việc. 

Ông Tẩn Phù Sinh đang tỉ mẩn gắp từng chiếc vòng bạc nhỏ xíu xếp thành một chuỗi dài để làm sợi dây chuyền. Còn bà Chảo Sử Mẩy cũng đang cắt những mảnh bạc mỏng tròn xoe để làm ra những quả chuông và cúc áo.


Những chiếc cúc bạc trạm trổ hoa văn tinh tế

Ông Sinh tâm sự: “Mình đã hơn 20 năm theo nghề kéo bạc rồi. Nghề này cần sự khéo tay và kiên trì thì mới làm được. Gọi là kéo bạc vì từ một dây bạc thô, người thợ có thể kéo ra thành nhiều sợi dây nhỏ dần đến sợi bé nhất chỉ to hơn sợi tóc…

Để hoàn thành một sợi dây chuyền dài, người thợ bạc phải làm ròng rã 3 ngày đêm mới xong. Khi thổi bạc để hàn, thợ giỏi phải biết điều chỉnh luồng hơi từ miệng qua ống để ngọn lửa vừa đủ, mối hàn không chỉ bền chắc mà còn đẹp mắt".

Được cha truyền bí quyết, các con ông Sinh là Tẩn Kin Sài, Tẩn Láo Ú, Tẩn San Mẩy, con rể Tẩn Kin Thàng cũng thạo nghề “kéo bạc”.

Rời nhà ông Tẩn Phù Sinh, tôi sang thăm nhà ông Tẩn Phù Thàng, một người có 15 năm trong nghề với bàn tay tài hoa nhất nhì trong bản.

Ông Thàng chia sẻ: “Kéo bạc không chỉ là một nghề truyền thống của dân tộc Dao đỏ mà còn giúp nhân dân trong thôn có cuộc sống khấm khá hơn. Đồng bào Dao đỏ ở khắp các thôn, bản trong huyện Bát Xát, trong tỉnh và cả ngoài tỉnh như Lai Châu, Điện Biên cũng về tận đây đặt hàng.

Đồ trang sức bạc do bà con thôn Séo Pờ Hồ làm ra được đem bán ở chợ phiên và rất đắt hàng vì mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Mỗi năm nhà tôi làm hết khoảng 10kg bạc. Trừ chi phí, mỗi tháng trung bình cũng được 4-5 triệu đồng.


Phụ nữ Dao đỏ trong trang phục truyền thống ở chợ phiên Mường Hum

Tôi dạo một vòng quanh thôn Séo Pờ Hồ. Bên bậc cửa mỗi ngôi nhà, những người đàn ông, phụ nữ Dao đỏ vẫn miệt mài, lặng lẽ và tỉ mẩn chế tác ra những đồ trang sức bạc để làm đẹp cho mọi người.
Ngày mai, bản có cô dâu sắp về nhà chồng. Người mẹ già nua đang run run đính thêm những chùm chuông bạc, cúc bạc vào mũ, vào áo thổ cẩm mới của con gái làm của hồi môn rồi mỉm cười mãn nguyện.

Trong bản có 14 hộ làm nghề kéo bạc đều là hộ khá giàu cả. Ở các xã khác, như Nậm Pung, Dền Sáng cũng có một số hộ làm nghề này, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Nghề bạc cũng kén người lắm. Kéo bạc phải có tâm. Nếu ai giả dối, thần bạc sẽ trừng phạt…”

Tiếng chuông bạc gọi xuân về

Vậy các chàng trai, cô gái người Dao đỏ ở bản Séo Pờ Hồ may những bộ áo mũ cầu kỳ và tốn kém như thế để làm gì? Tại sao lại là bạc chứ không phải thứ kim loại khác như vàng, đồng chẳng hạn. Câu hỏi cứ trở đi trở lại mãi trong đầu tôi.

Ông Tẩn Kim Vảng, Chủ tịch UBND xã Mường Hum, cho biết: Với dân tộc Dao đỏ, trang sức bạc không thể thiếu và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Người Dao đỏ quan niệm bạc đem lại sự may mắn, tài lộc và thể hiện sự giàu sang. Người nào càng lắm bạc thì càng được “thần bạc” phù hộ cho khỏe mạnh, gặp những điều tốt lành, gia đình thịnh vượng, hạnh phúc.

Người ta làm những bộ quần áo nhiều tiền như vậy không phải để nổi tiếng, mà để mong cầu sự bình an và khoe sự giàu sang với bạn bè. Những bộ áo mũ đẹp nhất thường chỉ được người Dao đỏ mặc đi dự đám cưới, đi xuống chợ phiên hay tới thăm anh em, hàng xóm dịp lễ tết quan trọng.

Trang sức bạc đắt tiền cũng là của hồi môn bố mẹ tặng con gái ngày về nhà chồng, hay bố mẹ chồng tặng cho con dâu mới và là lễ vật thách cưới. Ngoài ra, vòng bạc cũng là quà người lớn tặng trẻ nhỏ để cầu mong điều tốt lành cho trẻ…

Tiếng chuông bạc reo ring reng như lời cầu chúc mùa xuân.

Xem thêm
Thủ tướng bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 303/QĐ-TTg ngày 12/4/2024 bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tặng Bằng khen cho những người lan tỏa Bản tin Thời tiết nông vụ

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT được trao cho các đơn vị, cán bộ có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến bản tin thời tiết nông vụ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Kỳ tích' thủy lợi vùng đất lúa

Sau năm 1975, Bình Định gần như trắng hệ thống thủy lợi. Đến nay, tỉnh này đã xây dựng được 164 hồ chứa nước và 31 đập chính trên sông, đó là một kỳ tích.