| Hotline: 0983.970.780

Tuyệt tác giếng cổ

Thứ Hai 02/11/2015 , 07:15 (GMT+7)

Điều đặc biệt cấu tạo địa chất và phong thủy ở đây chỉ có ba cực chủ đạo là đá và nước, cây rau xà lách, còn lại không có bùn đất. 

Cố sử gia Trần Quốc Vượng khi đến thăm hệ thống giếng cổ Gio An, ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, từ mấy chục năm trước đã thốt lên, đây là những công trình độc đáo có một không hai với các yếu tố quan trọng tạo nên sự mới lạ hấp dẫn, đó là mạch nước ngầm và kỹ thuật sắp xếp đá.

Lạnh như hầm nước đá

Trời nắng gay gắt như đổ lửa trên đầu, vừa bước chân xuống giếng Bà ở làng Hảo Sơn, xã Gio An, người bạn của tôi kêu lên, vậy hầm đá lạnh người ta đặt ở đâu mà làm nguồn nước mát đến tê người vậy.

Cái cảm giác mạch nước ngầm mát mẻ đó khiến người bạn ấy mãi không thôi tò mò về hệ thống giếng đá độc đáo này. 

Nếu chi li thì giếng Bà rộng chừng 5 m, dài hơn 10 m, nhìn qua như một bể lắng, xung quanh được gắn từng hòn đá cuội khá lớn bằng một nghệ thuật kiến trúc độc đáo. 

Mực nước của giếng sâu khoảng 0,5 đến 0,7 m. Phía trong, còn gọi là đầu nguồn giếng, có một mạch ngầm lớn hơn thân hình của người trưởng thành. 

Nước từ trong mạch ngầm ấy chảy ra hàng ngàn năm nay lúc nào cũng có cảm giác lạnh toát, nhưng khi đắm mình xuống bể lắng thì người tắm nhận được cảm giác nước không còn lạnh tê buốt, mà rất mát mẻ nên khiến ai cũng mê mẩn, tò mò.

Về mùa xuân, trên nền nước lạnh như đá ấy là làn hơi ấm phảng phất như sương. Ta có thể soi mình vào trong sương, trong làn nước long lanh in bóng đất trời. Tính từ trong đầu giếng ra, khoảng một phần ba chiều dài của giếng được người xưa ngăn lại vừa để làm nơi lấy nước uống hàng ngày, cũng là nơi linh thiêng nên không được vào đó tắm giặt. Mọi sinh hoạt của người dân địa phương được bắt đầu từ hai phần ba giếng trở ra.

Khi nước ngầm chảy ra khỏi diện tích của bể lắng, đổ thẳng ra ruộng rau liệt (xà lách). Điều đặc biệt cấu tạo địa chất và phong thủy ở đây chỉ có ba cực chủ đạo là đá và nước, cây rau xà lách, còn lại không có bùn đất. Vậy nên câu chuyện về cái lạ, độc đáo của giếng cổ này đã làm tiêu tốn không biết bao bút mực công sức của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước hơn thế kỷ qua.

Tuổi thơ của tôi luôn được ngụp lặn trong giếng cổ này là những kỷ niệm không bao giờ quên. Mỗi ngày ít nhất hai lần bọn trẻ chúng tôi xuống ngâm mình trong làn nước trong veo để vừa tắm vừa băn khoăn ai đã làm nên tuyệt tác có một không có hai này.

Cái lạ và hấp dẫn so với các đền đài, thành quách kiến trúc khác, thì khi nhìn vào giếng cổ là không biết chán, mà cảm thấy càng thích thú, tò mò bởi môi trường cũng như cảnh quan xung quanh của giếng.

Thiên nhiên đã tạo ra nguồn nước ngầm hiếm thấy nên thiên nhiên cũng chỉ cho một loại cây duy nhất, là rau liệt sống trên mạch nước ngầm này.

Không chỉ có một giếng cổ

Sẽ thật bất ngờ khi tại xã Gio An không chỉ có một giếng cổ độc đáo mang tên giếng Bà như ở trên, mà còn có hàng chục giếng cổ với các tên gọi như giếng Ông, giếng Gai, giếng Tép, giếng Trạng, giếng Họng, giếng Đìa, giếng Đào, giếng Kình...

15-13-15-gio-n-2162056835
Du khách tự tìm hiểu đến tắm mát trong giếng cổ bình yên ở Gio An

Giếng cổ có hai loại hình kiến trúc chính, gồm giếng có nhiều bậc cấp và bể lắng. Với giếng nhiều bậc cấp thì bậc cao nhất là bể lắng, tiếp đến là bộ phận tràn và bể chứa có hình tròn hay bầu dục được xếp đá xung quanh. 

Nước được dẫn xuống bên ngoài phục vụ sinh hoạt hằng ngày qua máng đá rồi dội vào người. Phần tiếp theo của giếng là bể chứa thường sâu 1 m, rộng từ 15 đến 20m. Cuối cùng là kênh mương dẫn nước từ bể chứa ra ruộng đồng.

Ông Hồ Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Gio An, ước gì hằng ngày có du khách trong và ngoài nước đến tham quan giếng cổ để xã có thêm một phần kinh phí từ việc bán vé du lịch để góp phần tôn tạo hệ thống giếng cổ. Khi các giếng cổ được đưa vào khai thác du lịch sẽ kéo theo một loạt dịch vụ phát triển.
Ước mơ của ông Hải không phải không làm được, mà do tầm nhìn làm du lịch của những người có chức năng phát triển nó không nhìn thấy hoặc chẳng quan tâm. Chỉ thu tiền từ những di tích có sẵn với lối làm du lịch cũ rích.

Loại giếng thứ hai có kiến trúc đơn giản hơn một tí là chỉ có bể lắng, có bể chứa sâu ngang cửa mạch nước ngầm rồi kè đá xung quanh vách ở ba phía. Nước từ mạch ngầm chảy trực tiếp ra bể rồi đổ ra cửa thoát phía ngoài mương ruộng rau như những các công trình dẫn thủy nhập điền độc đáo. Đặc điểm kỹ thuật nổi bật của hệ thống giếng cổ đều được xây dựng theo phương thức xếp kè đá.

Tiền nhân đã chọn ở phần chân các quả đồi có sự chênh lệch về độ cao, nơi có hệ thống nước tự nhiên để xếp đá, làm kè, tạo ra các bể lắng, vách ngăn hay tạo ra các máng dẫn nước cũng bằng đá rất kỳ công thông qua kỹ thuật chế tác gọt, đẽo.

Có lẽ khi xây dựng hệ thống giếng cổ tiền nhân chúng ta không ngoài hai mục đích là sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày và phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

 Chính đặc điểm mạch nước ngầm lạnh toát hơn các nơi khác và phong phú về loại hình kiến trúc đã tạo nên tính độc đáo cho các giếng cổ. Vì vậy mà một thế kỷ qua đã có nhiều ý kiến về chủ nhân của các giếng cổ ở Gio An. Đầu thế 20, nhà nghiên cứu người Pháp có tên M.Colani cho rằng hệ thống giếng cổ này thuộc về một dân tộc lạ, chắc chắn để lại hậu duệ tại Quảng Trị.

Rồi L.P Cadière cho rằng những người xây dựng giếng cổ trên đến từ những dân tộc lạ, có thể là những người từ biển vào. Có nhà nghiên cứu cho rằng các giếng trên của các chiến tù nhà Mạc đến Gio An từ 1572...

Song đa phần các nhà nghiên cứu sử học sau 1975 đến nay đều cho rằng chủ nhân các giếng là người Chăm Pa. Trăm năm nay ai cũng có chứng cứ khoa học của mình khẳng định chủ nhân các giếng cổ. Và điều ấy càng làm cho những ẩn số của giếng cổ vô cùng lý thú, cần được nhiều người kiến giải hơn.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đến đây và tỏ ra quá đỗi ngạc nhiên khi các giếng cổ chưa được du khách biết đến. Hạn chế ấy là do chúng ta hôm nay chưa biết phát huy giá trị văn hóa người xưa để lại.

Có nghĩa rằng phải biết biến những sản phẩm văn hóa ấy thành những giá trị năng động thì di tích mới phát huy được giá trị của mình. Hiện tại giá trị kinh tế du lịch của hệ thống giếng cổ Gio An chỉ là con số không tròn trĩnh.

Lần này trở lại thăm giếng cổ tôi nghe được câu chuyện những nhà chức trách ở Quảng Trị đang có dự định viết hồ sơ di sản cho hệ thống giếng cổ Gio An để cấp có thẩm quyền trình lên UNESCO...

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.