Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị |
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; cùng 19 Bộ ngành TW và đại diện các Sở ban ngành của TP.HCM.
TP.HCM kiến nghị thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp
Báo cáo tại hội nghị, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 21 và Nghị quyết 54 chính là khâu đột phá trong cải cách hành chính của TP.HCM, tạo sự chuyển biến trong hoạt động của các tổ chức và cơ quan Đảng, tập trung vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chăm lo đời sống nhân dân, quan tâm nhiều hơn công tác xây dựng Đảng, bảo đảm các nguyên tắc trong sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Chú trọng thực hiện chặt chẽ các khâu công tác cán bộ, khắc phục những hạn chế, thiếu sót; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu làm việc kém hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và công tác quản lý cán bộ.
Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều giải pháp đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn của TP, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, kết luận rõ ràng, chính xác; tăng cường kiểm tra, giám sát một số nội dung trọng điểm thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nội dung Đề án theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Quốc hội đã có tác dụng nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của TP trong việc quyết định phân bổ ngân sách TP, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư nhóm A sử dụng ngân sách TP, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, ban hành các mức phí cần thiết phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của thành phố, làm cho các quyết định này nhanh hơn, sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn...
Kiến nghị trước Bộ Chính trị, Ban bí thư, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay đội ngũ cán bộ đương nhiệm và quy hoạch các chức danh theo quy định của TP khá đông, chỉ tiêu đào tạo được phân bổ cho TP chưa đáp ứng yêu cầu về trang bị trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt TP. Vì vậy, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM kiến nghị với Ban Bí thư cho phép TP được thực hiện thí điểm chủ động đào tạo lý luận chính trị trình độ cao cấp tại Học viện cán bộ thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, xem xét chấp thuận mở rộng đối tượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị đến cán bộ đương nhiệm bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài, nhà xuất bản; cán bộ thuộc khối nội chính (thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân TP, đội trưởng, đội phó thuộc Công an TP và các chức danh tương đương trở lên,...).
Cùng nhau hợp tác hỗ trợ phát triển TP.HCM sánh ngang với các TP trong khu vực châu Á
Phát biểu định hướng hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đặc biệt là chống lại biểu tình, khiếu kiện kéo dài… nhưng TP.HCM đã có rất nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018. Cụ thể, các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%; thu ngân sách nhà nước dù dự toán được giao khá cao nhưng cơ bản TP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhiều vụ việc kéo dài đã được tập trung xử lý. TP đã khắc phục những khó khăn, đưa ra nhiều biện pháp sáng tạo, biện pháp đặc thù để tạo điều kiện phát triển kinh tế, thực hiên chỉ tiêu cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, đặc biệt là chống lại biểu tình, khiếu kiện kéo dài… nhưng TP.HCM đã có rất nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018 |
“Trong quá trình thực hiện có nhiều vấn đề được đưa ra rất tốt, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa có biện pháp làm rõ, làm cho TP còn nhiều trở ngại, khó khăn. Ở cuộc họp này, các cơ quan TW sẽ cùng với TP.HCM để tạo điều kiện tháo gỡ từng bước cho TP.HCM phát triển ngày càng vươn lên tầm cao. Làm sao để TP.HCM không chỉ so sánh ở Khu vực Đông Nam Á, mà phải so sánh với các thành phố trong Khu vực Châu Á như HongKong, Singapore… Muốn như vậy, phải cùng “xắn tay áo”, trên dưới một lòng, cùng nhau hợp tác hỗ trợ, phát triển, phân công giao nhiệm vụ cụ thể theo đúng pháp luật…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ trì, phối hợp TP.HCM sớm hoàn thành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt tổng mức đầu tư dự án Xây dựng Đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) Chủ tịch UBND Thành phố kiến nghị Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ: xem xét cho phép TP.HCM xác định số lượng công chức để phù hợp với quy mô và đặc thù của một đô thị đặc biệt là 13.049 biên chế (năm 2015 Bộ Nội vụ giao 8.450 biên chế hành chính); Chấp thuận chấm dứt thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) theo Kết luận số 15 ngày 18/10/2007 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20 và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 2103 ngày 4/11/2009. Đồng thời chấp thuận chủ trương cho phép Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện thí điểm việc thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh... |