| Hotline: 0983.970.780

Tỷ lệ béo phì ở phụ nữ Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới

Thứ Sáu 24/06/2022 , 14:59 (GMT+7)

Người dân Việt Nam khó chi trả cho chế độ ăn lành mạnh, theo ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo Khởi động Sáng kiến ShiFT do CGIAR phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu chính Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu chính Hà Nội.

Sáng 24/6, Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) - một thành viên của Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) phối hợp các đơn vị của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến Khởi động Sáng kiến “Chế độ ăn lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống thực phẩm” (Sáng kiến ShiFT).

Theo các chuyên gia của CIAT, chế độ ăn kém chất lượng ảnh hưởng đến nhiều thể suy dinh dưỡng khác nhau. Cụ thể, tại Việt Nam, 26,6% dân số hiện không thể chi trả cho chế độ ăn lành mạnh.

Một thống kê nữa được nêu trong hội thảo, đó là trong vòng 20 năm qua, Việt Nam là nước có tỷ lệ béo phì ở phụ nữ tăng nhanh nhất trên thế giới. Ở trẻ em (5-19 tuổi), tình trạng thừa cân và béo phì đã tăng từ 8,5% (năm 2010) lên 19% (năm 2020).

Các chính sách về chế độ ăn lành mạnh được xây dựng từ lâu, nhưng việc thực thi còn hạn chế. Nguyên nhân bởi nhận thức, thu nhập, khả năng tiếp cận với nguồn thực phẩm đủ dinh dưỡng của Việt Nam chưa đồng đều tại các vùng miền.

Sáng kiến ShiFT, 1 trong 9 sáng kiến được CGIAR nêu và đã lên kế hoạch triển khai tại Việt Nam, nhằm mục đích giải quyết vấn đề này.

Với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm, đất đai và nước trong bối cảnh đối mặt với các thách thức của biến đổi khí hậu, ShiFT là sáng kiến duy nhất tập trung vào đảm bảo chế độ ăn lành mạnh bền vững cho tất cả mọi người thông qua chuyển đổi hệ thống thực phẩm.

Ông Mark Lundy, Phó Giám đốc Sáng kiến SHiFT.

Ông Mark Lundy, Phó Giám đốc Sáng kiến SHiFT.

Ông Mark Lundy, Quản lý toàn cầu lĩnh vực Nghiên cứu Môi trường thực phẩm và hành vi người tiêu dùng tại Tổ chức Liên minh BI&CIAT, Phó Giám đốc Sáng kiến ShiFT cho biết, sứ mệnh cốt lõi của ShiFT là đảm bảo sự gắn kết các bên liên quan và nâng cao năng lực, thông qua việc cùng sáng tạo và sử dụng hiểu biết sâu về những đổi mới tiềm năng.

"Chúng ta cần hiểu được các rào cản đối với sự thay đổi, cũng như mối quan hệ giữa các bên liên quan; đồng thời xác định và cân nhắc các chi phí cơ hội và lợi ích trong quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm", ông Lundy nói.

Nhấn mạnh về sự phù hợp của Sáng kiến ShiFT với các mục tiêu phát triển quốc gia, ông Lundy cho rằng, các bên liên quan cần có chung nhận thức và tiếng nói trong quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện tại.

Mục tiêu của ShiFT là giúp người dân tiếp cận với nguồn cung thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, giá cả phải chăng, và sản xuất bền vững, đồng thời cải thiện sinh kế, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong tất cả các lĩnh vực của hệ thống thực phẩm.

Sau Hội thảo Khởi động ngày 24/6 tại Hà Nội, các đồng sáng lập ShiFT sẽ có những buổi làm việc chuyên sâu với những cơ quan quản lý tại Việt Nam, nhằm tìm ra cơ chế hợp tác trong quá trình triển khai sáng kiến, đảm bảo phù hợp với quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm.

PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

ShiFT được triển khai trong 3 năm từ năm 2022 - 2025, gồm 5 hợp phần. Một, xác định đặc điểm về thói quen tiêu dùng thực phẩm, chế độ ăn, tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của người tiêu dùng, đặc biệt các nhóm yếu thế tại Việt Nam.

Hai, xác định các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và tác nhân khu vực phi chính thức tại Việt Nam có thể cung ứng thực phẩm giàu dinh dưỡng và bền vững.

Ba, xác định rào cản về chính sách và quản trị dẫn tới hệ thống thực phẩm chưa bền vững.

Bốn, lượng hóa sự đánh đổi giữa các kết quả của hệ thống thực phẩm, đồng thời thiết kế và thực hiện các công cụ hỗ trợ ra quyết định, dựa trên phân tích các kịch bản của sự đánh đổi trong hệ thống thực phẩm.

Năm, tham gia và gắn kết vào quá trình tham vấn đa bên cấp quốc gia ở Việt Nam, nhằm phát triển và hỗ trợ sự chuyển đổi của hệ thống thực phẩm.

Đánh giá về Sáng kiến ShiFT, PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ: “ShiFT rất phù hợp với chiến lược hành động quốc gia của Việt Nam trong việc chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng bền vững, minh bạch và có trách nhiệm nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nói thêm: "Không chỉ ăn đủ, ăn ngon, người dân cần quan tâm đến cả ăn đúng. Do đó, bên cạnh việc thay đổi tư duy từ sản xuất đến tiêu dùng, chúng ta cần thay đổi tư duy của cả hệ thống lương thực thực phẩm”.

Chung quan điểm, TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững thông qua giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp đa giá trị và định hướng thị trường đã trở thành mệnh lệnh cho toàn ngành nông nghiệp".

CGIAR là mối quan hệ đối tác toàn cầu hợp nhất của các tổ chức quốc tế tham gia nghiên cứu về an ninh lương thực như: Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI)...

CGIAR được tài trợ bởi các thành viên như Mỹ, Canada, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Australia, Nhật Bản và một số tổ chức như FAO, UNDP, WB, ADB... Sau quá trình chia tách, hợp nhất, CGIAR hiện còn 15 trung tâm, tập trung chủ yếu tại châu Á.

Phần lớn tác động của các trung tâm CGIAR đến từ việc cải thiện nguồn gen cây trồng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cách mạng xanh. 

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm