| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú cá sấu quê lúa

Thứ Sáu 13/04/2012 , 09:43 (GMT+7)

Trại cá sấu của anh Trần Ngọc Hiếu, xã Thụy Duyên (Thái Thụy- Thái Bình) xứng danh lớn nhất miền Bắc với diện tích hơn 1 ha và gần 300 trại vệ tinh.

Sở hữu trại cá sấu rộng hơn 1 ha và gần 300 trại vệ tinh phân bố ở 8 tỉnh phía Bắc, xuất ra thị trường trong và ngoài nước gần 50.000 con cá sấu/năm, giá trị cả chục tỷ đồng, trại cá sấu của anh Trần Ngọc Hiếu, xã Thụy Duyên (Thái Thụy- Thái Bình) xứng danh lớn nhất miền Bắc.

MÔ HÌNH LÝ TƯỞNG

Tới thăm trại cá sấu hay nói đúng hơn là Cty CP Thương mại Vương Thảo do anh Hiếu làm chủ, đúng lúc anh vừa xuất 2.000 con cá sấu sang Trung Quốc. Quan sát cơ ngơi của anh, chúng tôi thấy trại sấu được chia ra nhiều khu một cách khoa học để quản lý dịch bệnh cũng như chăm sóc, thu hoạch.

Khu cá bố mẹ xấp xỉ trăm con, mỗi chú nặng ngót nghét tạ được  nuôi theo kiểu bán hoang dã. Nối tiếp là hệ thống chuồng nuôi cá sấu con rồi đến chuồng cá sấu thương phẩm. Phía ngoài, anh Hiếu dành khu vực rộng lớn để chế biến thức ăn cho cá cũng như chỗ ăn ở cho 25 công nhân làm việc tại trại. Bên cạnh đó, anh còn dành một khu ao xây dựng nhà hàng nổi bán thịt cá sấu quảng bá cho khách đến liên hệ mua hàng.

Dù bước đầu gặt hái được thành công khi XK 2.000 con cá sấu thương phẩm theo hợp đồng XK 50.000 con cá sấu sang Trung Quốc, nhưng với một người có đầu óc sáng tạo như Trần Ngọc Hiếu, điều đó vẫn chưa đủ. Anh cho biết, đang cùng một số đồng nghiệp xây dựng hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến da và thịt cá sấu cung cấp cho các DN trong và ngoài nước, để trong tương lai Cty sẽ chủ động được cả đầu vào và đầu ra.

Anh chẳng ngần ngại thừa nhận, dù đối tác phía Trung Quốc làm ăn sòng phẳng, đàng hoàng song phụ thuộc duy nhất vào thị trường này là rất mạo hiểm. Vì vậy, ngay từ bây giờ anh đã chủ động đi tìm thêm thị trường, bạn hàng mới trong lúc chờ đợi cơ sở chế biến da cá sấu ấp ủ ra đời.

Trong câu chuyện đầy hoài bão và quyết tâm của tỷ phú cá sấu quê lúa Thái Bình, được biết anh sinh năm 1959 trong gia đình khá đông anh em. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hiếu nhập ngũ như nhiều thanh niên lúc bấy giờ. Những ngày đóng quân ở Nha Trang- Khánh Hòa, địa phương có phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ, Hiếu nhận thấy vùng đất Thái Bình tiềm năng nuôi trồng thủy sản cũng rất lớn nên ấp ủ sau này sẽ sinh cơ lập nghiệp tại quê hương.

Năm 1983, Hiếu về quê bắt tay vào thực hiện ước mơ với mô hình trồng cây cảnh và nuôi các con đặc sản là ba ba, kỳ đà, nhím, dế… Tuy nhiên, với những loài vật này, dù kiếm được khoản lợi nhuận tương đối lớn từ bán giống nhưng anh không khoái lắm bởi chỉ duy trì được một thời gian là thị trường trở nên bão hòa, sản phẩm lại ế tràn lan. Như con dế, con nhím chỉ khổ những người chậm chân nuôi sau.

Vậy là Hiếu lại tiếp tục chặng đường tìm tòi những loài vật nuôi mới để đưa về làm giàu tại chính mảnh đất quê hương. Và rồi, tình cờ trong một lần đưa gia đình vào chơi Thảo Cầm Viên (TP. HCM), Hiếu mê con cá sấu và quyết định đi tìm hiểu loài bò sát hung dữ này. Cơm đường cháo chợ lang thang, lần mò thăm quan khắp các cơ sở nuôi cá sấu tại miền Nam, anh quyết chí đưa con cá sấu về Thái Bình nuôi thử nghiệm.

Ngày đó, con cá sấu với người dân miền Bắc còn khá mới mẻ nên khi Hiếu đưa về nuôi nhiều người đến xem và cười khẩy cho rằng sẽ không bao giờ thành công vì cá sấu chỉ thích hợp với khí hậu, thời tiết miền Nam. Vét sạch tiền trong túi mua 4 con cá sấu giống hết gần 7 triệu đồng về nuôi thử không ngờ thành công luôn, hai năm sau Hiếu bán được 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận cũng được khoản kha khá so với giá trị đồng tiền ngày bấy giờ.

THÀNH CÔNG VÌ KHÔNG ĂN XỔI

Vui mừng khấp khởi trước thành công đầu tiên, năm sau Hiếu đầu tư mở rộng trang trại quy mô lớn theo từng năm. Tuy nhiên, khi số lượng cá sấu trong trại tăng lên tới con số hàng nghìn con khiến đầu ra bắt đầu bức bí.

Nhớ lại kinh nghiệm ngày trước, nếu chỉ “ăn xổi” bán giống chắc chắn kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng không bền vững. Mặt khác làm vậy là vô tình đẩy bao người dân nuôi cá sấu sau này lâm cảnh khốn đốn nên Hiếu quyết định phải tìm đầu ra  lâu dài.

Chạy xe bạc mặt rong ruổi khắp các tỉnh phía Bắc chào hàng, song sản lượng cá sấu bán được chẳng thấm vào đâu so với số lượng anh có. Sau nhiều tháng vắt óc suy nghĩ thử nghiệm đủ cách thức, Hiếu thử vận dụng thương mại điện tử vào quảng bá sản phẩm không ngờ có hiệu quả.

Ban đầu là người trong nước tìm đến mua cá giống, cá thịt, sau có cả khách hàng Trung Quốc sang tham quan học hỏi đặt liên hệ mua hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, có mối hàng rồi, nhưng xuất bán được hay không còn khó khăn phức tạp hơn  do cá sấu thuộc danh mục động vật hoang dã, muốn XK phải có giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Vậy là một lần nữa, người đàn ông cần cù quê lúa lại bền bỉ lên mạng mày mò tìm hiểu thông tin để được XK cá sấu. Nhưng anh cứ như lạc vào mê cung với vô vàn các văn bản, giấy tờ. “Bực mình tôi thuê riêng một phiên dịch sang Trung Quốc hỏi đối tác xem nước bạn cần những giấy tờ hợp pháp nào để con cá sấu của VN có thể tiếp cận công khai qua đường chính ngạch chứ không phải mạo hiểm xuất qua đường tiểu ngạch.

Khi đã có được hợp đồng và giấy tờ XK cá sấu sang Trung Quốc, anh Hiếu lại vấp phải mánh khóe làm ăn khi đối tác yêu cầu chỉ mua cá sấu 15 kg để lấy được nhiều da. Tuy nhiên, nếu bán cá trọng lượng như vậy người nuôi thua thiệt lớn vì đây là thời điểm cá tăng trọng nhanh nhất. Phải vận dụng nhiều mẹo thương thảo anh Hiếu mới gỡ lại được để bán xen trộn cả cá sấu to và nhỏ, tránh được thiệt hại kinh tế hàng hàng tỷ đồng.
Đúng là "đi một ngày đàng học một sàng khôn", sau chuyến đó tôi đã thiết lập thành công mối hàng với 3 đối tác Trung Quốc cũng như giấy tờ cần thiết để cuối năm 2011 vừa qua, Cty tôi là một trong những DN đầu tiên của VN được cấp hạn ngạch XK hơn 2.000 con cá sấu sang Trung Quốc”, anh hồ hởi khoe.

Cùng chúng tôi ngắm nhìn chuồng cá sấu chuẩn bị xuất bán, với ánh mắt đầy hy vọng xen lo lắng, anh Hiếu bảo quyết tâm từ nay đến hết năm 2015 cố gắng thành gói hợp đồng 50.000 con cá sấu đã ký với đối tác Trung Quốc.

Để hiện thực hóa kế hoạch, từ năm 2010 anh Hiếu giúp đỡ 276 hộ nông dân tại 8 tỉnh phía bắc giống, vốn và kỹ thuật thành lập trại nuôi cá sấu vệ tinh cho mình với số lượng xấp xỉ 30.000 con/năm. Hiếu bảo rằng, lúc đầu do sốt sắng lo đủ hàng cung ứng đối tác anh đầu tư hết cho các trang trại vệ tinh từ giống, thức ăn, kỹ thuật đến đầu ra, nhưng kết quả thu được vô cùng thất vọng khi người dân không phải bỏ tiền; họ làm việc rất thiếu trách nhiệm khiến cá sấu bị chết, còi cọc rất nhiều.

Sau rút kinh nghiệm, anh Hiếu chỉ cung cấp kỹ thuật, nhận bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ một phần đầu ra. Ngay lập tức ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi cải thiện rõ rệt và đã đi vào guồng, mỗi năm cung cấp cho thị trường xấp xỉ 50.000 con cá sấu thương phẩm với trọng lượng 20- 40 kg/con, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng.

Xem thêm
'Bóc’ các điểm chăn nuôi lợn quy hoạch đầu nguồn nước

QUẢNG TRỊ Sau một loạt các sự cố môi trường trong chăn nuôi, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định đưa ra khỏi quy hoạch điểm chăn nuôi lợn đầu nguồn nước.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm