| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú... dừa

Chủ Nhật 29/04/2012 , 09:15 (GMT+7)

Trong số hàng ngàn hộ nông dân trồng dừa thì gia đình ông Trần Văn Lẹ, SN 1964, ấp Phú Quới, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Bắc là một điển hình.

Sau 37 năm giải phóng, dừa đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo số một trên trên quê hương Đồng Khởi. 159 triệu USD/năm, chiếm 43,8% giá trị kim ngạch XK mà cây dừa đem lại cho tỉnh Bến Tre, là con số rất ấn tượng.

Hơn nữa, trong tương lai dừa là cây trồng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để phát huy vai trò và giá trị của cây dừa đòi hỏi nông dân không ngừng sáng tạo trong việc ứng dụng KHKT vào SX, đạt hiệu quả cao.

ĐI LÊN TỪ DỪA

Trong số hàng ngàn hộ nông dân trồng dừa thì gia đình ông Trần Văn Lẹ, SN 1964, ấp Phú Quới, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Bắc là một điển hình. Ông Lẹ có cách trồng dừa không cần bón phân mà cây dừa vẫn cho trái xum xuê quanh năm, không bị dừa treo. Nhờ đó ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen “Nông dân tiêu biểu trong việc phát triển cây dừa Bến Tre” ngay dịp Festival Dừa Bến Tre lần 3 vừa qua.

Ông Lẹ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Cha mẹ ông là người từng tiếp tế nuôi cán bộ khởi nghĩa. Người anh thứ 2- Trần Tuấn Duy là tử sĩ và người thứ 6- Trần Văn Sơn là liệt sĩ.

Trong thời chiến ông Lẹ chưa đủ tuổi tham gia quân ngũ nhưng đã chứng kiến nhiều cảnh bom rơi đạn lạc. Đã từng thấy trực thăng oanh tạc trên ngọn dừa. Những người cách mạng kiên trung đã mượn thân dừa tránh bom, mìn của Mỹ. Sau ngày hòa bình ông tự nguyên tham gia làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc ở chiến trường Campuchia. Qua 4 năm nghĩa vụ, ông trở về lập gia đình và bắt tay vào cải tạo 1 ha đất vườn tạp của bố mẹ để lại.

Cây dừa vốn đã được ông, cha trồng từ năm 1960, đủ loại giống nhưng trái rất to, đến năm 1990 tiếp nhận khu vườn thì dừa cho trái không được nhiều do khâu chăm sóc kém; dừa không được vun gốc, tưới nước, bón phân. Ông bắt tay vào vun gốc, bón phân, trồng thêm để thay thế những cây dừa đã lão hóa.

Lúc đó năng suất dừa thu được khoảng 700 trái/tháng. Đến năm 2009 Phòng NN- PTNT huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Bắc) triển khai xây dựng mô hình hầm ủ biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi heo. Với đàn heo 200 con nuôi quanh năm, ông vẫn chưa biết tận dụng nguồn phân từ gia súc để phát huy hiệu quả chăn nuôi. Ông được tiếp cận tài liệu kỹ thuật xây dựng hầm ủ biogas nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường, chứ chưa nghĩ đến chuyện lấy nguồn phân hoai mục để bón cho dừa.


Ông Lẹ bên gốc dừa cho trái xum xuê không cần bón phân hóa học

Ông đầu tư làm hầm ủ biogas, đưa vào sử dụng được 15 ngày thì phát hiện chất thải bốc mùi giống phân urê. Bèn lấy ngay máy bơm chất thải từ ủ hầm biogas lên tưới cho 10 cây dừa. Tưới liên tục trong thời gian khoảng 1 tháng thì thấy tàu lá xanh thêm, trái dừa non không còn rụng nhiều như trước.

Thấy hiệu quả ông đã mướn nhân công đắp be cặp mé mương xung quanh bờ để khi bơm chất thải từ hầm ủ biogas không chảy xuống mương. Hàng ngày, ông bơm phân vi sinh từ hầm chứa biogas trước khi dội chuồng. Tháng nắng thì ngày nào cũng bơm, tháng mưa thì bơm vào những lúc vườn dừa khô ráo. Hiệu quả rất cao, không tốn tiền mua phân bón mà năng suất dừa vẫn cao gần gấp đôi.

GIẢI QUYẾT TRIÊT ĐỂ Ô NHIỄM

Ông Lẹ tính: Khi chưa có hầm ủ biogas phải sử dụng phân hóa học để bón cho vườn dừa xen ca cao khoảng 500 kg/năm/ha nhưng năng suất dừa chỉ khoảng 700 - 800 trái/tháng/ha, ca cao cho trái không nhiều. Khi sử dụng phân vi sinh từ hầm ủ biogas năng suất dừa tăng lên từ 1.200 - 1.300 trái/tháng/ha, ca cao cũng tăng năng suất vượt trội.

“Bến Tre cần chú trọng quy hoạch vườn dừa tại vùng đất thích hợp, đầu tư nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng về giống, đầu tư mới và nâng cấp các nhà máy SX, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến các sản phẩm từ dừa để ngày một nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm", Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Ba năm nay ông Lẹ không còn sử dụng phân hóa học bón cho dừa. Tuy nhiên vào những lúc mưa dầm thì có bón kali để hạ phèn, chống rụng trái. Đơn giản mà mang lại hiệu quả nên 1 ha vườn đủ cho 3 con ăn học đại học, 1 đứa đã ra trường và có việc làm ổn định.

Theo ông, sử dụng biogas lợi ích lớn nhất là giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Nếu như trước đây chưa xây hầm ủ biogas thì chất thải trong nuôi heo thả ra mương, môi trường bị ô nhiễm nặng. Từ khi sử dụng hầm ủ bài toán ô nhiễm môi trường không chỉ giải quyết triệt để, mà còn mang lại giá trị kinh tế tăng cao gấp đôi. Hơn nữa có hầm ủ biogas không còn sợ nước mặn tấn công vườn dừa. Trại heo 200 con của ông Lẹ rất sạch, giăng mùng gần trại ngủ vẫn không có mùi hôi thối như trước khi chưa có hầm biogas (!).

Mô hình hầm ủ biogas trong chăn nuôi heo lấy phân vi sinh tưới cho vườn dừa đã và đang được nhiều người trồng dừa áp dụng. Ông Nguyễn Văn Đông sát nhà ông Lẹ cũng áp dụng mô hình này rất thành công, môi trường trong chăn nuôi được khắc phục triệt để.

Ông Lê Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: Toàn xã có hơn 558 ha đất trồng dừa, trong đó gần 487 ha cho trái. Mô hình chăn nuôi heo có xây dựng hầm biogas lấy phân vi sinh tưới cho vườn dừa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó dừa tăng sản lượng trái khoảng 30 - 40%, giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình của ông Lẹ.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.