| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú mía ở Đa Kai

Thứ Tư 22/06/2011 , 13:46 (GMT+7)

Với 17 ha mía nguyên liệu và 2 cơ sở ép mía thủ công, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Ngọc Linh (xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) đã có thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Với 17 ha mía nguyên liệu và 2 cơ sở ép mía thủ công, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Ngọc Linh (xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) đã có thu nhập trên 1 tỷ đồng.

TỪ CON TRÂU SỨT MŨI

Sinh ra và lớn lên ở dải đất cằn miền Trung (huyện Núi Thành, Quảng Nam), từ nhỏ Nguyễn Ngọc Linh đã thấu hiểu nỗi cực nhọc của người nghèo khó. Những thúc bách cơm áo gạo tiền khiến anh dồn quyết tâm đưa gia đình vào Nam lập nghiệp.

Anh Linh kể: “Khoảng năm 1990 mình bắt đầu đưa gia đình vào Lâm Đồng lập nghiệp. Lận đận mất khoảng dăm năm ở Bảo Lộc do làm vườn thất bát, mình chuyển về xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Đến Đa Kai với hai bàn tay trắng, may sao vợ chồng mình được gia đình bác Ba ở thôn 2 bán thiếu cho 1,5 ha đất với giá 14 chỉ vàng. Gia tài lớn nhất của gia đình lúc đó là một con trâu sứt mũi. Nhưng cũng nhờ nó mà mình mạnh dạn khai phá. Số đất 1,5 ha vợ chồng mình tập trung trồng mía. Ngoài ra, tận dụng những miếng đất đầu thừa đuôi thẹo mình gieo thêm đậu, bắp, bí, khoai… để vừa chống đói, vừa có thêm thực phẩm chăn nuôi heo, gà cải thiện cuộc sống”.

Vụ mía đầu tiên gia đình anh Linh “trúng quả đậm”. Số tiền lãi thu được lên tới 14 triệu. Nhờ đó, anh trả hết nợ nần và mua thêm 1ha đất nữa, tiếp tục thâm canh cây mía. Hồi đó 14 triệu là số tiền tương đối lớn (tương đương 3 cây vàng). Sau khi mua thêm đất trồng mía, cuối năm 2004 anh bắt đầu rủ một số nông dân trong xã lập cơ sở chế biến đường thủ công.

Sẵn có ít kiến thức về nghề nấu đường tích luỹ được từ trước, anh Linh mạnh dạn đầu tư 4 chảo nấu và trực tiếp gom mía của vài hộ gia đình để cung cấp đường thô cho các cơ sở chế biến ở địa phương. Nhờ nấu đường, mỗi vụ ngoài tiền lãi bán mía, gia đình anh có thể thu về thêm 4- 5 triệu đồng nữa. Nhờ vậy kinh tế gia đình ngày một khấm khá.

Nhận thấy nghề trồng mía, nấu đường có thể là con đường làm giàu của gia đình, sau vài vụ thu hoạch anh Linh bắt đầu tìm đọc các tài liệu kỹ thuật ép mía. Anh nhận thấy dàn chảo bố trí theo mặt tròn cổ điển khiến “nhà máy” ép mía của gia đình hao tốn nhiều nhiên liệu mà lượng sản phẩm không nhiều nên mày mò cải tiến. Hơn một tháng hì hục “vẽ vẽ, sửa sửa” anh Linh đưa vào vận hành dàn chảo mới với 7 chảo lớn bố trí theo hàng dài, thay toàn bộ dàn kéo cổ điển dùng sức trâu bằng các ống thổi hơi nước để sức quay đều và mạnh hơn.

Cứ như thế, sau nhiều lần cải tiến, hệ thống chảo ép mía của gia đình anh ngày một chuyên nghiệp. Lúc đầu nhờ sức kéo của trâu mỗi ngày anh chỉ ép được 3- 4 tấn mía, tới nay với hệ thống 7 chảo, 6 ống thổi của anh đã có thể ngốn hết 25- 30 tấn mía/ngày. Lợi nhuận từ việc ép mía nấu đường mỗi vụ lên tới vài 50- 60 triệu đồng.

TÍCH CỰC “TRẢ NỢ ĐỜI”

Sau 18 năm miệt mài với nghề trồng mía nấu đường ở đất Đa Kai, từ bàn tay trắng giờ đây gia đình anh Linh đã có trong tay 17 ha mía nguyên liệu, 2 cơ sở ép mía nấu đường thủ công, nhà cửa khang trang rộng đẹp. Vợ chồng anh không những có đủ tiền nuôi ba con đi học đại học tại TP.HCM mà còn mở rộng cơ sở tại nhà để thu mua các loại nông sản khác như tiêu, điều, bắp, đậu… cho bà con trong xã và trong huyện.

Anh Linh cho biết, riêng 17 ha mía mỗi năm gia đình anh thu về hơn 700 triệu đồng. Các khoản thu nhập khác từ 2 cơ sở ép mía nấu đường và buôn bán nông sản đều được vợ chồng anh tính toán đầu tư tái sản xuất, còn dư được bao nhiêu thì tập trung hỗ trợ cho các gia đình nông dân khó khăn trong xã. Từ mấy năm nay, vợ chồng anh đã bỏ ra hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân không có vốn vay tạm ứng không lấy lãi. Nhiều hộ cần cả 100-200 triệu để phát triển sản xuất, vợ chồng anh cũng sẵn sàng cho vay.

Để tri ân những người đã gắn bó với gia đình mình trong lúc khó khăn nhất, trong thời gian 5 năm qua anh Linh đã bỏ tiền túi đứng ra tổ chức đám cưới cho 5 cặp vợ chồng trước đây đã từng làm tại cơ sở của gia đình anh. Không những thế, anh Linh còn mua thêm 10 ha đất ruộng rồi giao cho các cặp vợ chồng này để sản xuất riêng mà không tính một đồng lãi nào.

Anh Nguyễn Hòa Đích ở thôn 2, xã Đa Kai là một trong những người được anh Linh bỏ tiền giúp cưới vợ, rồi lại cho mượn 2ha đất trồng mía xúc động tâm sự: “Nhờ có vợ chồng anh Linh mà gia đình em có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bọn em hết sức biết ơn anh chị ấy. Biết là khi nào có thì trả cho anh chị, nhưng có trả chưa chắc anh chị đã lấy”.

Không những chỉ giúp đỡ bà con trong xã trong ấp vay vốn phát triển kinh tế gia đình, từ năm 2000 đến nay vợ chồng anh Linh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Mỗi năm anh chị tài trợ từ 4- 5 triệu đồng để xã sửa chữa cơ sở vật chất và giúp cho học sinh nghèo trong xã vượt khó, học giỏi. Anh Linh cũng đóng góp cho xã Đa Kai 20 triệu đồng để làm mới 2 km đường giao thông nội đồng thuộc địa phận thôn 2.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.