| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú nhờ liên hợp

Thứ Sáu 02/03/2012 , 10:15 (GMT+7)

Chịu chơi đi "cắm" sổ đỏ lấy tiền mua 2 máy GĐLH về làm dịch vụ cắt lúa mướn, lão nông Huỳnh Văn Minh đã trở thành tỷ phú...

Ông Út Minh bên chiếc máy Kubota
Lão nông Huỳnh Văn Minh (Út Minh) ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành là một trong những nông dân đầu tiên trong tỉnh An Giang đem sổ đỏ đến thế chấp ngân hàng để có tiền mua 1 lượt 2 chiếc máy GĐLH về làm dịch vụ cắt lúa mướn, nay ông đã thành tỷ phú.

Từ "made in China"

Huỳnh Văn Minh là một trong những nông dân đầu tiên trong tỉnh dám đem cả giấy quyền sử dụng đất đến thế chấp ngân hàng để có tiền mua 1 lượt 2 chiếc máy GĐLH với giá 340 triệu đồng. Có được 2 chiếc máy, ông Út Minh cưng nó như trứng nhưng ngặt một nỗi là chưa thể sử dụng được ngay vì một số chi tiết máy không phù hợp với địa hình đồng ruộng nơi đây.

Vậy là ông Út Minh chỉnh sửa lại một số bộ phận như guồng gặt, dao cắt, sàng lọc. Kế tiếp ông còn phải trang bị thêm 2 chiếc trẹc, 2 đầu máy đẩy với chi phí phát sinh khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian đầu chẳng ai dám thuê máy của ông vì sợ máy cắt bị sót hay hạt lúa bị cuốn theo rơm văng ra mặt ruộng.

Để bà con an tâm, ông Út Minh mời mọi người đến xem thử máy cắt ở ruộng nhà. Sau khi thấy chiếc máy GĐLH cắt 1 công lúa chưa đầy 15 phút mà lại cho ra hạt lúa sạch trơn và lượng lúa thất thoát cũng không đáng kể.

Buổi trình làng đầu tiên khá thành công đã giải tỏa sự hoài nghi của hầu hết những nông dân đến xem. Thế là chuông điện thoại của ông Út cũng không ngừng rung lên nông dân gọi đến nhờ ông nhận lời cắt lúa. Thậm chí có nhiều người đến tận nhà ông để đăng kí hoặc đặt trước tiền cọc. Lúc này công việc của ông Út cũng trở nên bề bộn hơn. Mỗi khi có ai gọi đến là ông phải mở sổ ra ghi chép rõ ràng tên chủ ruộng, địa chỉ, diện tích đất và cả ngày giờ hẹn cắt lúa.

Ông Út cho rằng phải biết giữ chữ tín. Hẹn với ai đến cắt lúa ngày nào thì phải cho đúng ngày đó. Có như vậy thì mùa sau bà con mới kêu mình làm tiếp nữa. Cũng chính nhờ biết giữ chữ tín mà chỉ trong 2 vụ mùa đầu tiên ông Út giành thắng lợi lớn. Qua đó, không những ông trả hết nợ cho ngân hàng mà còn tậu về thêm 3 chiếc máy GĐLH cũng với nhãn hiệu “Made in China” và đóng thêm 3 chiếc trẹc để phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh.

Ông Út nói: “Thời điểm đó, đúng là mình thừa thắng xông lên vì máy GĐLH còn hiếm lắm! Có nhiều lúc thời tiết không thuận lợi, bà con ùn ùn kéo đến nhờ mình cắt giúp vì sợ lúa bị ngã đổ, xuống màu, bán mất giá. Thiệt lòng mà nói lúc đó mình cũng rất bối rối vì không biết phải nhận ai rồi bỏ ai. Thấy vậy mà tui quyết tâm mua thêm 3 máy nữa để phục vụ cho bà con”.

Từ khi sở hữu 5 chiếc máy GĐLH thì công việc cắt lúa mướn cũng không còn bị ùn ứ như trước nữa. Hết lúa đồng nhà thì ông Út cùng với người con trai và hàng chục nhân công “xuất quân” lái 6 chiếc trẹc đi phục vụ ở đồng xa ở các tỉnh như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu. Mỗi mùa, 6 chiếc máy này cắt được không dưới 5.000 công đất. Với giá công cắt từ 170.000-200.000 đồng, sau khi trừ hết chi phí chủ máy vẫn còn lãi từ 100.000-130.000 đồng/công.

Đến "made in Japan"

Mặc dù ông Út Minh thừa nhận việc gia đình ông có được cơ ngơi như ngày hôm nay chính là nhờ vào những chiếc máy GĐLH “Made in China”. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các loại máy này ông cũng gặp không ít phiền toái vì nó thường xuyên hư hỏng.

Ông Út Minh nói: “Tui cũng không giấu giếm gì với chú. Mấy cái máy này khi mới mua nó về xài đã lắm. Nhưng chỉ cần sau một mùa lúa là nó bắt đầu phát bệnh liên miên như gãy dên, hư bạc đạn hoặc đứt bánh xích…Số tiền bỏ ra sửa chữa không đáng bao nhiêu nhưng quan trọng hơn là nó làm mình phải mất quá nhiều thời gian. Có nhiều lúc bị chủ ruộng nói nặng, nói nhẹ vì mình trễ hẹn. Thậm chí có nhiều thương lái lắc đầu không chịu mua lúa nếu chủ ruộng mướn cắt bằng máy Trung Quốc vì chê lúa dơ hoặc máy đang cắt bị hư giữa chừng rồi bắt ghe phải đậu lại nằm chờ tới hụt hơi”.

"Tôi mua được 2 chiếc xe làm từ thiện gần 300 triệu đồng. Một chiếc hiệu Toyota loại 7 chỗ ngồi để chuyển viện cho bệnh nhân nghèo và một chiếc xe tải loại nhỏ hiệu Super Carry đi lấy thuốc nam. Mình có được của ăn, của để cũng là nhờ bà con nông dân. Làm từ thiện không phải để phô trương mà là muốn đóng góp cho xã hội và tích đức cho con cháu sau này"- ông Út nói.

Ông Út cho biết, năm 2007, khi nghe tin một người quen ở tỉnh Long An khoe đang sở hữu một chiếc máy GĐLH hiệu Kubota chạy rất ngon lành vì ít khi bị nằm đồng do hư hỏng lặt vặt. Như bị đánh trúng vào tim đen, ông Út mừng húm và dắt “con ngựa sắt” ra chạy một mạch đến xem cho bằng được. Đến nơi, ông Út vô cùng phấn khích khi chứng kiến chiếc máy GĐLH mới này cắt rất ngọt và không chê bất cứ loại lúa nào, kể cả lúa sập sát mặt đất mà nó cũng móc lên không chừa một cọng. Thấy đã con mắt quá, ông Út trở về nhà động viên vợ con và bán sạch 5 chiếc máy “Made in China” để đi tìm mua máy Nhật.

Theo ông Út, thời điểm này do An Giang chưa có cửa hàng phân phối nên ông phải đi gom ở Đồng Tháp và Cần Thơ được 2 chiếc với giá xấp xỉ 1 tỷ đồng. Ông Út nhẩm tính, thay vì lấy 1 tỷ đồng để mua 20 công đất ruộng trồng lúa thì lấy số tiền đó sắm 2 chiếc máy GĐLH đi cắt lúa thuê còn sướng hơn nhiều.

Cũng theo ông Út, nếu năm nào được mùa, được giá thì lợi nhuận từ 20 công ruộng chỉ khoảng 40- 60 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ một chiếc máy đi cắt thuê mỗi mùa cũng kiếm được không dưới 1 tỷ đồng. Và chỉ sau một mùa cắt lúa thuê khắp xứ, ông Út lại tìm đến cửa hàng phân phối máy GĐLH mua thêm 4 chiếc máy với giá trên 2 tỷ đồng về xài cho hả dạ.

Ông khoe: “Bây giờ cũng hơi lớn tuổi rồi! Toàn bộ công việc đều do tụi nhỏ nó làm. Tui giao 3 chiếc Kubota cho nhân công xuống miệt Cờ Đỏ (Cần Thơ) cắt lúa mướn của các mối quen. Số máy còn lại đang chờ cắt lúa ở đồng nhà”.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm