| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú sò lông

Thứ Bảy 30/08/2008 , 10:00 (GMT+7)

Ông là người khởi xướng ra nghề nuôi sò lông nổi tiếng ở vùng biển Kiên Lương. Ông tên thật là Nguyễn Trường Sơn...

Tỷ phú sò lông Nguyễn Trường Sơn

Về vùng biển Kiên Lương hỏi thăm ông “Sáu sò” rất nhiều người biết. Bởi ông là người khởi xướng ra nghề nuôi sò lông nổi tiếng ở vùng biển Tây Nam này. Ông tên thật là Nguyễn Trường Sơn, 65 tuổi ở ấp Ba Núi, xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Hiện nay, mỗi năm ông thu nhập hàng tỷ đồng từ nghề nuôi sò lông.

Ông Nguyễn Trường Sơn có hai công đất ngày trước cha mẹ cho làm vốn ra riêng. Sau nhiều năm vật lộn với hai công đất ruộng bằng cách chuyển đổi trồng đủ loại giống cây nhưng ông cũng chẳng khá lên được. Tình cờ có lần một người bạn thân ghé nhà chơi bày cho ông nghề nuôi thủy sản. Nghe xong câu chuyện của người bạn, ông đã làm liều cầm cố luôn 2 công ruộng và vay thêm tiền được tổng cộng 120 triệu đồng học nghề nuôi thủy sản. Sau nhiều ngày lặn lội ở Cà Mau tìm hiểu kỹ càng các mô hình nuôi thủy sản, ông đã chọn nuôi con sò lông.

Từ năm 2001, ông Sáu bắt đầu lao vào nghề nuôi sò lông và chọn vùng biển Kiên Lương để thuê mặt nước nuôi với giá 400.000 đồng/ha/năm. Ban đầu ông chỉ thuê 3 ha cặp bờ biển thuộc xã An Bình, huyện Kiên Lương. Ông mạo hiểm đầu tư hết vốn liếng vào để thuê mặt nước, thuê nhân công và mua con giống. Được cái do kỹ thuật nuôi sò lông không khó lắm nên sau 7 tháng nuôi lần đầu tiên ông đã cầm chắc lời. Nhưng nào ai có ngờ lứa sò lông gần đến ngày thu hoạch sau một đêm ngủ mệt đã bị kẻ gian vét sạch. Vợ ông thấy vậy xót của can ngăn ông thôi đừng theo nghề này nữa. Vợ khuyên vậy nhưng ông nghe rồi bỏ ngoài tai.

Năm 2002, ông tiếp tục mượn bằng khoán đỏ của anh chị em ruột vay được 200 triệu đồng tiếp tục đeo đuổi nuôi sò lông. Lần này ông thuê hẳn 50 ha mặt nước nuôi cặp theo tuyến biển hòn Đá Lửa và núi Lô Cốc và thuê người canh giữ cẩn thận. Kỹ hơn nữa ông còn mua lưới bao xung quanh bãi sò thật cẩn thận. Và trời đã không phụ công, lứa sò đó ông thu hoạch bán gỡ được vốn. Không dừng lại ở đó, năm 2003 ông “Sáu Sò” tiếp tục mở rộng vùng nuôi lên 70 ha và vụ thứ 3 đã trúng đậm với năng suất đạt 23-25 tấn/ha, trừ hết chi phí ông còn lãi 1,4 tỷ đồng. Có vốn trong tay, ông lại thuê thêm diện tích mặt nước để mở ruộng vùng nuôi đến nay lên đến 85ha. Vụ nuôi sò vừa rồi ông nhẩm tính đã bỏ túi hơn 2 tỷ đồng tiền lời.

Thu hoạch sò lông

Ông Sáu cho biết: Nuôi sò lông ven biển không phải tốn tiền mua thức ăn. Kỹ thuật chăm sóc sò lông cũng dễ hơn nhiều so với sò huyết bởi sò lông rất khỏe, tỷ lệ sống đạt tới 99%. Tuy nhiên, giống sò lông hiện nay chỉ có ở các đảo Hòn Tre, Hòn Nghệ do ngư dân đánh bắt trong tự nhiên. Muốn sò ít hao hụt phải chọn được bãi nuôi tốt. Sò lông sống phù hợp nhất với đất bãi bồi chiếm khoảng 60% chất mùn và 40% cát ở độ sâu từ 3-5m. Vùng nuôi sò lông lý tưởng nhất là phải cách bờ từ 0,5 - 1km. Ông cho biết thêm: Thông thường vào tháng tám âm lịch hàng năm là thời điểm xuống giống sò lông lý tưởng nhất. Và thời điểm xuống giống sò thích hợp nhất là vào lúc buổi chiều mát. Do sò lông chỉ sống một chỗ không di chuyển như các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác như sò huyết, nghêu, lụa, chem chép nên thu hoạch rất dễ dàng.

Hiện nay, bãi sò của ông “Sáu Sò” đang vào cuối vụ thu hoạch để chuẩn bị xuống giống cho vụ nuôi tiếp theo. Ông Sáu bộc bạch: “Bãi sò lông của tôi thu hoạch đến thời điểm này được hơn 6 tháng nhưng vẫn chưa hết sò. Hiện tôi đang có 3 đội tàu và 30 người chuyên đi thu hoạch sò mỗi ngày được từ 150-300 tấn. Thu hoạch đến đâu là có các thương lái thu mua ngay tại chỗ với giá hiện tại dao động từ 2.000 - 2.200 đồng/kg. Ông bật mí: “Có một Cty chế biến thủy sản trong tỉnh Kiên Giang đã đến đặt cọc trước và nhận bao tiêu thu mua hết toàn bộ bãi sò này để chế biến xuất khẩu”.

Trao đổi về mô hình nuôi sò lông của ông “Sáu Sò”, bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có trên 3.000 ha diện tích nuôi sò lông, tập trung chủ yếu ở huyện Kiên Lương, TX Hà Tiên. Đây là mô hình đầu tư ít vốn nhưng đem lại lợi nhuận cao, chúng tôi đang khuyến khích bà con ngư dân nếu có điều kiện nên nhân rộng mô hình nuôi sò lông như của ông Sáu – một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Kiên Giang năm 2008.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm