| Hotline: 0983.970.780

U Minh Thượng sau giặc lửa...

Thứ Bảy 29/12/2007 , 18:51 (GMT+7)

Một ngày cuối năm 2007, nhóm phóng viên chúng tôi lên đường theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ về với miệt rừng U Minh Thượng. Ông Ngọ bảo, nhân chuyến về Kiên Giang ông muốn trở lại miệt rừng U Minh Thượng, nơi 5 năm trước ông từng là vị chỉ huy cao nhất của ngành NN-PTNT cùng những chiến sĩ kiểm lâm và người dân Kiên Giang giành giật từng mét vuông rừng với giặc lửa, bảo vệ lá phổi xanh vùng đất phương Nam.

1. Cùng đi với tôi có nhà báo Lê Phú Khải, anh là dân Hà thành chính gốc nhà ở phố Hàm Long, mấy chục năm gắn bó với ruộng rẫy vùng ĐBSCL nên mảnh đất này đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Qua phà Tắc Cậu, theo kênh xáng Xẻo Rụ nếu đi đường thuỷ chúng tôi sẽ qua các làng quê  chằng chịt ven kênh rạch U Minh, cả miền đất ấy dân phương Nam gọi là Miệt Thứ. Xưa đến với Miệt Thứ chủ yếu bằng đường thuỷ, còn đường bộ chỉ đi từng đoạn ngắn qua các miệt vườn lắt lẻo cầu tre. Đường bộ, đường xe hơi về Miệt Thứ quá ít, đến như nhà văn Sơn Nam ở làng Đông Thái, huyện An Biên xứ này khi viết về văn minh miệt vườn quê hương mình cũng phải thốt lên “Má ơi đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”.

Ấy là chuyện đường sá  về Miệt Thứ thuở xưa, thời đã xa lắm rồi. Giờ chúng tôi ngồi trên xe TOYOTA từ thành phố Rạch Giá qua phà Tắc Cậu, theo quốc lộ 61 quẹo quốc lộ 63, sau hơn 2 tiếng đồng đã vào tận vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Thượng. Ngồi trên xe, anh Khải bảo: Không lâu nữa, một con lộ mới  bằng bê tông  rộng 7,5m với 2 làn xe chạy thay thế con lộ xưa rút ngắn quãng đường từ phà Tắc Cậu về U Minh Thượng  còn 60 cây số, tức là giảm  hơn tiếng đồng hồ. Giờ chúng tôi đang đi trên con đường  trị giá khoảng 126 tỷ đồng ấy có đoạn đã thông nhưng nhiều đoạn đang bộn bề xây dựng. Mai mốt trong một mùa xuân mới, đường về U Minh Thượng sẽ gần hơn nữa khi tất cả các nhịp cầu nối nhau, rồi hai bến phà hiện đại sắp được khởi công.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ ngồi xe ôtô chạy qua Miệt Thứ, chúng tôi đã có mặt tại ngã ba Công Sự, từ đây vào vùng lõi của Vườn quốc gia U Minh Thượng còn khoảng 7-8km nữa. Phó GĐ vườn, anh Phạm Quốc Dân đã chờ chúng tôi từ cổng gác. Đường đi vào vườn bạt ngàn cỏ lau trước mắt, phía xa xa là những thảm rừng tràm nổi tiếng đất U Minh. Tất cả với ông Lê Huy Ngọ không có gì xa lạ, nhưng với chúng tôi những cư dân ở thành phố chật chội, lần đầu tiên đến với miệt rừng không khỏi ngỡ ngàng trước mênh mang cỏ dại, trước ngút ngàn tràm chợt cảm thấy mình quá nhỏ nhoi, như cánh chim trước mênh mông biển cả. Trả lời thắc mắc sao xứ này lại có tên U Minh, nhà báo Lê Phú Khải dẫn giải:  Rừng úng phèn U Minh vốn được người dân bản địa đặt tên là “Hồ rừng” , còn U Minh giải nghĩa theo chữ là "sáng tối mờ ảo". Theo anh Khải thì con sông Trẹm chia U Minh ra thành 2 vùng Thượng và Hạ, xứ U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Ở vùng này, sông Trẹm không rộng lắm, nhưng khá nổi tiếng với rất nhiều bông súng ma, loại cây có lá  như lá môn nước, la đà  phiêu diêu suốt dọc triền sông. Đến mùa bông súng nở hoa trắng, trải dài hàng chục cây số, toả hương ngan ngát sông Trẹm lúc ấy chỉ còn một lối hẹp cho xuồng ghe đi lại, vì thế dân vùng này gọi sông Trẹm bằng cái tên thơ mộng “Dòng sông hoa trắng”. 

2. Được công nhận Vườn quốc gia tháng 1/2002 với diện tích 8.053ha, U Minh Thượng nằm trọn  trong địa giới 3 huyện An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thuộc vùng bán đảo Cà Mau. U Minh Thượng là kiểu rừng rất đặc thù có giá trị sinh khối cao nhất so với các kiểu rừng khác gồm 250 loài thực vật, hơn 180 loài chim và hơn 20 loài bò sát. Trước năm 1950 diện tích rừng  khoảng 300-400 ngàn ha, đến năm 1990 còn lại trên dưới 100 ngàn ha. Đặc biệt sau vụ cháy rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ chỉ còn khoảng hơn 10 ngàn ha. U Minh Thượng vừa được Thủ tướng cho phép chuyển từ Khu BTTN thành Vườn quốc gia đã phải hứng chịu 21 ngày đêm huỷ hoại của giặc lửa, vụ việc xảy ra năm 2002. Sau thảm hoạ đó, kkhoảng 27.120ha rừng tự nhiên xứ U Minh Thượng đã biến mất.

Nhắc lại trận giặc lửa, chúng tôi hiểu được tâm trạng của ông Lê Huy Ngọ ngày ấy. Theo ông Ngọ, thiệt hại của vụ cháy rừng  là rất lớn, không thể tính toán bằng tiền được. Sau năm ấy Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương xây dựng dự án khôi phục và phát triển rừng U Minh, trong đó có U Minh Thượng. Phó GĐ Vườn quốc gia U Minh Thượng Phạm Quốc Dân cho hay, các cơ quan khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế  đã bỏ ra nhiều tiền của, nhân dân địa phương thì bỏ ra không ít công sức để giữ từng góc rừng còn lại sau hoả hoạn. Trên những cánh rừng khô cháy đã trải dần một màu xanh.

Ngồi trên chiếc vỏ lãi, chúng tôi theo những con kênh rạch đầy nước luồn sâu vào lõi rừng U Minh, trên đường đi anh Dân chỉ tay sang bờ rạch phía nam là những rừng tràm bị cháy năm 2002  giờ đây đã có gần 6.000 ha rừng tái sinh, trong đó 60% diện tích rừng tràm đã đông đặc cây cao 4-6m, khoảng 20% diện tích còn lại  cây đang mọc rải rác, độ đông đặc thưa hơn. Những chỗ tràm bị cháy sạch, tỉnh đã gieo sạ lại với mật độ 10kg hạt/ha. Xuôi theo con rạch đầy hoa lục bình, bèo ta và cây hoa súng ma, chạy chừng 5km chiếc vỏ lãi tắt máy. Chúng tôi lên bờ ghé vô phía rừng nguyên sinh trong vùng lõi. Theo anh Dân, mấy năm gần đây có hiện tượng cây tràm trong rừng nguyên sinh bị đổ nhiều,  người dân địa phương giữ nước trong vườn, không để nước cạn kiệt vào mùa khô như trước để chống hoả hoạn,  vì thế bộ rễ tràm kém phát triển, dẫn đến cây nghiêng đổ.

3. Trở lại việc giữ nước chống hoả hoạn cho rừng, anh Dân cho biết, trước đây vào mùa khô vùng đệm và vùng lõi rừng cạn nước, dân vô rừng đốt tổ ong vô ý gây cháy, không thể cứu được vì không có nước. Sau vụ hoả hoạn 2002, vườn có phương án nâng cao mặt đê, nạo vét kênh rạch giữ nước. Hiện trong vườn có hệ thống 6 cống để điều tiết nước qua các kênh rạch và 3 đập thuỷ lợi lớn  chứa nước. Sau mùa mưa, vườn giữ nước ở các kênh rạch và đập lớn từ tháng 10 không những luôn có nước trong rừng , mùa khô cá không phải dồn xuống các kênh rạch hạn chế được việc dân cư vào rừng lén lút bắt cá, mặt khác trong rừng còn nước cũng hạn chế việc vô rừng tìm đốt  ong lấy mật. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương giữ được nước ở rừng thì cháy rừng không xẩy ra, vụ cháy rừng năm 2002 một trong những nguyên nhân quan trọng là không giữ được nguồn nước. Đó là một kinh nghiệm quý báu .

nguyên Bộ trưởng NN-PTNT Lê Huy Ngọ trở lại vùng rừng bị hỏa hoạn

Theo lãnh đạo vườn, tổng lượng nước ngọt dự trữ ở  U Minh Thượng còn khoảng nửa tỷ mét khối, nơi mực nước thấp nhất vẫn cao hơn mặt rừng 0,5m đảm bảo khả năng đối phó với nắng hạn kéo dài trong các tháng mùa khô. Cùng với giữ nước phòng chống cháy rừng, ông Dân cho biết vườn đã nạo vét thêm nhiều kênh rạch đưa nước vào làm các đường băng cản lửa ở các tiểu khu,  phân khu . Hiện đề án trồng chuối làm đường băng cản lửa và có trái chín phục vụ các loài chim thú trong rừng đủ thức ăn, được đánh giá là có hiệu quả cao đang  trình lên cấp trên xin hỗ trợ kinh phí thực hiện trong các năm tới. Trò chuyện cùng ông Phạm Quốc Dân, nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ băn khoăn khi ông nghe tin đầu năm 2007 vẫn có khoảng 20ha rừng tràm do dân trồng ở vùng đệm bị cháy . Lý do là hiệu quả kinh tế trồng rừng không cao nên người dân đốt rừng trồng  cây khác. Vậy phải tính sao đây cho đời sống người dân vùng đệm khá lên để họ trồng và giữ rừng? Báo cáo với nguyên Bộ trưởng,  ông Dân cho biết U Minh Thượng có 3.000 hộ ở vùng đệm. Nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân, vườn đã cùng tổ chức quốc tế CARE  khoan được 100 giếng nước tặng 100 hộ, ngoài ra mỗi gia đình  được nhận hỗ trợ cá giống và 1ha rừng ở vùng đệm để sản xuất theo mô hình rừng-màu-cá. Vẫn theo ông Dân khi quốc lộ 63 thông thương, du khách đến Vườn quốc gia U Minh Thượng ngày một tăng, dân vùng đệm sẽ chuyển qua làm du lịch, lập nhà vườn sinh thái đón khách.

Cuối buổi tham quan U Minh Thượng, chúng tôi trở lại khu du lịch sinh thái giữa rừng. Anh Dân mời chúng tôi ăn bữa cơm theo kiểu khách du lịch. Một nhà lá theo mẫu nhà ăn dã chiến trong căn cứ địa được dựng lên bên hồ, nhìn ra phía  gò đất nổi có 2 con chim bồ nông lớn đang thanh thản ngắm cảnh hoàng hôn xứ U Minh. Quả không còn cảnh nào bình yên, thơ mộng hơn thế. Đặc sản của rừng gồm cá trê vàng , cá lóc nướng củi,  cá rô, cá quả nấu lẩu ăn kèm rau muống rừng, me dại, cây bồng bông… Đồ uống sang nhất là chai rượu “Mỏ quạ” được sản xuất từ trái mỏ quạ , trái cây đặc sản của vùng ...

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.