| Hotline: 0983.970.780

UBND tỉnh Gia Lai vào cuộc vụ phá rừng quy mô lớn

Thứ Ba 23/07/2019 , 19:01 (GMT+7)

Ngày 23/7, UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc khai thác rừng trái phép quy mô lớn xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Kông Chro và Ia Pa.

Trong văn bản UBND tỉnh Gia Lai giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện Kông Chro, Ia Pa chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng kiểm tra thực tế, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Kông Chro và Ia Pa. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu khẩn trương triển khai và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 25/7/2019.

Liên quan đến vụ khai thác gỗ trái phép, đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra nhưng “không phát hiện gì”, chỉ có vết xe độ và trâu bò kéo.

Trong khi đó theo định vị từ phần mềm điện thoại cũng như khẳng định của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro thì  xã Ia Tul (huyện Ia Pa) là nơi rừng bị khai thác trái phép nghiêm trọng nhất với hàng trăm thân gỗ từ đường kính 80cm bị đốn hạ.

Những cây gỗ có đường kính lớn bị đốn hạ.

Ông Trần Hùng Anh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kông Chro cho biết, đơn vị đã đi kiểm tra trên địa bàn của huyện Kông Chro, phát hiện ban đầu có 7 gốc đốn hạ (gần 16m3 gỗ tròn). Sau khi gỗ được xẻ thành các hộp vuông, lâm tặc dùng trâu kéo về hướng huyện Ia Pa.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 20 con trâu dùng để kéo gỗ về trại tập kết cách “trại bà Lan” khoảng 700m (nghi là nơi tập kết gỗ lậu). Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã báo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai để chỉ đạo ngành chức năng tháo dỡ “trại bà Lan” vì dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Việc này phải làm quyết liệt để giữ rừng Kông Chro. 

Trước đó, phóng viên Báo NNVN đã thâm nhập hiện trường vụ khai thác gỗ được xem là “khủng” nhất tỉnh Gia Lai từ trước đến nay. Bắt đầu từ xã Đắk Plinh (huyện Kông Chro) đi theo đường rừng hơn 15 km, tại nơi giáp ranh giữa 2 huyện Kông Chro và Ia Pa, chúng tôi đã bắt gặp những cây gỗ quý như sao xanh, giổi… đã bị lâm tặc đốn hạ, hiện trường còn lại là những gốc cây nằm trơ trọi. Thậm chí có cây gỗ với đường kính hơn 1m cũng bị lâm tặc đốn hạ, rồi xẻ hộp mang đi.

Chưa kể, hàng chục cây gỗ nằm ngổn ngang mà lâm tặc chưa kịp mang đi khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi quy mô phá rừng khủng khiếp. Được biết, khi lâm tặc đốn hạ gỗ đủ số lượng sẽ đưa ra khỏi rừng về hướng xã Ia Tul (huyện Ia Pa).

Khả năng lâm tặc đốt gỗ để phi tang.

Chỉ trong vài giờ thâm nhập, chúng tôi đã ghi nhận có hơn 100 cây gỗ đốn hạ, đây đều là những cây gỗ quý, có đường kính hơn 1m, chiều dài vài chục m. Những cây bị đốn hạ nằm rải rác chứ không tập trung ở một khu nhất định.

Tiếp tục theo dấu vết của những chiếc xe độ chế để kéo gỗ, chúng tôi tới khu vực ven suối, nơi đây được xác định là bãi tập kết gỗ trước khi được vận chuyển đi. Bãi tập kết được làm bằng gỗ lợp mái tôn, có gác. Trại này bên trong có rất nhiều chiếc võng đã móc sẵn, bình ắc quy dùng để sạc điện…Theo tìm hiểu, đây là “trại bà Lan” nơi lâm tặc sinh hoạt, nghỉ ngơi trước khi trở lại rừng khai thác gỗ.

Trao đổi với phóng viên vào chiều ngày 23/7, ông Trần Cao Nguyên, Bí thư Huyện uỷ Kông Chro cho biết, đã chỉ đạo lực lượng chức năng đi kiểm tra thực tế. Ngoài những vị trí mà phóng viên cung cấp thì huyện cũng chỉ đạo kiểm tra một số nơi rừng khác trên địa bàn huyện. Hiện vẫn chưa có báo cáo kết quả cụ thể. 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm