| Hotline: 0983.970.780

UBND tỉnh Sơn La sốt sắng vì đâu?

Thứ Tư 06/03/2013 , 10:15 (GMT+7)

Mặc dù Chính phủ đã có lệnh cấm nhưng lãnh đạo tỉnh Sơn La vẫn liên tiếp ban hành nhiều văn bản để xin cho một DN được tiếp tục xuất khẩu tài nguyên thô ra nước ngoài.

Mặc dù Chính phủ đã có lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên thô ra nước ngoài nhưng lãnh đạo tỉnh Sơn La vẫn liên tiếp ban hành nhiều văn bản để xin Thủ tướng, Bộ Công thương cho một DN được tiếp tục xuất khẩu để... bớt khổ. 

Tháng 1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã cấm xuất khẩu nguồn quặng quý ra nước ngoài nhưng ngày 29/8/2012, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, vẫn có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương để xin cho Cty TNHH Tuấn Đạt (viết tắt là Cty Tuấn Đạt, địa chỉ số 175 đường Trường Chinh, tổ 4, phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) do ông Dương Doãn Lục làm giám đốc được xuất khẩu 220.000 tấn quặng sắt (bao gồm 23.200 tấn đã xuất hóa đơn nhưng chưa xuất khẩu và 197.000 tấn theo hợp đồng đã ký) sang thị trường Trung Quốc, qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và Ma Lù Thàng (Lai Châu) để tháo gỡ khó khăn cho DN và đảm bảo duy trì mối quan hệ thương mại với đối tác nước ngoài.

Liên quan đến Cty Tuấn Đạt, UBND tỉnh Sơn La cũng có quyết định điều chỉnh tăng công suất khai thác, gia hạn Giấy phép thu hồi quặng sắt vùng ngập lòng hồ Thủy điện Sơn La cho Cty này khai thác từ 15.000 tấn/năm lên trên 200.000 tấn/năm. Ngày 16/1/2012, UBND tỉnh Sơn La tiếp tục xin Bộ Công thương xem xét, cho phép Cty Tuấn Đạt được xuất khẩu 140.000 tấn quặng.

Tại sao là 1 trong tổng số 1.300 DN đang hoạt động tại tỉnh Sơn La nhưng Cty Tuấn Đạt với 17 ngành nghề kinh doanh lại được tỉnh ưu ái như vậy? Thực chất Cty này có đầy đủ tiềm năng như lãnh đạo tỉnh đánh giá hay không?

Phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện, Cty Tuấn Đạt xin xuất khẩu quặng tồn kho nhưng thực chất là xin giấy phép để ủy thác cho Cty TNHH Hoàng Lan (Lào Cai) - một Cty chưa được cấp phép xuất khẩu.


Bãi khai thác quặng của Cty Tuấn Đạt

Ông Dương Doãn Lục, Giám đốc Cty Tuấn Đạt, thủng thẳng thừa nhận: "Thay vì xuất khẩu trực tiếp, chúng tôi có quyền ủy thác cho một Cty khác để xuất khẩu. Đấy là quyền của DN. Trong thời buổi khó khăn thế này thì DN phải tính toán làm ăn sao có lợi nhất". Rồi ông Lục tự hào: Tổng số vốn của DN lên tới hàng ngàn tỉ đồng nên không thể “chết” được.

Tìm hiểu tiếp, chúng tôi phát hiện thêm chất lượng của hàng trăm tấn quặng được phép xuất khẩu này có vấn đề. Theo quy định tại Thông tư 08 của Bộ Công thương thì quặng sắt xuất khẩu thô phải đạt hàm lượng Fe lớn hơn hoặc bằng 54%. Tuy nhiên, quặng sắt mà Cty Tuấn Đạt khai thác thuộc loại quặng có hàm lượng Fe không cao, không được giá khi xuất khẩu.

Tại điểm khai thác của Cty Tuấn Đạt (bản Khâu Ban 2, xã Mường Trai, huyện Mường La), Trưởng bản Lò Văn Loại khẳng định với phóng viên: Quặng của Cty Tuấn Đạt không chỉ khai thác ở lòng hồ (theo giấy phép) mà được Cty “mở” ra ở dọc hai bên làm đường nông thôn. Cách đây ít tháng, có đoàn kiểm tra đến, Cty Tuấn Đạt mới chuyển máy móc xuống chỗ được cấp phép để dàn cảnh quay phim, chụp ảnh và cho nổ mìn. Nhưng khi đoàn đi khỏi thì lại rút công nhân cùng máy móc ra ngoài hết.

Ông Hoàng Kim Thắng, Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai xác nhận, năm 2011, Cty Hoàng Lan xuất khẩu được khoảng trên 60.000 tấn tinh quặng sắt và từ năm 2011 tới nay không thấy có DN nào là Tuấn Đạt xuất khẩu quặng qua cửa khẩu Lào Cai.

Cùng chung nhận định này, Chủ tịch UBND xã Mường Trai Lèo Văn Lay cho hay, Cty Tuấn Đạt có tận thu khoáng sản tại lòng hồ với số lượng ít, sau đó Cty làm đường nông thôn gặp quặng ở đâu thì tận thu tới đó. Rõ ràng về nguồn gốc, quặng được tận thu từ lòng hồ khác với quặng khai thác tận thu dọc hai bên đường khi Cty Tuấn Đạt tham gia làm đường nông thôn.

Thêm vào đó, khi chưa được Thủ tướng cho phép thì số quặng này vẫn phải chờ. Thế nhưng theo phản ánh của một số cán bộ địa phương, họ không hề thấy số hàng tồn này nằm ở đâu. Liếc nhanh sang một nhân viên nam trông mặt dữ tợn, ông Lực giải thích tiếp: “Thì nó nằm một đống, toàn cây cỏ che kín nên khó nhìn là đúng rồi (!?).

Dư luận cho rằng, chủ trương của Chính phủ cho phép một số DN được xuất khẩu khoáng sản tồn kho như một giải pháp xử lý tình thế đặc cách đang có dấu hiệu bị lợi dụng? Lãnh đạo tỉnh Sơn La và cơ quan quản lý cao nhất là Bộ Công thương sẽ giải quyết thế nào đối với những việc làm khuất tất của DN Tuấn Đạt?

Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Sẽ xử lý nếu Cty Tuấn Đạt làm sai

Ông Hải cho biết, một DN được phép tận thu quặng chỉ cần biết một chút kinh nghiệm về khai thác, có thiết bị và có vốn là có khả năng làm được. Theo quy định, Sở Tài nguyên - Môi trường phải chịu trách nhiệm về quy trình cấp phép và việc kiểm tra lượng quặng tồn là Sở Công thương. Cũng như nhiều địa phương, khi thấy DN  “kêu” khó khăn, còn tồn ít quặng đã khai thác nên tỉnh xin Chính phủ cho phép DN đó được xuất khẩu nốt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Thủ tướng cũng chưa đồng ý cho phép nên không có đơn vị nào được tự mình xuất khẩu, trong đó có Cty Tuấn Đạt. Nếu phát hiện Cty làm sai so với những gì kiến nghị thì sẽ xử lý nghiêm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất