| Hotline: 0983.970.780

UBND TP Hà Tĩnh cho dân 'ăn bánh vẽ'!

Thứ Hai 02/12/2019 , 09:31 (GMT+7)

Khi bán hàng trăm lô đất ở khu dân cư phía nam đường Nguyễn Du kéo dài, UBND thành phố Hà Tĩnh cam kết đảm bảo đầy đủ hạ tầng cho người dân sinh sống.

12-40-55_1
Hạ tầng khu dân cư Nam đường Nguyễn Du nhếch nhác trong nhiều năm liền.

Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng nhà cửa kiên cố, hàng chục hộ dân nơi đây vẫn chưa thể “an cư” vì phải sử dụng nền đường chắp vá, điện, nước thiếu thốn… không khác gì khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
 

Gần 20 hộ dân “cầu cứu” Chủ tịch tỉnh

Thời gian vừa qua, 19 hộ dân ở khu quy hoạch phía nam đường Nguyễn Du kéo dài, thuộc thôn Hòa, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh đã gửi nhiều đơn thư đến chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ về những bức xúc của họ khi phải sinh sống giữa đô thị loại II không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng điện, đường, nước sinh hoạt… như cam kết của UBND TP Hà Tĩnh.

Sau khi đấu giá trúng lô đất ở khu dân cư phía nam đường Nguyễn Du, anh Nguyễn Hữu Thể đã xây dựng nhà ở 4 năm nay. Kể từ đó gia đình anh luôn phải sống trong những chuỗi ngày thất vọng, hết hít bụi mùa nắng lại lội bùn mùa mưa, điện, nước phập phù lúc có lúc không.

Theo chia sẻ của anh Thể, khi mở đấu giá rầm rộ các lô đất ở khu dân cư Nam Nguyễn Du, UBND TP Hà Tĩnh cam kết sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nguồn nước, đường điện đảm bảo nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. “Khi chúng tôi tiến hành xây dựng nhà cửa thì không có đường điện, nguồn nước sinh hoạt phải xin sử dụng nhờ từ các hộ dân sống xung quanh. Sau đó, người dân nhiều lần phản ánh tình trạng này lên chính quyền thì mới được đấu nối điện, nước sinh hoạt”, anh Thể bức xúc.

12-40-55_3
Đường trở thành vũng sình lầy...

Chung sự ức chế, anh N.D.T. cho rằng, chính quyền TP Hà Tĩnh đang cho dân “ăn bánh vẽ”. Bởi, cả khu dân cư có quy hoạch bài bản, nằm giữa trung tâm đô thị loại II nhưng hạ tầng đường sá bết bát không khác gì ở miền núi xa xôi hẻo lánh. “Nếu nhìn khu dân cư này để chấm điểm nông thôn mới tôi dám chắc không thể đạt nổi”, anh T. nói.

Theo hộ dân này, đường giao thông trong khu dân cư mới thi công cấp phối đá dăm trên nền đất nên xuống cấp trầm trọng, nắng thì bụi bặm, còn mưa lại lầy lội. Người dân phải góp tiền từ 200 – 500 nghìn đồng/hộ mua đá dăm về vá các ổ trâu, ổ gà nhưng cách vá víu tạm bợ này chỉ được một thời gian ngắn. “Mùa nắng, chúng tôi phải che bạt tránh bụi bay vào nhà, mùa mưa con đi học cũng phải dẫn ra tận đường lớn để tránh ngã vào vũng nước sình lầy, cực kỳ bất tiện”, anh N.D.T. nói thêm.

12-40-55_4
... lổm chổm ổ trâu, ổ gà.

Ngoài cơ sở hạ tầng không đảm bảo, từ nhiều năm nay, khu dân cư phía nam đường Nguyễn Du kéo dài còn trở thành bãi tập kết rác thải “trộm” của các khu vực khác, gây nên tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo lãnh đạo xã Thạch Hưng, rác thải tập kết thành đống tại khu dân cư Nam Nguyễn Du là chất thải rắn và rác thải xây dựng bị đổ trộm vào ban đêm. Trước đây, xã cũng đã bắt được một số vụ nhưng hiện tình trạng đổ trộm này vẫn còn.
 

Đô thị loại II – đừng chỉ là cái vỏ!

Là một trong 2 nhà thầu thi công hạng mục hạ tầng khu dân cư Nam đường Nguyễn Du, ông Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Cty CP đầu tư và xây dựng Liên Minh cho rằng: “UBND TP Hà Tĩnh đang “nợ” người dân mua đất một lời hứa. Đó là lời hứa về một khu đô thị hoàn chỉnh”.

Theo ông Thanh, năm 2013, Cty của ông và một đơn vị khác ở Nghệ An trúng 2 gói thầu xây dựng hạ tầng khu dân cư Nam đường Nguyễn Du, với tổng giá trị hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, Cty Liên Minh trúng gói thầu hơn 20 tỷ, thi công toàn bộ hệ thống nước sạch; một phần mương thoát nước và đường giao thông cấp phối có rải thảm; vỉa hè… Tuy nhiên, đang thực hiện dự án dở dang thì hạng mục vỉa hè và thảm đường giao thông bị UBND TP Hà Tĩnh cắt vì hết vốn.

12-40-55_5
Rác thải chất đống.
Để đảm bảo các điều kiện sống cơ bản của một khu dân cư giữa lòng TP, các hộ dân kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo UBND TP và Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP nhanh chóng thi công hoàn thành các hạng mục công trình đường dân sinh, vỉa hè… đã cam kết.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Diệu, Trưởng phòng Tài chính – UBND TP Hà Tĩnh thừa nhận hạ tầng khu dân cư Nam đường Nguyễn Du kéo dài chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng như mỹ quan đô thị.

“Chúng tôi biết hạ tầng bất cập rồi nhưng do nguồn tiền bán đấu giá đất chuyển về tỉnh nên bây giờ muốn xây dựng hạ tầng phải xin tỉnh hoàn lại để đầu tư”.

Theo ông Diệu, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng hết khoảng 78 tỷ đồng, hiện đang thiếu khoảng 30 tỷ đồng.

“Hồi tháng 8/2019, thành phố đã có văn bản xin nguồn cho dự án. Công tác chuẩn bị hồ sơ chúng tôi đã làm đầy đủ, giờ chỉ cần có tiền là triển khai ngay”, ông Diệu nói.

Được biết, cùng thời điểm tổ chức bán đấu giá các lô đất ở khu dân cư Nam đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh còn mở bán đồng thời ở 4 dự án khác với tổng số lô đã bán khoảng 1.000 lô; giá bán bình quân lên đến 700 – 800 triệu đồng/lô.

Từ tháng 2/2019, TP Hà Tĩnh chính thức trở thành đô thị loại II. Đây là một thành quả rất đáng mừng đối với Đảng bộ, nhân dân toàn TP. Tuy nhiên, để xứng với cái “danh” Chính phủ công nhận, thiết nghĩ UBND TP Hà Tĩnh cần nhanh chóng thực hiện cam kết, hoàn thiện những hạng mục hạ tầng còn lại ở khu dân cư Nam đường Nguyễn Du. Đừng để người dân bức xúc coi “đô thị loại II chỉ là cái vỏ”.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm