| Hotline: 0983.970.780

Uể oải vào vụ mía

Thứ Ba 25/09/2018 , 13:50 (GMT+7)

Nông dân trồng mía ở ĐBSCL đang cảm thấy rất “đuối” khi giá thu mua mía nguyên liệu được các nhà máy thông báo chỉ ngang với giá thành sản xuất.

18-44-55_1mi_d_gn_den_thoi_ky_thu_hoch_nhung_chu_duoc_nh_my_ky_hop_dong_bo_tieu_trong_khi_nuoc_lu_dng_len_rt_nhnh_khien_nong_dn_trong_mi_o_phung_hiep_rt_lo_lng
Mía đã gần đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa được nhà máy ký hợp đồng bao tiêu, trong khi nước lũ đang lên rất nhanh khiến nông dân lo lắng

Hơn nữa, đến thời điểm này các nhà máy đường vẫn dây dưa chưa muốn vào vụ do đường tồn kho nhiều, giá bán thấp. Trong khi đó, nhiều vùng trồng mía nguyên liệu đã đến thời kỳ phải thu hoạch, lại đang bị nước lũ đe dọa nếu để lâu sẽ bị thiệt hại.

Những năm đường được giá, mới bước vào tháng 8 là các nhà máy đường đã rục rịch vào vụ khiến chính quyền phải lên tiếng “can thiệp” vì sợ ép mía non nông dân sẽ bị thiệt hại. Thế nhưng, năm nay gần đến cuối tháng 9 vẫn chưa có nhà máy nào chịu khởi động. Ngay cả ký hợp đồng bao tiêu mía với nông dân trong vùng nguyên liệu của mình các nhà máy cũng chẳng mấy quan tâm. Thậm chí có nhà máy bỏ mặc, đến giờ vẫn chưa không ký bất kỳ hợp đồng nào.

Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực ĐBSCL, niên vụ 2018-2019 đã xuống giống 10.600 ha. Trong đó, riêng huyện Phụng Hiệp chiếm tới 7.505 ha. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, mọi năm đến khoảng tháng 6 và 7 thì gần như diện tích mía đã xuống giống đều được các nhà máy đường trong tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu hết. Nhưng năm nay, đến thời điểm này mà chỉ có gần 54% diện tích mía có hợp đồng bao tiêu. Chính điều này, đang đặt ra nhiều lo lắng cho ngành chức năng huyện và người dân.

“Hiện chỉ có Cty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) là thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân và diện tích đã ký kết đến thời điểm này cũng chỉ được gần 4.000 ha trong tổng số 6.150ha được giao. Riêng Cty Mía đường Cồn Long Mỹ Phát (Lusuco) được giao 1.350 ha tại một số xã như: Hòa An, Hòa Mỹ, Phương Bình… nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ động thái nào về ký kết hợp đồng đối với vùng nguyên liệu của mình. Trong khi đó, một số diện tích mía chín sớm (giống ROC 16) nơi đây đã đến thời kỳ thu hoạch”, ông Tự thông tin.

Mía đã chín nhưng nhà máy liệu không chịu ký hợp đồng bao tiêu khiến nông dân hết sức lo lắng về đầu ra. Lão nông Lê Văn Lương, xã Phương Bình buồn rầu: “Cả chục năm trồng mía, chưa năm nào mà tình cảnh trước khi vào vụ thu hoạch mía lại ảm đạm như năm nay. Gia đình tôi có 8 công mía, trồng giống ROC 16, hiện mía đã được gần 10 tháng tuổi rồi và sắp đến ngày thu hoạch mà vẫn chưa thấy nhân viên của nhà máy đến hỏi thăm...”.

Trong cuộc họp giữa UBND tỉnh Hậu Giang với các nhà máy đường trong tỉnh để bàn về các giải pháp trong tiêu thụ mía trước khi vào vụ thu hoạch cách nay gần một tháng, lãnh đạo phía Lusuco có đưa ra kế hoạch là ngày 15/9 sẽ bắt đầu vào vụ ép để thu mua mía cho người dân tại các vùng trũng, ngoài đê bao chống lũ. Nhưng thực tế, đến nay công ty vẫn chưa đi vào hoạt động. Trong khi ngành chức năng dự báo năm nay sẽ có lũ lớn và về sớm. Thực tế mực nước lũ trên địa bàn huyện Phụng Hiệp lúc này đang cao hơn thời điểm bình thường từ 15 - 20cm và đang có dấu hiệu tiếp tục lên. Vì vậy, vấn đề tiêu thụ mía tại các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu của Lusuco càng đặt ra tính cấp bách hơn.

Nói về nguyên nhân chưa ký hợp đồng bao tiêu mía với nông dân trong vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Văn Chín, Tổng Giám đốc Lusuco cho rằng: “Việc công ty chậm ký bao tiêu mía cho nông dân là do lo sợ việc nhà máy không vào vụ được khi gặp khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ đường tiếp tục gặp bế tắc. Khi đó, công ty không thực hiện thu mua mía theo hợp đồng bao tiêu thì càng có lỗi với nông dân hơn”.

18-44-55_2gi_bn_mi_chuc_o_hu_ging_cung_d_gim_su_cho_con_700_dong_moi_kg_v_tieu_thu_chm_do_du_r_gp_kho
Giá bán mía chục ở Hậu Giang cũng đã giảm sâu còn 700 đồng/kg và tiêu thụ chậm do đầu ra gặp khó

Còn về phía Casuco, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Ngoan cho biết: “Hiện cán bộ của công ty vẫn đang thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân nằm trong vùng nguyên liệu của mình và cố gắng ký hết diện tích được giao. Về thời gian vào vụ ép, tùy tình hình thực tế nhưng Casuco dự kiến bắt đầu vụ ép vào đầu tháng 10 tới”.

Hiện nay, không chỉ có huyện Phụng Hiệp mà vùng mía tại TX Ngã Bảy và TP Vị Thanh (Hậu Giang) cũng có hoàn cảnh tương tự khi vẫn còn nhiều diện tích mía của nông dân chưa được nhà máy đường bao tiêu. Một số nơi, nông dân đã chọn giải pháp bán mía chục cho thương lái (để ép nước mía giải khát), trong bình mỗi tuần toàn tỉnh thu hoạch khoảng 50 - 55 ha, tổng diện tích đã thu hoạch được 800/10.600 ha xuống giống. Tuy nhiên, giá bán mía chục hiện nay cũng đã giảm sâu, chỉ còn 700 đồng/kg. Trong khi giá mía chục đầu vụ (cách nay gần 2 tháng) ở mức từ 1.100 - 1.200 đồng/kg. Ngoài giá giảm thì tình hình tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ít.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang kêu gọi các nhà máy đường trong tỉnh cố gắng thực hiện việc bao tiêu hết diện tích mía trong dân, đồng thời xem xét thời gian vào vụ hợp lý vì năm nay dự báo tình hình lũ diễn biến phức tạp. Khi vào vụ, cần phối hợp chặt chẽ để khoanh vùng thu hoạch mía theo kế hoạch ban đầu của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, trong đó sẽ ưu tiên đốn những giống mía chín sớm và ở ngoài vùng đê bao ngăn lũ trước.

“Giá thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2018-2019 được các công ty mía đường thông báo đến nông là 800 đồng/kg, đối với mía 10 chữ đường, được cân tại cầu cảng nhà máy. Thế nhưng hầu hết nông dân lại không có phương tiện vận chuyển nên phải bán qua thương lái, cao lắm cũng chỉ được từ 650-700 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất năm nay ước tính phải trên 700 đồng/kg. Như vậy, nông dân giỏi lắm thì được huề vốn, còn hộ nào đầu tư nhiều cầm chắc là thua lỗ. Bởi năm nay, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động đều ở mức cao”, ông Nguyễn Văn Hiền, nông dân ở huyện Phụng Hiệp.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.