| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ cao cho cây lúa

Thứ Sáu 19/08/2011 , 13:36 (GMT+7)

Trong những năm qua, Viện lúa ĐBSCL đã đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao chọn tạo được nhiều giống lúa mới.

Trong những năm qua, Viện lúa ĐBSCL đã đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao chọn tạo được nhiều giống lúa mới. Bên cạnh đó Viện còn ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động nghiên cứu tìm giải pháp mới yểm trợ kỹ thuật canh tác, chuyển giao cho nông dân có hiệu quả.

“Cánh đồng 4 tốt”

TS Chu Văn Hách, Viện lúa ĐBSCL cho biết: Việc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thông qua mô hình “Cánh đồng lúa 4 tốt” nhằm giảm thiểu chi phí đầu vào trên cơ sở tăng năng suất lúa, hạ giá thành, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận và an toàn cho môi trường. Tiêu chí 4 tốt là: đất tốt, giống tốt, chăm sóc cây trồng tốt và sản phẩm tốt góp phần bảo vệ môi trường tốt.

Như muốn tạo nội lực của đất cần hạn chế các yếu tố cản trở trong đất. Theo đó cần giải quyết vấn đề ngộ độc hữu cơ và ngộ độc phèn cho đất, sử dụng chế phẩm sinh học để phân giải rơm rạ thành phân hữu cơ, cày ải phơi đất để tăng cường hoạt động của hệ vi sinh vật đất, bón phân lân sớm để hạ phèn và giảm ngộ độc hữu cơ, tạo mặt bằng ruộng tốt thuận tiện cho canh tác.

Trong mô hình, cần chọn sử dụng giống tốt, kháng rầy nâu và đạo ôn, năng suất cao, phẩm chất tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giống phải thích hợp với vùng trồng ở từng mùa vụ và phải sử dụng giống lúa xác nhận. Về kỹ thuật chăm sóc, điều chỉnh mật độ sạ hợp lý, xử lý cỏ dại: Áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại tổng hợp; áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, bón phân theo nhu cầu của cây; giảm thất thoát phân bón; khuyến cáo bón phân theo mùa vụ, tình trạng đất và dạng phân phù hợp.

 Quản lý nước hợp lý, ứng dụng kỹ thuật tưới khô-ngập xen kẽ để tiết kiệm nước tưới mà không ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất lúa. Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu hại và hạn chế thất thoát sau thu hoạch: thu hoạch đúng độ chín (25-27 ngày sau trổ).

Theo TS Hách, từ năm 2009 tới nay mô hình cánh đồng lúa 4 tốt đã được thực hiện ở nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL. Kết quả việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới để xây dựng mô hình cánh đồng 4 tốt đã thực sự đem lại hiệu quả nhiều mặt: giảm được một số chi phí không cần thiết, tăng năng suất lúa, hạ giá thành và tăng lợi nhuận so với tập quán canh tác cổ truyền của nông dân. Tăng trình độ nhận thức của người dân, góp phần ổn định xã hội và giảm bớt ô nhiễm môi trường sống.

Mô hình này còn là nơi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đồng thời cũng kiểm chứng lại các tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật bằng trực quan, giúp nông dân dễ dàng nhận thức, ứng dụng và tham gia xây dựng mô hình. Về mặt kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới xây dựng mô hình đã tiết kiệm được 25% lượng giống sạ, giảm chi phí phân bón 37,7%, giảm 30% lượng nước tưới và tăng năng suất lúa từ 6,5-21% so với tập quán canh tác cũ trước đây. Mô hình đã giảm giá thành được từ 16-39,1% và tăng lợi nhuận từ 22,6-53,2%.

Kết quả mô hình thuyết phục vì mang lại lợi nhuận cao và phù hợp với trình độ nông dân nên dễ được chấp nhận và làm theo. Mặt khác do giảm bớt lượng phân bón, thuốc hoá học và nước tưới trên đồng ruộng đã góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường và giữ cân bằng sinh thái tự nhiên trên đồng ruộng.

Ứng dụng Ometar trừ rầy

Theo TS Nguyễn Thị Lộc, hiện nay nhiều tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung đang quan tâm đến qui trình dùng chế phẩm sinh học nấm xanh Ometar phòng trừ sâu bệnh. Sắp tới, theo dự án được Bộ NN-PTNT phê duyệt giai đọan 2012-2016 sẽ tiếp tục phát triển qui trình “Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar - Qui mô nông hộ" và xây dựng mô hình “Ứng dụng Ometar trừ rầy nâu hại lúa trên cơ cấu luân canh lúa-tôm ở ĐBSCL”.

Từ quả thực tế dùng chế phẩm nấm xanh Ometar trên đồng được kiểm chứng trong đợt diệt RN 2006-2007, do Viện lúa ĐBSCL cung cấp cho các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long...đến nay đã là vụ lúa thứ 3. Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar qui mô nông hộ được chuyển giao thực hiện xuống tới 10 ấp, thuộc xã NTM Định Hòa (Kiên Giang). Đây là xã thuần nông có vùng đất lúa rộng lớn 3.781 ha.

Từ sau đại dịch rầy nâu, nhiều nông dân địa phương cho biết do sử dụng thuốc hóa học phổ rộng nên đã tiêu diệt thiên địch, làm mất cân bằng sinh thái, gây ra hiện tượng bộc phát rầy. Vì vậy việc sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ dịch hại là một giải pháp được Sở NN-PTNT Kiên Giang lựa chọn để bảo vệ cây lúa.

Ông Nguyễn Quang Rằm, Ban quản lý dự án NTM xã Định Hòa, cho biết: Từ vụ lúa HT 2010, TS Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Sinh thái côn trùng và Phòng trừ sinh học – Viện lúa ĐBSCL cùng nhóm cán bộ kỹ thuật đã tập huấn chuyển giao cho 60 nông dân và cán bộ xã về qui trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở qui mô nông hộ. Sau đó 2 câu lạc bộ nông dân đầu tiên được hình thành và làm thành thạo với 441 gói nấm xanh Ometar dùng phòng trừ rầy cho 44 ha lúa.

Kết quả sau khi phun xịt 2 lần trừ rầy hiệu quả. So sánh chi phí cho 1ha chỉ có 50.000 đồng (100.000 đồng/2 lần phun/ha). Trong khi đó ruộng lúa đối chứng phun thuốc hóa học chi phí 680.000 đồng/lần phun và phải phun 3 lần, tốn hơn 2 triệu đồng. Theo cán bộ kỹ thuật và nông dân sử dụng phun thuốc nấm xanh Ometar không ảnh hưởng tới người phun thuốc. Mô hình này đang được nhân rộng để bà con tự sản xuất phòng trừ rầy theo hướng hiệu quả, an toàn.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

VMC Việt Nam với mục tiêu trở thành nhà sản xuất thuốc thú y chuyên nghiệp cho gia cầm tại thị trường Việt Nam

Trong hành trình 20 năm (24/4/2004 - 24/4/2024), từ một doanh nghiệp phân phối, VMC Việt Nam vươn lên trở thành nhà sản xuất thuốc thú y nội địa có chất lượng hàng đầu Việt Nam.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.